Tiền Việt mất giá, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản

Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) có báo cáo cho biết, vì USD mạnh lên, gây áp lực lên đồng Việt Nam, VND mất giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phải tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản (bps).
Sputnik
MBKE cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ chấp nhận lạm phát cao hơn để nới lỏng tiền tệ vào cuối năm 2023 trong bối cảnh suy thoái, lạm phát toàn cầu bao trùm như hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ giá hàng hoá thế giới tăng cao, nhưng vẫn kiểm soát tốt rổ hàng hoá nội địa. Lạm phát năm nay được kỳ vọng dưới mức mục tiêu 4% nếu không có sự kiện nào đặc biệt xảy ra, nhưng áp lực trong năm sau vẫn còn khá lớn khi Chính phủ vừa nâng mức lạm phát mục tiêu lên mức 4,5%.

NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản

Trong báo cáo mới cập nhật của mình, khối phân tích của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) giữ nguyên quan điểm lạm phát toàn phần sẽ có xu hướng tăng trong những tháng còn lại.
Tuy nhiên, mức độ gia tăng của lạm phát toàn phần sẽ phụ thuộc vào xu hướng của giá dầu thế giới. Như vậy “vàng đen” vẫn được coi là yếu tố chính tác động đến các diễn biến kinh tế lớn thời gian tới.
Đối với Việt Nam, Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 vẫn ở mức 8% và 6% vào năm 2023. Nghiên cứu của MBKE đánh giá dự báo lạm phát trung bình năm 2022 ở mức 3,4% cho năm 2022 và 3,6% cho năm 2023.
VND mất giá gần 7%, dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm và ‘tam giác bất khả thi’
“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản (bps) trong khoảng thời gian một tháng (23/9 đến 22/10) và cũng nới biên độ tỷ giá USD/VND (tương đương với mức phá giá 2%)”, - MBKE cho biết.
Theo Chứng khoán Maybank Kim Eng, điều này một phần là do áp lực từ việc USD mạnh lên, gia tăng áp lực lên đồng Việt Nam.
“Chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ có một đợt tăng lãi suất 50 – 100 bps nữa ở Việt Nam trong những tháng tới vì Fed có thể nâng lãi suất chuẩn thêm 75 và 50 bps nữa vào tháng 11 và tháng 12/2022”, - MBKE bày tỏ.

Chấp nhận lạm phát cao hơn để nới lỏng tiền tệ vào cuối năm 2023

Trong báo cáo của mình, MBKE lưu ý, VND mất giá và lãi suất cao hơn gây tác động kép đối với hoạt động và tài chính của nhiều công ty trong nước.
Điều này ‘phủ thêm mây mù cho triển vọng của nền kinh tế trong năm tới’, theo Maybank Kim Eng.
Với mục tiêu nâng lãi suất của Fed là 4,5-4,75% và nguy cơ suy thoái ở Mỹ vào đầu năm tới, các chuyên gia của Maybank Kim Eng kỳ vọng ảnh hưởng của USD mạnh sẽ bắt đầu giảm bớt. Như vậy sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dư địa để linh hoạt các chính sách.
NHNN lần đầu tiên giảm tỷ giá USD/VND sau chuỗi tăng "nóng"
Đặc biệt, vì lạm phát nội địa chủ yếu vẫn là chi phí đẩy và chi phí để khắc phục hậu quả nếu để xảy ra suy thoái kinh tế là rất cao, nên MBKE kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ chấp nhận chịu một mức mục tiêu lạm phát cao hơn để theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ nửa sau năm 2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

ACBS: Việt Nam đã làm khá tốt nhưng lạm phát năm 2023 có thể sẽ khá cao

Chia sẻ một số góc nhìn khá tương đồng, phát biểu tại cuộc tọa đàm “Đi tìm động lực thị trường trong bức tranh lạm phát” do Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức chiều 24/11, ông Tyler Cheung, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán ACB (ACBS), đánh giá cho đến thời điểm này Việt Nam đã làm khá tốt trong việc kiềm chế lạm phát, dù không phải hoàn toàn không bị ảnh hưởng từ lạm phát toàn cầu vốn đang tăng mạnh.
“Lạm phát toàn cầu được kỳ vọng trong khoảng 8-10%. Tại Việt Nam, chúng ta vẫn sẽ đạt mục tiêu dưới 4% do Chính phủ đề ra cho năm nay. Điều này cho thấy Việt Nam đã làm khá tốt so với thế giới”, - ông Tyler Cheung nói.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích vĩ mô của ACBS cũng nhận định tại cuộc toạ đàm rằng, trong vòng hai tháng tới áp lực lạm phát ở Việt Nam không quá lớn và lạm phát cả năm 2022 sẽ đạt khoảng từ 3 đến 3,6%.
Biến động chính sách tiền tệ Việt Nam và chiến lược cao tay của Ngân hàng Nhà nước
“Tuy nhiên đến năm 2023, có thể thấy những rủi ro áp lực lạm phát rất cao khi nhà nước đã phải nâng trần lạm phát lên 4,5%”, - ông Trịnh Viết Hoàng Minh nêu quan điểm.
Đại diện ACBS nêu 3 yếu tố gây áp lực lạm phát trong năm 2023. Trước hết là tác động gián tiếp từ chi phí đẩy ở năm nay sẽ hiển hiện rõ hơn ở năm sau, khi giá xăng dầu khả năng vẫn giữ nguyên ở mức cao dù không có sự tăng đột biến.
Do vậy, tác động gián tiếp từ chi phí đẩy ở năm nay thể hiện rõ hơn ở năm sau sẽ gây áp lực gia tăng lên lạm phát và ở cả kỳ vọng lạm phát của người dân. Khi kỳ vọng lạm phát tăng sẽ kéo theo nhu cầu tăng lương của người dân.
Ngoài ra, giá thuê nhà, nhà cửa... cũng sẽ tăng, từ đó gây áp lực ngược lại cho gia tăng lạm phát năm sau.
Thứ hai, gói hỗ trợ hậu COVID-19 (487 nghìn tỷ) mới giải ngân được khoảng 16 – 20% trong năm nay, do đó áp lực giải ngân trong năm sau là rất lớn.
Thứ ba là giải ngân chi ngân sách rất lớn, chi tiêu công năm 2023 cũng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát.
Việt Nam có thể thanh toán bằng đồng tiền khác, tránh phụ thuộc vào đô la Mỹ?
Từ các yếu tố trên, chuyên gia phân tích của ACBS dự kiến lạm phát năm 2023 là khá cao và có thể đạt mức trần là 4,5% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.

NHNN cố gắng giữ tỷ giá tương đối ổn định

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ chi phí đẩy hơn là yếu tố tiền tệ.
Chuyên gia cũng nêu thêm vài yếu tố gây áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023. Ông Huân phân tích, năm 2023 có một cột mốc quan trọng là tăng lương cơ sở, ghi nhận trong lịch sử Việt Nam, mức lương cơ sở tăng thường kéo theo lạm phát và ông khẳng định những áp lực lạm phát trong năm sau là rất lớn, đó là lý do phải nâng mục tiêu lạm phát từ 4 lên 4,5%.
Bên cạnh đó là những yếu tố bất định của nền kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina chưa kết thúc trong ngắn hạn, không thể biết trước được những động thái và mức độ căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ lớn đến đâu.
“Những biến số này không thể dự báo được và phụ thuộc phần lớn vào các lãnh đạo của các quốc gia đó, vì vậy rủi ro về mặt lạm phát cũng như về sự bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới vẫn sẽ rất căng thẳng trong năm 2023”, - TS. Nguyễn Hữu Huân bày tỏ.
Chính phủ Việt Nam phải trả nợ khoảng 324.583 tỉ đồng trong năm 2022
Các chuyên gia cho rằng, chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân cần lường trước được các kịch bản xấu nhất để có những ứng phó phù hợp.
“Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc hoạch định sản xuất kinh doanh, chi tiêu và các vấn đề khác. Tất cả các yếu tố rủi ro trên sẽ gây ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh, không chỉ ở lạm phát mà cả tăng trưởng kinh tế trong năm 2023”, - ông Huân lưu ý.
Chuyên gia cũng đề cập đến một nhân tố giúp kiểm soát lạm phát – đó là việc duy trì sự ổn định của tỷ giá.
“Tỷ giá là phòng tuyến cuối cùng để kiểm soát và bình ổn giá cả trong nước. Do đó chúng ta thấy NHNN cố gắng giữ tỷ giá tương đối ổn định”, - TS. Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.
Thảo luận