Việt Nam gặp rắc rối với nhà thầu Nhật Bản ở dự án Metro số 1

Tuyến metro của Việt Nam gặp loạt rắc rối với nhà thầu Nhật Bản Hitachi. Theo báo cáo được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên gặp hàng loạt vướng mắc, khiếu kiện với các nhà thầu Nhật Bản.
Sputnik

Nhà thầu Nhật Bản dự án Metro số 1 gây cho Việt Nam một loạt rắc rố

Vấn đề được báo Lao Động phản ánh được nêu tại báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) với Ủy ban nhân dân thành phố nhằm phục vụ cuộc họp do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì về rà soát một số dự án ODA hợp tác với Nhật Bản.
Về tiến độ dự án, cụ thể, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, metro số 1 đã đạt khoảng 96,53% khối lượng. Dự án cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện các hệ thống, song song với công tác đào tạo nhân sự vận hành, thử nghiệm hệ thống và đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.
Các khối lượng công việc còn lại của dự án, theo Ban Quản lý, chủ yếu thuộc về gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng), có giá trị hơn 14.200 tỷ đồng với nhà thầu Hitachi, Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo báo Lao động dẫn báo cáo của Ban Quản lý cho biết, hiện nay, có một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện hợp đồng CP3 vẫn chưa được nhà thầu Hitachi thực hiện hoàn toàn hoặc có giải pháp giải quyết các khó khăn để hoàn thành công việc.
Điển hình như về nội dung sử dụng thiết bị dự án phục vụ công tác đào tạo của tư vấn chung (NJPT), hiện nay, theo Ban Quản lý, “quan điểm và cách nhìn nhận của nhà thầu Hitachi và NJPT vẫn khác nhau”, dẫn đến khó khăn cho Ban Quản lý trong việc tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị cho khai thác thử sắp tới.
Chủ đầu tư Metro 1 Bến Thành-Suối Tiên xin nới hạn về đích
Được biết, trong nhiều văn bản của mình, nhà thầu Hitachi đòi hỏi các chi phí phát sinh liên quan đến việc sử dụng sớm hệ thống đường sắt phục vụ cho công tác đào tạo của dự án.
Tuy nhiên, phía tư vấn NJPT khẳng định: “Các hoạt động đào tạo lái tàu do giảng viên của NJPT thực hiện, có sử dụng tuyến chính đã được quy định rõ ràng trong hợp đồng gói thầu CP3... và đó là nhiệm vụ của nhà thầu hợp tác với NJPT mà không có thêm bất kỳ thanh toán chi phí nào ngoài bảng phân bổ chi phí”.
Mặt khác, nhà thầu Hitachi khẳng định họ chỉ chịu trách nhiệm thử nghiệm tích hợp các hệ thống của riêng CP3, họ từ chối trách nhiệm trong công tác thử nghiệm và vận hành thử toàn hệ thống.
Về việc này, NJPT khẳng định, tuân theo các điều khoản của hợp đồng CP3, Hitachi có nghĩa vụ phải tích hợp với công trình của các nhà thầu giao diện và lập kế hoạch thử nghiệm và vận hành thử tích hợp toàn diện.
“Đồng thời, nhà thầu phải tuân thủ bất kỳ hướng dẫn nào mà đại diện chủ đầu tư là NJPT có thể đưa ra”, NJPT nêu quan điểm.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM lưu ý, việc không thống nhất cách hiểu hợp đồng đã làm phát sinh thêm thời gian và kinh phí.

“Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì dự án khó có thể đưa vào khai thác thử và khai thác thương mại theo đúng tiến độ đã báo cáo cho cả hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản”, MAUR lo ngại.

Đối với tiến độ thi công và nhập khẩu một số hệ thống còn lại của nhà thầu Hitachi, hiện có những khu vực của dự án sẵn sàng mặt bằng và đủ điều kiện thi công, như khu vực 2,3 của Depot.
Chính phủ báo cáo về đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các dự án metro ở Hà Nội và TP.HCM
Tuy vậy, nhà thầu Hitachi vẫn chưa đẩy nhanh tiến độ thi công, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành dự án.
Liên quan đến đề xuất dự thảo và tiến đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng 5 năm cho công tác vận hành và bảo dưỡng, Ban Quản lý đã đề cập với Hitachi từ năm 2022 và đã có một số cuộc họp liên tục với lãnh đạo Hitachi Nhật Bản và Văn phòng thực hiện dự án của Hitachi ở TP.HCM từ đầu tháng 7/2023.
Dù từ đó đến nay, MAUR đã nhiều lần đề nghị Hitachi tiếp tục họp để trao đổi, thúc đẩy nhanh chóng nội dung này nhưng nhà thầu Nhật Bản luôn lấy lý do “chưa kịp chuẩn bị” để từ chối họp với Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM.
Ban Quản lý cho hay, hiện MAUR đã thảo luận với tư vấn chung NJPT giải pháp phù hợp về phạm vi công việc để nhà thầu Hitachi có thể có nhiều phương án đề xuất hợp đồng 5 năm vận hành và bảo dưỡng.
Trong trường hợp Hitachi vẫn không thể thực hiện, MAUR sẽ báo cáo với UBND TP.HCM và đề xuất giải pháp thay thế để đảm bảo tiến độ dự án.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cũng đã có công ăn báo rõ tình hình cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và JICA Việt Nam, đề nghị rà soát và ý kiến với nhà thầu Hitachi để tập trung vào việc hoàn thành dự án.
Ban Quản lý cũng đề xuất với UBND TPHCM kiến nghị Bộ Ngoại giao, các cấp Chính phủ trong các đợt làm việc với phía Nhật Bản (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA) có thể xem xét, hỗ trợ nêu các vướng mắc trên nhằm thúc đẩy sự phối hợp tích cực từ nhà thầu Hitachi để sớm hoàn thành dự án.

3 vụ kiện

Theo báo Lao động, hiện có ba vụ kiện giữa nhà thầu và MAUR đang được đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam.
Công ty Hanoi Metro, đơn vị vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông, lỗ nặng
Trong đó, hợp đồng gói thầu CP2 (đoạn trên cao và Depot) có 2 vụ kiện tranh chấp và hợp đồng gói thầu CP3 có một vụ kiện tranh chấp theo đơn khởi kiện từ nhà thầu Hitachi.
Ban Quản lý cho biết, đã thảo luận với các nhà thầu để tiến hành hình thức hòa giải thương mại cho các vấn đề tồn đọng giữa các bên.
Đối với hai vụ kiện ở gói thầu CP2, hiện MAUR đã ký kết thỏa thuận hòa giải với nhà thầu liên danh SCC để làm cơ sở tiến hành các thủ tục hòa giải thương mại tại Trung tâm Hòa giải Quốc tế tại Việt Nam.
Đối với vụ kiện với nhà thầu Hitachi của gói thầu CP3, ngày 21/6/2023, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM đã trao đổi về các định hướng hòa giải, các vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp về tiến độ dự án với đại diện nhà thầu Hitachi. Nhà thầu Hitachi đang thảo luận để có phản hồi.
Trong khi đó, hiện liên danh nhà thầu SMJO (Shimizu - Maeda) của gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) tuy đã có những khiếu nại đến chủ đầu tư do những vấn đề tranh chấp trong quá trình thi công, nhưng có mong muốn được giải quyết theo hình thức hòa giải thương mại tại Việt Nam.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM sẽ thúc đẩy nội dung hòa giải thương mại hữu hảo với nhà thầu SMJO.
Cứ thế này, 100 năm nữa TP.HCM mới có 8-9 tuyến metro

Tăng vốn điều lệ cho Công ty đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên

TTXVN cho hay, ngày 16/11 UBND TP.HCM đã ra quyết định điều chỉnh Quyết định số số 6339/QĐ về thành lập Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1.
Theo đó, Quyết định này điều chỉnh khoản 8 Điều 1 trong quyết định cũ, bổ sung thêm 267 tỷ đồng vốn điều lệ Công ty TNHH Một thành viên đường sắt đô thị số 1, Công ty điều hành metro Bến Thành - Suối Tiên.
Theo quyết định này, vốn điều lệ được nâng lên 268 tỷ đồng, thay cho vốn điều lệ trong quyết định trước đây chỉ là 14 tỷ đồng.
UBND TPHCM giao Hội đồng thành viên công ty Đường sắt đô thị số 1 chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại công ty theo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định có liên quan; đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước đầu tư tại công ty.
Việc thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm vốn điều lệ 268 tỷ đồng lần này cho Công ty đường sắt đô thị số 1 nhằm đảm bảo công ty duy trì hoạt động hiệu quả, ổn định, đảm bảo điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật công nghệ.
Đây cũng là cơ sở để công ty vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên duy trì hoạt động sau hơn hai năm hết kinh phí.
Cuối tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc họp, nghe báo cáo về vốn điều lệ của Công ty Đường sắt đô thị số 1 trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo nguồn lực để duy trì hoạt động, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tiến độ vận hành khai thác thương mại tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là cần thiết, cấp bách.
Chính phủ cũng giao UBND TP.HCM rà soát các quyết định phê chuẩn mức vốn điều lệ của công ty cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại phù hợp tiến độ thực tế của dự án.
Đã rõ danh tính người đàn ông nước ngoài vẽ bậy lên tàu Metro số 1

Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có chiều dài khoảng 19.7km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Tuyến metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu chở tối đa 930 khác, trong đó, có 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng. Báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, hiện dự án đạt tổng khối lượng hơn 96,53%.
Trong đó, báo cáo cho thấy, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 99,96%; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,73%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 98,03%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 92,75%.
Dự kiến, tháng 2/2024, việc đào tạo nhân sự vận hành thương mại được hoàn thành (tư vấn chung NJPT đào tạo). Việc lắp đặt các hệ thống cơ điện cũng sẽ được hoàn thành, đồng thời, tiếp tục kiểm tra và khắc phục khiếm khuyết, hiệu chỉnh thiết bị, máy móc trong quá trình vận hành.
Riêng gói thầu CP4 được triển khai từ tháng 5/2024 nhằm mua sắm, lắp đặt hệ thống cơ điện, hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và khai thác tuyến.
Theo kế hoạch, tháng 7/2024, metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sẽ khai thác toàn tuyến.
Hiện, tòa nhà trụ sở của công ty tại depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) đã được khởi công đầu năm 2023.
Thảo luận