Vào đầu tháng 11/2022, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi "danh sách giám sát" thao túng tiền tệ từ kỳ báo cáo ngày 10/11/2022.
Báo cáo này tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí là thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Trước đó, cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào "danh sách giám sát" thao túng tiền tệ. Và ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam là một trong hai quốc gia thao túng tiền tệ, cùng với Thụy Sỹ.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tài chính, TS kinh tế Lê Xuân Hòa về sự kiện trên.
Quyết định mang cả tính chính trị và kinh tế
Sputnik: Thưa TS Lê Xuân Hòa, nguyên nhân gì đã dẫn tới việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách giám sát” thao túng tiền tệ từ kỳ báo cáo ngày 10/11/2022?
TS kinh tế tài chính Lê Xuân Hòa:
Trên thực tế, Việt Nam đã không nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Bộ tài chính Mỹ từ tháng 4/2021. Còn từ 10/11/2022 thì Việt Nam không nằm trong danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ. Đó là một bước tiến lớn. Vì sao điều đó xảy ra?
Trước hết, do hai kỳ báo cáo gần đây, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ. Hai tiêu chí còn lại của Việt Nam là thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ kéo dài đã không vượt ngưỡng giám sát của cơ quan tài chính Mỹ.
Tiếp theo, chính sách của Tổng thống J. Biden là không gây hấn, không gây chiến tranh thương mại kiểu Tổng thống D.Trump và không sử dụng công cụ thao túng tiền tệ làm thước đo. Ông J. Biden tập trung vào công nghệ, hàn gắn và xây dựng lại các liên minh chiến lược bị Tổng thống D. Trump phá hỏng.
Một nguyên nhân nữa là, Việt Nam dù có thao túng tiền tệ thì quy mô vẫn nhỏ so với nền kinh tế Mỹ, vì vậy, ảnh hưởng lên Mỹ không đáng kể. Hơn nữa, Mỹ cũng muốn tạo thế bao vây Trung Quốc. Việc ve vãn Việt Nam là dễ hiểu: Để ngăn chặn Trung Quốc. Vì thế, quyết định này mang cả bản chất chính trị và kinh tế.
Cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ tăng cao hơn
Sputnik: Như vậy, việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “giám sát” mang lại điều gì có lợi cho Việt Nam, cơ hội gì cho Việt Nam?
TS kinh tế tài chính Lê Xuân Hòa: Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định với Mỹ, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ có kết luận: Việt Nam không can thiệp vào tỷ giá hối đoái để tạo lợi thế cho xuất khẩu hàng hoá của mình, tức là không vi phạm tiêu chí cán cân vãng lai, Việt Nam cũng không can thiệp vào thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn khá hiệu quả. Lạm phát ở Việt Nam được duy trì ở mức thấp hơn so với nhiều nước. Việt Nam vẫn duy trì được dự trữ ngoại tệ ở mức cao, VND chỉ mất giá 8%, trong khi tại các nước tiên tiến tiền mất giá tới 11%.
Kết quả đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ như thế góp phần tăng niềm tin về hợp tác giữa hai nước, giúp cho Việt Nam tự tin hơn về điều hành chính sách tiền tệ tài khoá. Kết quả này cũng thể hiện rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và sòng phẳng với các nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ.
Kết quả trên sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam bớt lo lắng hơn, bớt gặp khó khăn hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Điều này thực sự quan trọng, vì Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ tăng cao hơn, vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh nắm bắt cơ hội hơn.
Sputnik: Cảm ơn TS Lê Xuân Hòa đã dành thời gian cho Sputnik.