Kinh tế, GDP, FDI tăng trưởng ngoạn mục, nguồn tiền thế giới đổ về Việt Nam

GDP Việt Nam Quý I/2021 tăng 4,48% được đánh giá là rất khả quan so với khu vực và trên thế giới sau cú sốc, khủng hoảng do Covid-19. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng hồi phục mạnh mẽ - Việt Nam xuất siêu 2.03 tỷ USD.
Sputnik

Dòng vốn FDI tăng mạnh, đạt 10,13 tỷ USD. Các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng của đất nước và đẩy mạnh rót vốn, triển khai xây dựng các nhà máy, dự án tại Việt Nam.

Theo “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG, nếu Việt Nam nắm bắt được thời cơ và khi Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ châu lục, thì dòng tiền từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về.

GDP quý I tăng 4,48%: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất khả quan

Sáng ngày 29/3, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I/2021. Báo cáo cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn tốc độ của quý I/2020 (khi đó là 3,68%).

Việt Nam đứng trước cơ hội vàng sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Mặc cho tình hình dịch bệnh phức tạp từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3/2021, có thể thấy Việt Nam đã đạt được thành tựu kinh tế rất khả quan.

Kết quả tăng trưởng quý I/2021 cũng cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của cả nước để hoàn thành mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

“Mức tăng trưởng trong quý I/2021 là rất khá so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, giữ được nền kinh tế vĩ mô hoạt động ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp”, theo Tổng cục Thống kê.

Thống kê cho thấy, trong mức tăng toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% (quý I/2018) và 9% (quý I/2019). Mức tăng 6,5% này đóng góp 2,2% vào mức tăng chung.

Do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%, ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36% mức tăng chung. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020, đóng góp 0,32%.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 3 năm nay, hoạt động thương mại trong nước và vận tải hàng hóa có dấu hiệu tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 5,4% cùng kỳ năm 2020).

Con số này cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Vận tải hàng hóa cũng tăng 5,3% so với tháng trước về lượng hàng hóa vận chuyển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vận tải hành khách và khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khó khăn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 3 năm 2021 ước đạt 405,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%).

Ước tính, có 19,4 ngàn lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2021, tăng 77,3% so với tháng trước và giảm 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2021, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 48,1 ngàn lượt người, giảm 98,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh tế Việt Nam có thể gặp những thách thức gì trong năm 2021?

Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37% vào tăng trưởng chung.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19. Đây là cở sở để huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo trong năm nay.

Tính đến 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam xuất siêu hơn 2 tỷ USD

Quý I/2021 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2021 ước tính đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước. Tính chung quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng 15 bậc, Việt Nam lần đầu lọt nhóm có Chỉ số tự do kinh tế trung bình

Ghi nhận từ cơ quan thống kê cho thấy, trong quý I/2021 có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7%).

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2021 ước tính đạt 28,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với tháng trước. Tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2021 có 15 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 36,7%).

Với kim ngạch xuất nhập khẩu như trên, Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2/2021 nhập siêu 460 triệu USD; 2 tháng xuất siêu 1,63 tỷ USD, tháng 3/2021 ước tính xuất siêu 400 triệu USD. Ước tính quý I/2021 xuất siêu 2,03 tỷ USD, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.

Kinh tế, GDP, FDI tăng trưởng ngoạn mục, nguồn tiền thế giới đổ về Việt Nam

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn

Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, trong quý II/2021 này, kinh tế – xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thứс. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên càng dễ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi trong bối cảnh nề kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Ai nói Việt Nam sẽ không thể là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới?

Đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới đã và đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

“Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân”, Tổng cục Thống kê cảnh báo.

Ưu tiên sắp tới là phải kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương  mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao cơ hội cạnh tranh và nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế.

“Việt Nam cũng tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.
FDI tăng mạnh, nguồn tiền thế giới đổ về Việt Nam

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2021.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/3, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

'Bộ não' nền kinh tế: Samsung biến Việt Nam thành cứ điểm chiến lược về công nghệ

Cơ quan này cho biết, có 234 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 69,1% so với cùng kỳ nhưng tổng vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD tăng 30,6% so với cùng kỳ.

Có 161 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD tăng mạnh 97,4% so với cùng kỳ. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 805,3 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay.

17 lĩnh vực của Việt Nam thu hút được lượng vốn FDI lớn gồm công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các lĩnh vực hút vốn FDI tiếp theo là sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản, khoa học công nghệ…

Có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong ba tháng đầu năm. Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tiếp đó là Nhật Bản (2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư). Bộ KH&ĐT cũng khẳng định, vốn FDI mới từ Singapore, Nhật Bản vào Việt Nam lần lượt là 93,4% và 70,8% tổng số vốn đăng ký của hai quốc gia.

Đánh giá về xu hướng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Đầu tư với nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhận định, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch Covid-19.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đã tăng 18,5% so với cùng kỳ sau khi giảm liên tục trong 2 tháng đầu năm. Quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng mạnh so với cùng kỳ giúp vốn đăng ký mới tăng thêm 30,6% và vốn điều chỉnh tăng 97,4%.

Cơ quan này cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư.

“Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đã được cải thiện”, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT khẳng định.

Trong khi đó, phát biểu tại buổi lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, doanh nghiệp của ông đã ấp ủ ý tưởng, mong muốn về một trung tâm tài chính ở Việt Nam và giờ là cơ hội để thực hiện ý tưởng này.

“Chúng tôi đã nhiều năm ấp ủ về một trung tâm tài chính ở Việt Nam. Hơn 5 năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tài chính và bộ máy nhân lực. Chúng tôi đã đi học hỏi khắp thế giới để thực hiện được ý tưởng trên”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Vị doanh nhân cũng chia sẻ, trong 10 năm qua, cá nhân ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã kết giao với rất nhiều người bạn trên thế giới, trong đó ba người bạn Mỹ mà ông dùng cụm từ miêu tả hết sức đặc biệt - là 3 con “đại bàng chúa” về lĩnh vực tài chính, casino, luật tài chính.

“Các bạn đã đặt hết niềm tin vào tôi và Việt Nam”, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, người được mệnh danh là “vua hàng hiệu” ở Việt Nam khẳng định.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng nói về Đà Nẵng, và cho đây là thành phố có thể hướng đến việc xây dựng trung tâm tài chính quy mô của khu vực, thành phố sân bay, khu phi thuế quan… với chủ trương của Chính phủ.

Chưa từng có tiền lệ: Moody’s nâng triển vọng kinh tế và tín nhiệm quốc gia Việt Nam

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho hay, trong Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhưng ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn thực hiện kế hoạch này trong 20 năm, tức là chỉ đến năm 2040.

Theo vị doanh nhân, hiện nay, các trung tâm tài chính trên thế giới đang có những xáo trộn nên họ phải định hình lại.

“Đà Nẵng, Việt Nam phải nắm bắt thời cơ và khi Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính đạt tầm châu lục thì dòng tiền sẽ chảy về. Chúng tôi muốn và quyết tâm làm để 20 năm nữa hiện thực hóa được mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Với quyết sách của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, quyết tâm để Việt Nam nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực tăng trưởng GDP từ 7-8%, vươn lên đứng thứ 2 khu vực ASEAN về quy mô kinh tế và sớm trở thành quốc gia có mức thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng sẽ được kỳ vọng sớm trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực như Hongkong, Singapore hay Tokyo.

Thảo luận