Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Bộ Tài chính Nga và Ngân hàng Trung ương đang lên kế hoạch cho một dự án thí điểm sử dụng đồng rúp kỹ thuật số (digital ruble) trong một số hoạt động chi tiêu ngân sách vào năm 2024. Đồng rúp kỹ thuật số sẽ là một công cụ thanh toán và chuyển khoản.
Sử dụng loại hình tiền tệ mới là giải pháp hiệu quả để thực hiện các khoản thanh toán quan trọng ở trong và ngoài nước. Điều này giúp Moskva giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây trong bối cảnh trừng phạt hiện nay, một chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định với Sputnik.
"Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế với các quốc gia không tuân theo đường lối của họ. Để tránh trừng phạt kinh tế, bao gồm vấn đề thanh toán và sử dụng đồng tiền trong giao dịch, việc tìm kiếm các đồng tiền khác sẽ giảm thiệt hại do các lệnh trừng phạt Mỹ gây ra. Đây được coi là một trong những động cơ và lý do Nga triển khai đồng kỹ thuật số trong hoạt động chi tiêu ngân sách và hướng đến thanh toán quốc tế", vị chuyên gia này đánh giá.
Từ năm 2024, Ngân hàng Trung ương Nga có kế hoạch kết nối tất cả các ngân hàng nội địa vào nền tảng đồng rúp kỹ thuật số thống nhất. Trong điều kiện khả thi nhất, người dân Nga sẽ có thể bắt đầu thanh toán rộng rãi bằng đồng rúp kỹ thuật số trong vòng 2-3 năm tới.
Về khả năng Việt Nam và Nga có thể sử dụng tiền số này để giao dịch, nói với Sputnik, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, Việt Nam hiện chưa triển khai đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Việc này chưa quá cấp thiết so với việc ổn định đồng tiền Việt Nam, thị trường tài chính tiền tệ trong nước.
"Việt Nam cần triển khai đồng tiền kỹ thuật số quốc gia trong tương lai nhằm đảm bảo quá trình lưu thông tối ưu và giúp tiết kiệm chi phí chuyển tiền kiều hối cho công dân đang làm việc ở nước ngoài. Có thể trong 2-3 năm tới, Việt Nam có thể thử nghiệm triển khai".
Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, chương trình này vẫn chỉ là kế hoạch.
Theo ông Thịnh, Việt Nam cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng tiền kỹ thuật số là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, ví dụ như giao dịch chuyển tiền bằng mã QR. Việc triển khai hình thức tiền tệ mới này đòi hỏi công nghệ mới, nguồn nhân lực và chi phí cao.