Mấy năm trước đã xuất hiện thông tin về việc tạo ra một hệ thống pháo như vậy, những hình ảnh về phương tiện chiến đấu này đã được công bố, nhưng chỉ có các chuyên gia mới được giới thiệu về những đặc tính của nó.
Trước đây, phần lớn các hệ thống pháo tự hành dã chiến của Liên Xô và Nga đều được chế tạo trên khung gầm bánh xích. Có những lý do chính đáng cho điều này: quân đội yêu cầu khả năng vượt qua các con đường có địa hình phức tạp, gồ ghề. Tuy nhiên, khung gầm bánh xích cũng có những nhược điểm: thiết kế khung gầm phức tạp, nguồn lực tương đối nhỏ và tốc độ di chuyển tương đối thấp.
Trong số các loại pháo tự hành trên khung gầm bánh lốp sản xuất trong nước có thể nhắc đến pháo 2S23 Nona-SVK 120 mm trên khung gầm xe bọc thép chở quân BTR-80 và pháo A-222 Bereg trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp MAZ-543M 8x8. Nhưng, pháo Bereg chỉ là một hệ thống chuyên môn cao dành cho lực lượng ven biển của Hải quân. Ngay cả cỡ nòng của nó - 130 mm - cũng chỉ dành cho thủy quân lục chiến, nó có tầm bắn tương đối ngắn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh cục bộ, bao gồm cả chiến dịch quân sự đặc biệt, chứng tỏ rằng, lính pháo binh của các lực lượng trên mặt đất có nhu cầu về những khẩu pháo tự hành bánh lốp có tính cơ động cao.
Theo dự kiến, một trong những hệ thống như vậy sẽ là pháo tự hành 120 mm 2S40 Floks. Nó đang trải qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước, nhưng, song song với đó hệ thống này bắt đầu được sản xuất hàng loạt.
Vừa là đại bác vừa là lựu pháo vừa là súng cối
Theo các nhà phát triển, pháo Floks có một không hai, không có loại tương tự trên thế giới. Floks kết hợp các chức năng của đại bác, lựu pháo và súng cối. Bao gồm cả chế độ "tấn công hỏa lực đồng thời", khi góc nâng của nòng pháo thay đổi và đạn pháo sẽ đến cùng một điểm cùng lúc với độ chính xác rất cao. Floks có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau, từ đạn nổ mạnh, đạn dẫn đường cho đến mìn 120 mm.
Các đặc tính của pháo tự hành Floks
Không chỉ nòng súng mà bản thân viên đạn cũng có các rãnh xoắn gọi là khương tuyến: điều này là cần thiết "để đảm bảo đường kính lỗ nòng đồng nhất cả khi sử dụng đạn pháo và mìn". Khóa nòng được điều khiển từ xa. Một phát bắn bao gồm viên đạn và thuốc súng phóng ra được kết nối ngay trước khi bắn và được gửi "tập hợp" vào lỗ nòng. "Tải" thuốc súng có thể thay đổi tùy theo phạm vi bắn. Trong điều kiện chiến đấu, một phần đạn (20 viên) sẵn sàng vào vị trí bắn được cất giữ trực tiếp trên xe chiến đấu, trong giá đựng đạn, còn một phần được cung cấp "từ mặt đất".
Ngoài ra, tổ lái còn kiểm tra khả năng nhắm mục tiêu tự động của nòng pháo bằng cách sử dụng thiết bị đo kích thước lòng nòng pháo và kính ngắm quang học. Các nhà phát triển cũng quan tâm đến "điều kiện làm việc" của tổ lái trong tình huống căng thẳng: có một thiết bị giám sát chất lượng không khí. Khí mà thuốc súng tạo ra không tốt cho sức khỏe.
Về tính cơ động và hiệu quả của pháo Floks, phương tiện chiến đấu này triển khai nhanh chóng, chỉ mất hơn 1 phút để chuẩn bị sẵn sàng, nhanh hơn gấp đôi so với pháo tự hành bánh lốp Caesar 155 mm của Pháp. Và ngược lại: quả đạn bắn cuối cùng vẫn đang bay, nhưng Floks đã rời khỏi tầm bắn. Đạn trả đũa của đối phương sẽ rơi xuống chỗ trống với xác suất 99%.
Pháo tự hành Floks được gắn trên khung gầm xe bọc thép bánh lốp địa hình Ural 6x6 với cabin lớn dành cho tổ lái 4 người. Lớp bảo vệ khung gầm được thiết kế để bảo vệ tổ lái khỏi các mảnh vỡ và sóng xung kích.
Pháo tự hành Floks, giống như các mẫu pháo tự hành bánh lốp hiện đại khác của Nga (pháo cối Drok được trang bị súng cối 82 mm và hệ thống pháo lựu 152 mm Malva) tuân thủ tất cả các nguyên tắc hiện đại của Chiến tranh lấy mạng làm trung tâm (Network-centric warfare), thu thập thông tin tình báo và chỉ định mục tiêu từ các hệ thống phản pháo, có thể được sử dụng như một phần của khẩu đội và như một phương tiện chi viện hỏa lực riêng biệt.
Nếu phương tiện chiến đấu này bị kẻ thù bắt giữ, họ sẽ chỉ nhận được phần cứng hoàn toàn vô dụng. Họ thậm chí không thể sử dụng chiếc pháo tự hành theo đúng mục đích của nó: các nhà thiết kế Nga đã tính đến tình huống như vậy.