Kênh Funan giống như “giấc mơ dân tộc” của Campuchia và Thủ tướng Hun Manet tuyên bố rằng, kênh đào được xây dựng vì lý do kinh tế chứ không phải cho mục đích quân sự. Campuchia không coi bất kỳ quốc gia nào là kẻ thù.
Cha ông Manet, nguyên Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Tối cao của Nhà vua nhiều lần bác bỏ cáo buộc rằng kênh đào Funan Techo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân Trung Quốc hoạt động gần biên giới Việt Nam.
Việt Nam lo ngại kênh Funan Techo, Thủ tướng Hun Manet trấn an
Trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về siêu dự án Kênh đào Funan Techo, Thủ tướng Hun Manet tái khẳng định rằng Phù Nam sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước mà không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.
Phát biểu của ông Hun Manet được đưa ra hôm qua tại lễ khánh thành trang trại bò sữa tiêu chuẩn đầu tiên và lớn nhất ở Campuchia – trang trại Kirisu tại xã Kandoeung, huyện Bati, tỉnh Takeo.
Khmer Times của Campuchia cũng lưu ý, tuyên bố của Thủ tướng Hun Manet được đưa ra sau bài báo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông Việt Nam và các nhà nghiên cứu, phê bình, cho rằng kênh đào Funan Techo không chỉ phục vụ nền kinh tế Campuchia, mà còn là “một bước đi chiến lược của Trung Quốc nhằm vào hạ lưu sông Mekong”.
Báo Campuchia nêu quan điểm của hai nhà nghiên cứu từ Viện Phát triển Nghiên cứu Phương Đông của Việt Nam cho biết lo ngại rằng, tuy kênh đào thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhưng nó cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sâu trong lãnh thổ Campuchia gần biên giới Việt Nam.
Trấn an các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề này, Thủ tướng Hun Manet nhắc lại rằng Campuchia không có thái độ thù địch với bất kỳ quốc gia nào.
“Chúng tôi cam kết làm bạn với tất cả các nước. Chúng tôi không coi bất kỳ quốc gia nào là kẻ thù”, người đứng đầu Chính phủ Campuchia nói thêm.
Chính quyền Campuchia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet hiện xem dự án kênh đào Phù Nam là một phần trong kế hoạch cải tổ hậu cần sâu rộng, nhằm giảm tới 30% chi phí vận chuyển. Qua đó, giúp Campuchia có thể cạnh tranh trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của đất nước như dệt may hay nông sản.
Theo bản kế hoạch được phía Campuchia, dự kiến, kênh đào Funan rộng khoảng 100 mét, có thiết kế 2 làn, bắt đầu hoạt động từ năm 2028.
Hệ thống kênh đào sẽ nối bờ sông Mekong ngay phía dưới Cảng tự trị Phnom Penh, trước khi cắt qua sông Bassac (tức sông Hậu) và tiếp tục đi thêm 180 km tới Kep phía tây nam Campuchia.
Cần lưu ý rằng, không chỉ Việt Nam nêu quan ngại về kênh đào Phù Nam. Nếu đúng theo Hiệp định Mekong năm 1995, các dự án ảnh hưởng đến dòng chính phải được Ban Thư ký Uỷ ban sông Mekong (MRC) “đánh giá kỹ thuật” và ghi nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên bao gồm Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Campuchia không để nước khác đặt căn cứ quân sự
Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh sẽ không cho phép đất nước của mình được sử dụng làm căn cứ cho một quốc gia khác, “chứ đừng nói đến một căn cứ quân sự”. Theo ông, các hoạt động thù địch chống lại quốc gia khác không được phép tiến hành từ Campuchia.
“Hiến pháp Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hay ý định đảo ngược Hiến pháp của chúng tôi. Chúng tôi không cho phép bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia”, ông Hun Manet khẳng định.
Nhà lãnh đạo nói thêm rằng kênh đào không thể tiếp nhận các chiến hạm như cáo buộc. Cụ thể, các tàu chiến không thể sử dụng kênh Funan Techo vì chúng lớn hơn sức chứa của kênh, và kênh đào được xây dựng chỉ để phục vụ các tàu chở hàng.
Một lần nữa, Thủ tướng Hun Manet nói kênh đào Funan Techo sẽ được xây dựng vì lý do kinh tế chứ không phải cho mục đích quân sự của nước ngoài.
Cùng với đó, dự án đã trải qua quá trình nghiên cứu kéo dài 26 tháng bởi ít nhất 40 chuyên gia nhằm thiết lập công nghệ ngăn nước biển xâm nhập vào sông Mekong từ kênh, đồng thời tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế về sông Mekong.
Ngắn gọn về kênh đào Funan Techo
Dự án hệ thống hậu cần và đường giao thông Tonle Bassac trị giá 1,7 tỷ USD, thường được gọi là dự án 'Kênh đào Funan Techo', sẽ đánh dấu việc khởi công bằng lễ động thổ dự kiến diễn ra vào quý 4 năm nay.
Về mặt chính thức, kênh đào có tên đầy đủ là Dự án Hệ thống Đường thủy và Hậu cần Tonle Bassac. Funan hay Phù Nam – tên ngắn của con kênh đào này được bắt nguồn từ Vương quốc Phù Nam cổ đại, nằm trải dài khắp miền nam Việt Nam và được người Campuchia coi là tiền thân của Đế chế Khmer.
Kênh đào sẽ trải dài 180 km với các chiều rộng khác nhau dọc theo tuyến đường. Việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2024, với khung thời gian hoàn thành là 4 năm.
Kênh đào Funan Techo sẽ bắt nguồn từ Prek Takeo trên sông Mekong, uốn lượn qua Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac (tức sông Hậu) ở huyện Koh Thom của tỉnh Kandal và kéo dài đến tỉnh ven biển Kep.
Ông Hun Manet nói thêm rằng kênh đào sẽ cho phép các tàu chở 3.000 tấn hàng hóa trong mùa khô và 5.000 tấn trong mùa mưa, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển container, giảm thời gian đi lại và giảm chi phí vận chuyển.
Thủ tướng Hun Manet cho biết kênh đào sẽ tạo ra nhiều lợi ích khác cho sự phát triển quốc gia và sẽ thu hút các ngành công nghiệp cũng như cơ sở vật chất khác đến khu vực, cung cấp nhiều việc làm cho người dân địa phương sau khi hoàn thành xây dựng.
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng cho hay, kênh đào sẽ được các đối tác Trung Quốc xây dựng theo phương thức thực hiện dự án xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) với Chính phủ Campuchia.
Thủ tướng Hun Manet khẳng định Campuchia tuân thủ Hiệp định Mekong năm 1995 và đã thông báo cho Ủy ban sông Mekong về dự án.
“Điều 5 của Hiệp định sông Mekong 1995 quy định rằng trên các nhánh của Sông Mekong, bao gồm cả sông Tonle Sap, việc sử dụng trong lưu vực và chuyển nước ra ngoài lưu vực phải được thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp”, nhà chức trách Campuchia hiểu rất rõ điều này.
Sok Touch, Chủ tịch Học viện Hoàng gia Campuchia, nhà khoa học hàng đầu của Campuchia đã chỉ trích các nhà nghiên cứu Việt Nam phản đối dự án kênh đào ở Campuchia.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, ông Touch cho rằng thay vì đổ lỗi cho nước khác về dự án kênh đào, “Việt Nam nên nhìn lại chính mình”. Ông này nói Việt Nam chủ yếu sử dụng hệ thống kênh mương đã xây dựng để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là gạo trên khắp cả nước.
“Họ lo ngại rằng nếu Campuchia phát triển con kênh, chúng ta sẽ có quyền kiểm soát tốt hơn đối với hoạt động vận tải của mình. Vì vậy, chúng ta phải làm việc cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau và không dựa vào người khác để tồn tại”, ông nói.
“Tôi tin rằng Campuchia sẽ tồn tại trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta dựa vào chính mình. Chúng ta phải xây dựng nó. Tôi đang nói không phải với tư cách là Chủ tịch Học viện Hoàng gia Campuchia mà với tư cách là một nhà nghiên cứu”, ông Touch nói.
Hun Sen bác bỏ cáo buộc kênh đào Funan đe doạ đến Việt Nam
Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen hôm thứ Ba cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng siêu dự án Kênh đào Funan Techo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân Trung Quốc hoạt động gần biên giới Việt Nam.
Ông Hun Sen nói rằng nó phục vụ nghiêm túc các mục đích kinh tế xã hội của Campuchia.
Nhận xét của ông Hun Sen bề ngoài là để đáp lại bài báo của The Straits Times có tựa đề “Người Việt Nam lo ngại rằng dự án kênh đào ở Campuchia có thể là cửa ngõ tiềm năng cho lực lượng quân sự của Trung Quốc”.
Đáp lại, ông Hun Sen, nguyên Thủ tướng, hiện là Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Tối cao của Nhà vua, nhấn mạnh rằng, không nên chỉ trích Campuchia vì dự án kênh đào Funan Techo vì nó chỉ phục vụ mục đích kinh tế - xã hội.
Theo ông, do kênh đào này nối trực tiếp với sông Hậu chứ không phải sông Mekong nên không ảnh hưởng đến dòng chảy sau này.
Khi dự án được công bố, Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về tác động của kênh đào đối với sông Mekong. Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia đã tuyên bố rằng kênh đào sẽ không có tác động tiêu cực đến môi trường hoặc sinh thái.
Như Sputnik đã đề cập, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 11/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Thủ tướng Campuchia Hun Manet vừa qua cho biết nước này sẽ thúc đẩy dự án xây dựng kênh đào Funan Techo (kênh đào Phù Nam), Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu quan điểm, Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước ven sông Mekong, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng đồng người dân trên lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.
Tuy nhiên, Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, đích thân Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng dự án kênh đào Funan của Campuchia sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống nước sông Mekong.