Việt Nam có thể đối mặt với những thay đổi nào nếu Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ 2024?

Tuần này không mang đến những chủ đề mới trên các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài để thảo luận về những gì đang xảy ra ở Việt Nam, nhưng khiến chúng tôi hài lòng với những phân tích sâu sắc của các tác giả.
Sputnik
Chính sách đối nội và đối ngoại, kinh tế và du lịch, quan hệ Nga-Việt - đây là các chủ đề chính trong các bài báo, tin tức về Việt Nam trên truyền thông nước ngoài. Chúng tôi sẽ đề cập đến các nội dung này trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.

Kazakhstan có thể phát triển hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực nào?

Astana Times đưa tin về cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Cộng hòa Kazakhstan Serik Zhumangarin và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên. Phó Thủ tướng Serik Zhumangarin khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu cơ hội tham gia vào tuyến vận tải quốc tế xuyên biển Caspi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam di chuyển từ đông sang tây nhanh gấp 3 đến 4 lần so với đường biển, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác với Kazakhstan trong việc khai thác các mỏ lithium trữ lượng lớn tại Kazakhstan để sản xuất pin cho ô tô điện. Ông nói, điều này có thể góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao của Kazakhstan và cho phép các nhà sản xuất ô tô Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Còn ấn phẩm B.a.l. đưa tin về việc áp dụng quy chế miễn thị thực giữa Kazakhstan và Việt Nam trong 30 ngày kể từ ngày 25/5.
Kazakhstan đã ngỏ lời với lãnh đạo Việt Nam

Chiến dịch chống tham nhũng: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ

Báo chí nước ngoài tiếp tục thảo luận về chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam và tác động của nó đối với đầu tư nước ngoài vào nước này. Tờ South China Morning Post đăng tải một bài dài, trong đó lưu ý rằng, theo các nhà phân tích, cuộc thanh trừng trong giới lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể dẫn đến sự xuất hiện của những người có đường lối cứng rắn tiến tới xích lại gần Trung Quốc và đưa ra những dự đoán về những ứng cử viên vào chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội. Tác giả bài viết rút ra kết luận rằng, các thay đổi nhân sự cấp cao sẽ không làm thay đổi chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Còn Reuters đưa tin về bức thư của Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi cho chính phủ Việt Nam. Họ cảnh báo rằng, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính. Sự thất vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về các rào cản pháp lý và quá trình phê duyệt kéo dài được nêu rõ. Điều này cũng phản ánh qua việc Việt Nam không thể sử dụng hết nguồn vốn công của mình, với việc không đầu tư khoảng 19 tỷ USD từ năm 2021 đến 2023.
Các quan chức Việt Nam đã kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài giảm chi phí vốn của họ, chủ yếu đến dưới hình thức cho vay, thường là theo giá cả thị trường. Theo các quan chức phương Tây, Việt Nam cũng đã mất những nguồn vốn hỗ trợ lớn.
«Tôi buồn vì còn cán bộ tham ô»: Tướng Khuất Duy Tiến nói về chỉnh đốn Đảng
Bloomberg lưu ý rằng, mặc dù trong vài năm qua chiến dịch chống tham nhũng đã dẫn đến việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản, bao gồm các chủ tịch nước, phó thủ tướng và những ủy viên Bộ Chính trị, nhưng điều này đã không ngăn cản được các nhà đầu tư nước ngoài để họ tiếp tục hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Bốn tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã tăng 7,4% so với một năm trước đó, mặc dù con số này đã đạt kỷ lục là 23,18 tỷ USD vào năm 2023. Tài khoản vốn của Việt Nam vẫn ở mức lành mạnh và tài khoản vãng lai có thặng dư.
IMF dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm nay, và sẽ dẫn đầu khu vực cùng với Ấn Độ vào năm 2025. Dù sao đi nữa, chiến dịch đốt lò được nhiều nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài coi là phương tiện để giảm tham nhũng. Nền kinh tế đang phát triển và tầng lớp trung lưu của đất nước cũng như vai trò ngày càng tăng của nước này trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

VinFast VF3 có thể trở thành “ô tô quốc dân” ở Việt Nam"

Reuters tiết lộ bí mật của tam giác thương mại Việt-Trung-Mỹ. Hoa Kỳ đã cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc bằng cách tăng thuế, đồng thời tăng nhập khẩu từ Việt Nam, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô của Trung Quốc. Năm 2023, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt gần 105 tỷ USD, lớn gấp 2,5 lần so với năm 2018 khi chính quyền Trump lần đầu tiên áp thuế nặng đối với hàng hóa Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang bùng nổ nhờ việc nhập khẩu linh kiện và bộ phận từ nước láng giềng Trung Quốc, đặc biệt là dòng vốn từ Trung Quốc gần như khớp hoàn toàn với giá trị và biến động của xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong những năm gần đây.
“Sự gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam trùng với sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể được Mỹ coi là do các công ty Trung Quốc sử dụng Việt Nam để né tránh các mức thuế bổ sung áp đặt lên hàng hóa của họ, và điều này có thể dẫn đến thuế quan được áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam sau cuộc bầu cử ở Mỹ”, – ấn phẩm dẫn lời một chuyên gia.
Nikkei Asia đưa tin, "kỳ lân công nghệ" Việt Nam VNG đã trở thành đối tác điện toán đám mây (Cloud) của Nvidia.
Inside Retail viết về lễ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam của thương hiệu thời trang nam cao cấp Kiton của Ý.
BYD rất khâm phục VinFast
Tờ South China Morning Post đưa tin về cuộc tranh chấp Việt-Trung trong lĩnh vực sản xuất các nguyên tố đất hiếm cần thiết để chế tạo nam châm vĩnh cửu cho các ứng dụng năng lượng sạch, từ xe điện đến tua-bin gió. Việt Nam muốn để Trung Quốc, nước sở hữu các công nghệ tiên tiến, giúp Việt Nam phát triển chuỗi sản xuất đất hiếm, nhưng cũng muốn duy trì quyền kiểm soát đối với ngành công nghiệp trong nước và sự đổi mới.
Cleantechnica cho biết, VinFast Auto đã nhận được số lượng kỷ lục là 27.649 đơn đặt hàng trước không hoàn lại và không thể chuyển nhượng cho mẫu xe ô tô SUV cỡ nhỏ VF 3 trong phạm vi 66 giờ, lập kỷ lục ô tô Việt. Thực tế này minh chứng về sức hút ấn tượng của VF 3 và tiềm năng trở thành “ô tô quốc dân” tại Việt Nam.
Portnews đưa tin, nhà khai thác hậu cần Ratraco của Việt Nam sẽ hỗ trợ tập đoàn vận tải FESCO của Nga thu hút thêm luồng hàng hóa từ Việt Nam cho dịch vụ hàng hải thường xuyên hoạt động trên các tuyến đường biển giữa các cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Vladivostok.

Đi du lịch bằng tàu hỏa "sang chảnh"

Ttgasia giới thiệu hai khách sạn mới của IHG Hotels & Resorts tại Việt Nam: Hotel Indigo tại TP. HCM và Vignette Collection tại Hội An. Các đường bay mới từ New Delhi, Manila, Sydney và Munich sẽ thúc đẩy nhu cầu hơn nữa, và InterContinental Hotels Group (IHG) hiện có 18 khách sạn tại Việt Nam rất hy vọng vào sự tăng trưởng ở thị trường này.
Travel Trade Journal đưa tin, Meliá International - tập đoàn khách sạn top 3 thế giới có trụ sở tại Tây Ban Nha, đang vận hành khách sạn Melía Hotels International tại khu nghỉ dưỡng phức hợp mặt biển Vega City Nha Trang đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Vietnam Airlines về những đặc quyền dành cho hành khách hạng thương gia.
Top 20 điểm đến du lịch tốt nhất tại Việt Nam năm 2024: Địa điểm và nơi đến
Time Out mời các bạn đi tàu hỏa "sang chảnh" từ Quy Nhơn đến Nha Trang. Tuyến đường mới mang lại cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng thêm nhiều cảnh quan kỳ vĩ của Việt Nam. Du khách trên chuyến tàu Quy Nhơn - Nha Trang sẽ có đủ thời gian để thưởng thức set trà chiều miễn phí, bao gồm trứng cá muối địa phương, phô mai thủ công, thịt nguội và trà cao cấp Việt Nam. Hành khách sẽ được phục vụ đồ ăn nhẹ miễn phí, rượu vang, cocktail, mocktail, trà, cà phê và nước ngọt không giới hạn, cùng với liệu pháp mát-xa đầu và vai 15 phút.

Các cuộc triển lãm và dự án của Nga tại Việt Nam

Kênh truyền hình Big Asia của Nga đưa tin về Hội thảo “Nước Nga hiện đại” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này được tổ chức để thảo luận về mối quan hệ Việt – Nga và trao đổi thông tin về tình hình ở Nga. Kênh truyền hình này cũng nói về các hoạt động của Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội tổ chức các cuộc triển lãm, buổi chiếu phim, lớp học nâng cao, lễ hội, các khóa học tiếng Nga, các câu lạc bộ và các studio cho trẻ em và người lớn, tổ chức “Tuần lễ tiếng Nga” tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam, các Ngày hội trải nghiệm (Open days) tại bốn trường ĐH thành viên dự án phía Việt Nam và dự án “Các trường đại học Nga”. Trong năm học 2023-2024, phái đoàn của khoảng 50 trường đại học Nga đã đến thăm Việt Nam.
Một quỹ quan tâm đến những giá trị truyền thống và thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt
Còn hãng thông tấn Pobeda của Liên bang Nga đưa tin về hai cuộc triển lãm mà Nga tổ chức tại thủ đô Việt Nam. Một trong số đó là triển lãm “Nikolai Mikhailovich Przhevalsky. Hành trình cả một cuộc đời” về nhà địa lý vĩ đại người Nga, ông đã đứng đầu những chuyến thám hiểm vào sâu khu vực Trung Á, những thành tựu khoa học của ông có tác động to lớn đến sự phát triển của ngành địa lý và các ngành khoa học liên quan trên khắp thế giới, Và cuộc triển lãm thứ hai với chủ đề “Đất nước đẹp nhất” tập hợp tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chụp ở Nga.
Thảo luận