Sputnik phỏng vấn Luật sư Hoàng Việt, Chuyên gia Ban nghiên cứu Luật biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về động thái này của Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ quốc phòng giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ hiện nay.
Việt - Ấn chia sẻ nhiều điểm chung
Sputnik: Thưa Luật sư, đây là lần đầu tiên một tàu hộ tống đang hoạt động được Ấn Độ tặng cho Việt Nam, quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Xin Luật sư bình luận về điều này?
Luật sư Hoàng Việt, Chuyên gia Ban nghiên cứu Luật biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Điều này thể hiện trước hết đó là sự tăng cường trong quan hệ Việt - Ấn, đặc biệt trong quan hệ quốc phòng. Quan hệ Việt - Ấn dựa trên các mối liên kết lịch sử và văn hóa lâu đời, trong đó hợp tác quốc phòng trở thành trụ cột chính của quan hệ hai nước.
Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực và thế giới đang có rất nhiều biến động, Việt Nam và Ấn độ đã tìm thấy nhiều điểm tương đồng. Về mặt địa lý, cả Việt Nam và Ấn Độ đều nằm trong khu vực trung tâm của vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn đang là địa bàn tranh chấp ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có lo ngại chung về các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Ấn Độ đang có những tranh chấp biên giới trên bộ với Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc đang có những căng thẳng trên Biển Đông.
Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật vùng xám trong cuộc tranh chấp biên giới với Ấn Độ cũng như trên Biển Đông mà Việt Nam là một bên đang phải đối mặt. Những vấn đề này đã khiến quan hệ quốc phòng Việt - Ấn có những bước chuyển động mới.
Ấn Độ cũng là một bên quan trọng cùng với Nga giúp cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho Việt Nam. Việt Nam đang cần các cường quốc biển như Ấn Độ có thể trợ giúp Việt Nam nâng cao năng lực biển của mình để có thể chống lại chiến thuật vùng xám trên Biển Đông.
Bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quốc phòng
Sputnik: Thông qua sự kiện lần này, Luât sư có bình luận gì về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Ấn trong thời gian gần đây, đặc biệt trên Biển Đông? Tàu INS Kirpan sẽ được Việt Nam triển khai tại vùng biển này, thưa ông?
Luật sư Hoàng Việt, Chuyên gia Ban nghiên cứu Luật biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Hợp tác Ấn Độ-Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng bắt đầu năm 1994, với việc ký Bản ghi nhớ (MOU) đầu tiên về hợp tác quốc phòng. Tiếp theo đó là một Nghị định thư Phòng thủ chính thức hồi tháng 3/2000, trong đó cả hai quốc gia đồng ý tiến hành cuộc tập trận quân sự chung, chiến dịch chung chống cướp biển ở Biển Đông và huấn luyện chống bạo loạn.
Năm 2003, Tuyên bố chung được ký đã ràng buộc cả hai quốc gia tiến hành các chuyến thăm cấp cao định kỳ và cam kết mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Việc ký kết MOU hợp tác quốc phòng tháng 11/2009 giúp xây dựng các tương tác chặt chẽ hơn, thông qua đối thoại quốc phòng, đào tạo, tập trận, các chuyến thăm của tàu Hải quân và Cảnh sát biển, cùng với việc xây dựng năng lực.
Sự phát triển của quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Ấn đặc biệt có bước tiến mới sau khi hai bên thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược được năm 2007, rồi sau đó được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016. Hợp tác quốc phòng và an ninh Việt - Ấn được coi như một lĩnh vực trung tâm, với việc cả hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa các lĩnh vực hợp tác hiện có.
Kể từ khi thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, đã có tiến bộ trong hợp tác quốc phòng song phương bao gồm trao đổi các chuyến thăm cấp cao với Đối thoại An ninh Việt - Ấn lần thứ nhất diễn ra tháng 7/2018.
Tầm nhìn chung Ấn Độ-Việt Nam vì hòa bình, thịnh vượng và con người được công bố tháng 12/2020 có ý nghĩa quan trọng, vì đây là nền tảng cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ đối tác quốc phòng song phương. Về hợp tác quốc phòng và an ninh, thỏa thuận chính bao gồm thực hiện các thỏa thuận hợp tác công nghiệp quốc phòng, tăng tần suất trao đổi cấp cao thường xuyên và thể chế hóa nhằm tăng cường quan hệ đối tác an ninh giúp duy trì và thúc đẩy sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong cuộc gặp trực tuyến giữa Bộ trưởng Rajnath Singh và Đại tướng Phan Văn Giang hồi tháng 7/2021, hai bên bày tỏ cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ quốc phòng trong khuôn khổ Tuyên bố Tầm nhìn chung 2020. Ngày 8/6/2022, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Singh, hai bên ký “Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ hướng tới năm 2030”. Một MOU hỗ trợ hậu cần lẫn nhau được ký kết trong chuyến thăm giúp đơn giản hóa thủ tục mua thiết bị hậu cần và hỗ trợ.
Hợp tác quốc phòng Việt - Ấn được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các cuộc tiếp xúc trên phạm vi rộng giữa các quân chủng, thông qua tương tác chặt chẽ hơn và đối thoại quốc phòng thường xuyên, huấn luyện và diễn tập, hợp tác nâng cao năng lực và các chuyến thăm của tàu Hải quân và Cảnh sát biển. Tháng 2/2016, lần đầu tiên tàu Việt Nam tham gia Duyệt binh hạm đội quốc tế tại Vishakhapatnam.
Tháng 12/2020, Hải quân Ấn Độ tham gia “cuộc tập trận-PASSEX” với Hải quân Việt Nam ở Biển Đông như một phần trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa hai nước. Hai tàu Hải quân Ấn Độ INS Shivalik và INS Kamorta thăm TP. Hồ Chí Minh tháng 11/2022 và INS Delhi và INS Satpura thăm Đà Nẵng từ ngày 19-22/5/2023.
Ngoài lĩnh vực an ninh, hai quốc gia cũng đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống ở khu vực lĩnh vực chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, quản lý và ứng phó thảm họa.
Vấn đề Biển Đông là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam xét về khía cạnh chính trị và an ninh. Quân đội Việt Nam ưu tiên hoạt động liên quan đến an ninh hàng hải bằng cách tập trung vào việc tăng cường lực lượng không quân, hệ thống phòng không, khả năng nổi và ngầm.
Việc mua sắm các vũ khí, khí tài cho hải quân, phòng thủ trên không, hệ thống tình báo và thiết bị giám sát và trinh sát (ISR) cho thấy chiến lược xây dựng khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ quốc gia khác. Điều này cũng dẫn đến việc Việt Nam áp dụng cách tiếp cận thực dụng và đa dạng hơn trong chính sách đối ngoại dựa trên chủ nghĩa đa phương.
Việt Nam không chỉ thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ mà còn đang xem xét tăng cường quan hệ với các nước lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Các nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, Việt Nam đang tìm kiếm việc mua các hệ thống tên lửa đất đối không Akash, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos và các thiết bị quân sự khác của Ấn Độ để tăng cường sức mạnh phòng thủ.
Trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, Ấn Độ đã tặng Việt Nam tàu INS Kirpan, một tàu hộ tống loại nhỏ mang tên lửa do chính Ấn Độ đóng trong nước, giúp Việt Nam tăng cường khả năng cho hải quân. Tàu này sẽ được biên chế trong hải quân Việt Nam, việc triển khai tàu này tại đâu sẽ do Hải quân và Bộ quốc phòng quyết định, tuỳ thuộc vào kế hoạch cũng như tình hình thực tế trên biển.
Thông điệp quan trọng từ New Delhi
Sputnik: Việc tặng tàu INS Kirpan cho Việt Nam cùng với việc thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự với Philippines thể hiện mong muốn gì của Ấn Độ trong khu vực? Liệu đây có phải là "lời dằn mặt" đối với Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông?
Luật sư Hoàng Việt, Chuyên gia Ban nghiên cứu Luật biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Khó có thể nói là Ấn Độ muốn dằn mặt Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông được. Mặc dù mới đây Ấn Độ đã lần đầu cùng Philippines kêu gọi tuân thủ Phán quyết Biển Đông năm 2016, cũng như Việt - Ấn thúc đẩy quan hệ quốc phòng.
Chúng ta có thể hiểu thông điệp quan trọng của Ấn Độ thông qua các hành động này, đó là Ấn Độ cùng nhiều nước ASEAN cảm thấy lo lắng trước các đe doạ về an ninh ở khu vực Biển Đông, khi mà môi trường an ninh toàn cầu ngày càng xấu đi, tiềm ẩn các xung đột quân sự gay gắt.
Đồng thời Ấn Độ cũng thể hiện quyết tâm cũng như vai trò như một cường quốc đang lên ở châu Á trước các mối đe doạ, thách thức và an ninh. Tuy nhiên, quan hệ Việt - Ấn hay quan hệ Ấn Độ - ASEAN không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực quốc phòng. Các quan hệ về kinh tế, văn hoá cũng đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của Ấn Độ và các quốc gia ASEAN./.