Vụ Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc và nỗi lo Việt Nam thành sân chơi của FDI

Theo chuyên gia chia sẻ trên báo Đất Việt, khi doanh nghiệp Việt không tập trung phát triển bền vững thì cuối cùng Việt Nam sẽ thành sân chơi của doanh nghiệp FDI.
Sputnik

Điều khiến dư luận cảm giác bị lừa

Bàn tiếp về vụ việc Công ty CP Điện tử Asanzo bị tố nhập linh kiện Trung Quốc về dán mác Việt Nam, nhiều ý kiến chuyên gia đều khẳng định, điều khiến dư luận bức xúc không phải ở điểm này.

Nghi án hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt: Chuyên gia chỉ rõ 2 sai lầm cốt tử của Asanzo

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, việc nhập linh kiện nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc về để sản xuất hàng hóa, phục vụ thị trường trong nước xảy ra tương đối phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác. Riêng với Việt Nam, khi ở gần công xưởng của thế giới như Trung Quốc thì khó tránh khỏi tình trạng này.

Hơn nữa, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa được bao nhiêu nên hiện tượng này xảy ra là tất nhiên.

Điều đáng nói, trong vụ việc Asanzo, doanh nghiệp này họ nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp nhưng lại lấy danh nghĩa là hàng Việt Nam chất lượng cao, công nghệ Nhật Bản để quảng bá cho hoạt động kinh doanh và thương hiệu của mình. Cái sai là ở đó, chứ họ không sai khi nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp rồi bán ra thị trường.

Vậy phải định nghĩa thế nào là hàng Việt? Điều này, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, cần có quy định rạch ròi của các cơ quan quản lý nhà nước về quy tắc xuất xứ: bao nhiêu % nguyên liệu Việt thì được gọi là hàng Việt?

Bộ Công an đang điều tra những nghi vấn liên quan đến việc Asanzo bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Thứ hai, cần minh bạch thông tin thành phần hàng hóa ở trong nhãn phụ, chẳng hạn sản phẩm ấy đã nhập bao nhiêu % linh kiện có chất lượng cao của Trung Quốc.

"Cái sai của Asanzo là mập mờ, còn việc dư luận và truyền thông lên án hành động nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp là không nên vì chuyện đó thường xuyên xảy ra. Điều quan trọng là đừng để hàng Trung Quốc núp bóng xuất xứ Việt Nam để kiếm lời bất chính", ông Thắng nói.

Thứ ba, cơ quan quản lý cần làm rõ hàm lượng giá trị gia tăng mà Việt Nam được hưởng trong sản phẩm doanh nghiệp làm ra là bao nhiêu.

Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Ths Nguyễn Bình Minh (giảng viên Đại học Thương mại) cho rằng, dẫu có chỉ trích về sự nhập nhèm trong vụ việc Asanzo nhưng điều không thể quên rằng phải nghĩ đến việc làm thế nào để có được sản phẩm thuần Việt chiếm lĩnh được thị trường bởi khi người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt, doanh nghiệp Việt thì thị trường trong nước dễ trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp FDI.

Vụ Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc và nỗi lo Việt Nam thành sân chơi của FDI

Để làm được điều này, theo Ths Nguyễn Bình Minh, không khó nhưng còn tùy thuộc vào quan điểm, triết lý lý kinh doanh của các doanh nhân Việt Nam.

Nồi cơm điện Sunhouse dính "nghi án" hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, CEO Nguyễn Xuân Phú lên tiếng

Nếu các doanh nghiệp Việt cho rằng họ tận dụng nguồn lực bên ngoài tốt hơn, giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp thấp hơn thì không có gì sai.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần minh bạch bao nhiêu % sản phẩm nhập từ các nước khác, bao nhiêu % sản xuất trong nước, những sản phẩm ấy theo tiêu chuẩn nào.

"Nếu Việt Nam muốn làm chủ sản phẩm, muốn sản phẩm của mình có hàm lượng công nghệ cao thì phải chủ động sản xuất trong nước. Còn hàng Trung Quốc được sản xuất với số lượng lớn, thậm chí công nghệ tốt hơn của ta thì việc của chúng ta là đặt ra các tiêu chuẩn công nghệ để nhập được sản phẩm tốt, chứ không phải là bãi rác của họ. Thế nhưng hiện nay Việt Nam có nguy cơ thành bãi rác công nghệ khi nhập hàng kém chất lượng, thậm chí độc hại, đưa vào sản phẩm của mình. Vấn đề là ở chính các doanh nghiệp, không phải ở cách tổ chức quản lý vận hành nền kinh tế. Đã là doanh nhân, khi thấy thị trường có cơ hội nào thì sẽ tận dụng cơ hội ấy", Ths Nguyễn Bình Minh phân tích.

Nỗi lo thành sân chơi của FDI

Chia sẻ thực tế trên, nhưng Ths Nguyễn Bình Minh cũng thừa nhận, nếu doanh nghiệp chạy theo lợi ích cá nhân thì nền kinh tế Việt Nam không biết sẽ đi về đâu hay mãi chỉ là nền kinh tế gia công, lắp ráp.

Công nghệ ốc vít: Hàng Trung Quốc thành hàng Việt chất lượng cao lừa dân

"Đây là vấn đề đau đầu nhất từ trước tới nay. Sở dĩ chúng ta không làm được doanh nghiệp lớn, chủ yếu là cách giáo dục về tư tưởng trục lợi, cái gì có lợi trước mắt thì làm. Vì lẽ đó, khó có thể trách được ai. Nếu tạo được cho các doanh nhân có lý tưởng như doanh nhân Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore - sản xuất hàng trong nước, vì thương hiệu trong nước, thì nền sản xuất Việt Nam sẽ có bước tiến lâu dài và bền vững hơn", Ths Nguyễn Bình Minh nói.

Nhưng trong khi chưa thể tạo được lý tưởng trên trong các doanh nhân Việt và tư tưởng trục lợi vẫn khuynh đảo thì vị chuyên gia lo ngại rằng, một khi người dân mất niềm tin vào hàng Việt, vào doanh nghiệp Việt thì thị trường Việt Nam sẽ thành sân chơi của các doanh nghiệp FDI.

"Nguy cơ này luôn tồn tại, chỉ có điều doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi như thế nào. Trong nền kinh tế thị trường này, người nào không tập trung vào những cái bền vững thì cuối cùng cũng sẽ thành thị trường để doanh nghiệp các nước khác phát triển. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có lý tưởng, triết lý để phát triển thì các doanh nhân làm chuyện đó sẽ bị thiệt thòi trong một thời gian khá dài. Nếu không làm được thì đương nhiên chúng ta sẽ phải trả giá, các nhà sản xuất của các quốc gia khác sẽ tập trung vào thị trường mà họ có thế mạnh và một khi họ đã đứng đầu thì làm sao doanh nghiệp Việt cạnh tranh nổi?

Chủ tịch Phạm Văn Tam thừa nhận "sử dụng linh kiện Trung Quốc", Asanzo có lừa dối người tiêu dùng?

Vị chuyên gia cũng nêu ví dụ:

"Chẳng hạn, điện thoại Samsung chiếm thị phần rất lớn trên thị trường điện thoại Việt Nam, họ muốn bán bao nhiêu thì bán, còn Việt Nam muốn có một chiếc điện thoại nào đó của riêng mình thì cũng rất khó khăn vì chúng ta phải cạnh tranh với một người khổng lồ có thị trường toàn cầu, trong khi chúng ta chưa có nổi thị trường trong nước. Một khi phải nhường thị trường cho doanh nghiệp ngoại, cái mất của Việt Nam rất lớn bởi thứ mà Việt Nam nhận được không đáng bao nhiêu, trong khi lợi nhuận có thể được doanh nghiệp ngoại chuyển về nước họ", Ths Nguyễn Bình Minh cảnh báo.

Thống kê của Tổng cục Hải quan tính đến hết tháng 5.2019 cho thấy, Việt Nam chi tới 29,9 tỉ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc những tháng vừa qua tăng rất cao, lên tới 20,3% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm đến 29,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Như vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất.

Thảo luận