Asanzo của CEO Phạm Văn Tam đang vướng vào nghi án sử dụng hàng Trung Quốc nhưng gắn "mác" Việt Nam.
Ông Tam đã lên tiếng phủ nhận, bác bỏ thông tin Asanzo chủ trương xé tem "Made in China" trên linh kiện để thay bằng tem "Made in Vietnam" trên tivi và trần tình việc ghi xuất xứ Việt Nam trên sản phẩm. Dù phía Asanzo đã lên tiếng giải thích nhưng thông tin trên vẫn là cú sốc cho người tiêu dùng và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Chia sẻ về vấn đề sản phẩm “Made in Việt Nam” từ câu chuyện Asanzo, Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh chỉ ra 3 vấn đề cần làm rõ xung quanh câu chuyện của doanh nghiệp. Thứ nhất, Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc để lắp hàng của mình là bình thường nhưng việc bóc tem "Made in China" dán tem "Made in Vietnam" là điều cần được điều tra, xem xét triệt để, bởi đó là lừa dối khách hàng và vi phạm luật pháp, cần bị trừng phạt.
Thứ hai, cần làm rõ tại sao sản phẩm của Asanzo được cấp chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao. Thứ ba, trong thời gian dài như vậy, không phát hiện gì về Asanzo, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như các bên liên quan như thế nào cũng cần phải được làm rõ.
TS Lê Đăng Doanh cho biết, sự việc cần được làm sáng tỏ bởi không đơn thuần là cho người tiêu dùng câu trả lời xác đáng mà còn cần rút kinh nghiệm cho các sản phẩm hàng hóa khác.
"Hàng hóa Trung Quốc thường có giá thành rẻ, nếu nhập hàng về bán và nhập nhèm xuất xứ như vậy sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được", ông Doanh nói, đồng thời nhấn mạnh: "Qua sự việc này cũng phải làm rõ các tiêu chí về hàng Việt cần đảm bảo các yếu tố nào, hàm lượng cụ thể bao nhiêu trên khung pháp lý. Nếu không đủ, thì chỉ được ghi là lắp ráp hay được thiết kế tại Việt Nam".
Từ vụ Asanzo, nhiều người nhắc lại chuyện Khaisilk từng gây xôn xao dư luận thời gian trước, khi thương hiệu này cũng nhập vải từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác của thương hiệu mình. Nhiều người so sánh hai vụ việc này có kịch bản giống nhau.
Tuy nhiên, ở góc độ thương hiệu, chuyên gia Tư vấn chiến lược thương hiệu và Marketing Võ Văn Quang cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, hiếm có quốc gia mà xây bức tường không giao tiếp với bên ngoài và khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì việc nhập linh kiện sản xuất là không sai.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ câu chuyện của Asanzo, ông Quang cho rằng có hai điểm doanh nghiệp này đang sai lầm.
"Thứ nhất, Asanzo bóc tem trên một số linh kiện rồi dán nhãn Việt Nam, cái này có bằng chứng, thì đó là sai luật. Thứ hai, đó là quảng cáo "quá khích", ông Quang nói.
Theo chuyên gia, việc Asanzo theo thị trường ngách, cung ứng sản phẩm cho các vùng nông thôn – điều mà các hãng lớn đã bỏ qua là cái được. Nhưng cái chưa được của Asanzo là quảng cáo "quá khích".
"Đành rằng họ có thể hợp tác với Nhật Bản về mặt công nghệ, nhưng chỉ cần thêm là "công nghệ Nhật Bản" thay vì "Đỉnh cao Nhật Bản". Quảng cáo là tinh tế chứ không thể giáo điều, và thổi phồng lố bịch", ông Quang nói.
Cũng theo vị chuyên gia về chiến lược thương hiệu, tình huống của Asanzo khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện hàng Trung Quốc nhưng thay tem mác của thương hiệu Khaisilk. Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh, không thể chủ quan cho rằng hai tình huống này là giống nhau.
"Câu chuyện của Asanzo cần phải nhìn từ nhiều chiều hướng, sai tới đâu xử tới đó, và theo đúng luật, nhưng đi kèm với chỉnh sửa hệ thống. Liệu có tình huống nào tương tự như thế chưa được xử lý hay không?", ông Quang đặt câu hỏi.
Ở góc nhìn khác, bình luận về việc dán nhãn xuất xứ sản phẩm trên phương diện pháp lý, viện dẫn quy định trong Luật Thương mại, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch công ty luật Basico) nhấn mạnh, xuất xứ hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều 3.14 của Luật Thương mại năm 2005 với 2 ý là nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất toàn bộ hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản mà không đề cập đến lắp ráp.
Theo ông Đức, mặc dù một sản phẩm có thể sử dụng linh kiện của nhiều quốc gia, nhưng nhất thiết vai trò của doanh nghiệp ở Việt Nam phải ở mức ý nghĩa nhất định.
"Không thể nói lắp ráp đơn giản với 2-3 mảng miếng mà ai cũng làm được, rồi tự nhận là hàng Việt Nam. Thậm chí, dù giai đoạn lắp ráp cuối cùng phức tạp cũng không được.
Ở đây phải làm rõ được doanh nghiệp đóng góp như thế nào trong quá trình tạo ra sản phẩm. Con số linh kiện là bao nhiêu phần trăm, đóng góp về công nghệ, hàm lượng trí tuệ và vai trò của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm mới được dán nhãn như vậy", ông Đức nhấn mạnh.
Ông cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với giải thích của CEO Phạm Văn Tam cho rằng việc việc Asanzo dán tem xuất xứ Việt Nam trên sản phẩm đang tiêu thụ là do các văn bản chỉ hướng dẫn dán tem với hàng xuất khẩu mà không có hướng dẫn với hàng tiêu thụ nội địa.
Theo luật sư, Nghị định về Nhãn hàng hóa năm 2017 quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu.
"Cần hiểu dán nhãn "Made in Vietnam" bên cạnh đúng bản chất còn phải đảm bảo sự trung thực", ông Đức nhấn mạnh.