Ở Việt Nam, một số chuyên gia nêu ý kiến đề nghị Campuchia tạm dừng dự án kênh đào Funan Techo thêm một thời gian để “nghiên cứu, đối thoại sâu hơn” sau khi phát hiện nhiều điểm “bất hợp lý” liên quan dự án kênh đào này của Campuchia.
Trong khi đó, những phát biểu gần đây của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen có thể trấn an Hà Nội rằng Phnom Penh nghiêm túc xem xét mối quan ngại của Việt Nam và kênh đào Funan chỉ thuần phục vụ mục đích kinh tế - xã hội chứ không hề có âm mưu, toan tính bất chính nào ở đây.
Bất thường ở dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia
Như Sputnik đã đưa tin, ngày 23/4, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tham vấn về dự án Kênh đào Funan - Techo của Campuchia và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Nếu không vấp phải trở ngại, kênh đào Funan Techo sẽ được chính phủ Hun Manet khởi công cuối năm nay, hoạt động năm 2028, tức chỉ mất 4 năm xây dựng. Trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long được coi là “vựa lúa” của Việt Nam, chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp 17% GDP Việt Nam, chưa kể, đây là nơi sinh sống của hơn 17,4 triệu người.
Các quan ngại liên quan kênh đào càng tăng khi khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam hiện đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn mặn nghiêm trọng, là 1 trong số 3 đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu. Do đó, mối quan ngại của Hà Nội là dễ hiểu.
Phát biểu hôm nay, ông Đặng Thanh Lâm – Viện phó Thủy lợi và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần đề xuất Ủy hội sông Mekong quốc tế và Campuchia sớm cung cấp đánh giá tác động môi trường liên quan dự án. Hiện Viện thủy lợi và Môi trường cũng đang lập quy hoạch quy hoạch phòng chống thiên tai cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Lưu ý ảnh hưởng về lâu dài, ông Lâm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị liên quan cần chủ động phân tích, đánh giá tiềm năng phát triển của vùng bị ảnh hưởng bởi dự án kênh đào Funan Techo, nhằm đưa ra dự báo về công tác khai thác nguồn nước và các khả năng điều tiết nước, phù sa, ô nhiễm...Tiếp đó, cần công bố các kịch bản tác động của dự án, đưa vào nghiên cứu và ra quyết định về kế hoạch, quy hoạch, đầu tư, giám sát, dự báo nguồn nước, phương án trữ nước nhằm giảm thiểu nguy cơ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Cao, công tác tại Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Nam, các nghiên cứu sơ bộ chỉ vừa cho thấy tác động của dự án đối với hạ lưu sông Mekong. Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của dự án kênh đào này đối với môi trường biển, đặc biệt là vị trí tiếp giáp giữa kênh đào với khu vực biển Phú Quốc (Kiên Giang).
"Nếu tính theo lưu lượng chảy trên kênh tương đương 3,6 m3 mỗi giây như phía nước bạn cung cấp thì mỗi năm có khoảng 34.000 tấn bùn cát chảy ra biển", ông Nguyễn Bá Cao phân tích.
Bà Khúc Thị Nguyệt Hảo, đại diện Cục Đường thủy nội địa - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Cục đã phát hiện một số điểm bất hợp lý liên quan dự án kênh.
Theo đó, phía Campuchia cho biết họ đặt mục tiêu xây dựng kênh để hoàn thiện hành lang logistics phục vụ vận tải đường thuỷ. Khi hoàn thành, hàng hóa từ Phnom Penh đi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản qua tuyến kênh đào Funan Techo dài 180 km từ Phnom Pênh ra Kampot, sau đó phải vòng thêm qua mũi Cà Mau của Việt Nam, với tổng chiều dài khoảng 900 km.
Tức nếu so với tuyến vận tải đường thủy truyền thống, quãng đường vận chuyển sẽ tăng thêm khoảng 500 km. Như vậy, tuyến kênh mới không mang lại lợi ích nếu xét về góc độ vận tải đường thủy.
Đề nghị Campuchia tạm dừng dự án kênh đào Funan Techo?
Tại hội nghị, TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, đã thông báo động thái của Ủy ban sông Mekong Việt Nam liên quan đến dự án kênh Funan Techo.
TS. Lê Anh Tuấn là thành viên Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam. Bản thân ông có nhiều năm nghiên cứu về khu vực sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long nên rất quan tâm đến dự án này.
“Trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam đề nghị Campuchia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia kinh nghiệm, khách quan”, TS. Lê Anh Tuấn nêu ý kiến.
Nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ rõ, các quốc gia ở lưu vực sông Mekong cần tuân thủ nguyên tắc và tinh thần sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, hòa bình, không gây nguy hại cho các quốc gia khác và chia sẻ lợi ích. Các nước cùng chia sẻ rủi ro một cách công bằng nguồn nước chung, giảm thiểu tối đa tác hại với môi trường, hệ sinh thái và sinh kế dựa vào nguồn nước của hàng triệu người dân sống dọc theo sông Mekong, con sông lớn nhất Đông Nam Á.
Chuyên gia Việt Nam nêu bật lo ngại kênh Funan Techo có thể lấy nước trực tiếp từ cả dòng chính sông Hậu và sông Tiền, chứ không chỉ một phụ lưu nào của hệ thống sông Mekong. Ngoài ra, dự án này sẽ chảy qua một vùng đất có khoảng 1,6 triệu dân sinh sống, tạo cơ sở phát triển kinh tế cho Campuchia. Sắp tới, dân số sẽ gia tăng nhờ đô thị hóa hai bên kênh và nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ hậu cần sẽ tăng theo.
“Nếu tính đầy đủ, thêm lượng nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, đô thị từ dự án 1,7 tỷ USD này thì nước trên sông Tiền và sông Hậu (hai phân lưu của sông Mekong) về đến Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ giảm hơn 50%. Những năm khô hạn thì sự thiếu hụt nước sẽ trầm trọng hơn”, ông Tuấn cảnh báo.
Chưa hết, với mực nước suy giảm, tình trạng xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu hơn, từ đó ảnh hưởng hơn nửa diện tích canh tác vùng châu thổ Cửu Long vào mùa khô và khi triều cường trong tương lai. Ngoài ra, kênh đào còn tác động đến hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học vào mùa mưa. Dự án này với đường đắp bờ 2 bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ biến thành một con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ.
“Dự án này sẽ là thay đổi nghiêm trọng đặc điểm phân bố nước, ngập lụt sẽ gia tăng diện tích ở phía bắc kênh đào trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ. Lũ thấp sẽ ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết (như đập Thala ở biên giới An Giang), đồng thời làm giảm nguồn cá, phù sa, dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi đáng kể tính đa dạng sinh học”, TS. Tuấn lo ngại.
Với việc kênh đào được xây dựng, các công trình kiểm soát nước đã xây dựng như cống đập Trà Sư, hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, vùng đê bao 3 vụ, khu dân cư vượt lũ... sẽ thay đổi chức năng và giảm hiệu quả vận hành. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể phải điều chỉnh lại bởi trước đó không xem xét yếu tố kinh đào Funan Techo là nhân tố mới liên quan nguồn nước.
Chuyên gia cũng nêu quan ngại về chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao của Chính phủ cũng có thể bị ảnh hưởng do nguồn nước thiếu hụt và sự suy giảm sức khỏe đất, nhất là trong vụ Đông Xuân và tình trạng thiếu hụt nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ luỵ có thể tác động xấu tới hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo, đồng thời làm gia tăng lượng dân di cư khỏi vùng đồng bằng...
Phép thử với Hun Manet trong quan hệ với Việt Nam
Nói về những quan ngại của Việt Nam đối với kênh đào Funan Techo mà Campuchia đang ấp ủ, nhà nghiên cứu Chansambath Bong thuộc Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) nhìn nhận, Hà Nội không chỉ lo về tác động môi trường đến dòng chảy sông Mekong, mà còn thể hiện mối quan tâm địa chính về ảnh hưởng giảm dần của Việt Nam đối với Campuchia và vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong bài bình luận trên Fulcrum, nghiên cứu sinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) này lưu ý, đối với Việt Nam, kênh đào Funan Techo có thể gây mất nguồn thu từ các tàu đi Campuchia.
“Dự án còn cho thấy một dấu hiệu khác về vị thế đang thay đổi của Campuchia trong tam giác quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam”, học giả Chansambath Bong bình luận những căng thẳng liên quan đến kênh đào sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của Trung Quốc đối với an ninh của Campuchia.
Đáng nói, cách Việt Nam phản ứng với dự án Funan sẽ đặc biệt được lưu ý. Thực tế, dự án kênh đào Funan đặt ra hai tình thế lựa chọn khó khăn cho Hà Nội.
Theo Chansambath Bong, một mặt, Việt Nam cần phải hành động cẩn thận vì Bắc Kinh sẽ hỗ trợ tài chính cho kênh đào theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Mặt khác, những phản ứng thái quá hoặc những bình luận mang tính kích động từ Hà Nội sẽ khuấy động tinh thần dân tộc trong người dân Campuchia càng muốn thực hiện bằng được dự án.
Bởi kênh đào Funan vốn tượng trưng cho mong muốn của Campuchia về khả năng khẳng định làm chủ hệ thống vận tải đường thuỷ và buôn bán hàng hóa trong nước cũng như quốc tế. Hay nói như lời của Thủ tướng Hun Manet – “Campuchia cần thở bằng chính mũi của mình”.
“Dù xây dựng kênh đào Funan là bước thiết yếu trong nỗ lực lâu dài của Campuchia nhằm đạt được sự kết nối và thịnh vượng kinh tế lớn hơn, nhưng cách Phnom Penh ứng xử và điều phối mối quan hệ với Việt Nam khéo léo như thế nào trong quá trình thực hiện dự án sẽ là phép thử chính sách đối ngoại đầu tiên mà Hun Manet phải đối mặt”, nghiên cứu viên của viện AVI nêu quan điểm.
Nhà nghiên cứu này cũng bác bỏ lo ngại việc Trung Quốc có thể can dự vào công việc nội bộ của Campuchia hay đe doạ an ninh Việt Nam.
“Lịch sử Campuchia dạy chúng ta rằng, sự hiện diện của quân đội Trung Quốc sẽ vi phạm Điều 53 Hiến pháp Campuchia - cấm quân đội nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia trong mọi trường hợp - đây là nguyên tắc tương tự như chính sách “bốn không” của Việt Nam”, Chansambath Bong nhấn mạnh.