Ngày 4/7, tại Astana, thủ đô Cộng hòa Kazakhstan Thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia các nước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã kết thúc với việc ký kết 25 văn kiện. Trong đó có Tuyên bố Astana - Tuyên bố của các nguyên thủ các quốc gia SCO về các nguyên tắc láng giềng tốt đẹp, tin cậy và hợp tác. Đặc biệt, các nguyên thủ đã thông qua sáng kiến “Về sự thống nhất thế giới vì một thế giới công bằng, hòa hợp và phát triển”, dự thảo Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế SCO đến năm 2030…
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chuyên gia quan hệ quốc tế, khách mời thường xuyên của Sputnik đã có một số bình luận về sự kiện quan trọng trên.
Những điểm nhấn của SCO 2024
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Hoàng, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 24 Tổng thống Nga đã nói: Thế giới đa cực đã trở thành hiện thực; Tuyên bố Astana được ký kết sau kết quả của hội nghị thượng đỉnh nêu bật cam kết của tất cả các bên tham gia SCO đối với việc hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng. Đó là điểm đặc biệt quan trọng thứ nhất, là một thành công của Thượng đỉnh Astana. Cùng với nó, SCO 2024 còn được giới chuyên gia đánh giá có một số điểm đặc biệt.
Theo đánh giá của ông, Thượng đỉnh Astana của SCO 2024 có những điểm nhấn gì?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế:
Điểm nổi bật đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 chính là công thức SCO+. Trước đây, các hội nghị của Tổ chức hợp tác Thượng Hải thường bao gồm các cuộc thảo luận của các thành viên chính thức, các quốc gia là quan sát viên và đối tác có vai trò khá hạn chế. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2024 được tổ chức theo mô hình SCO+. Công thức này mở ra sự hợp tác rộng rãi hơn hẳn so với các hội nghị trước dây. Theo đó, các nước đối tác chiến lược, đối tác đối thoại và quan sát viên có nhiều cơ hội tham gia vào quá trình hợp tác đa phương, đa lĩnh vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)
© Sputnik / Sergey Savostyanov/POOL
/ Điểm nhấn thứ hai là Tổng thống Kazakhstan Kassym Tokayev đã đề xuất một mô hình an ninh mới. Mô hình này tập trung tăng cường quan hệ đối tác, khẳng định không liên minh quân sự, bác bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, duy trì sự bình đẳng giữa tất cả các quốc gia và xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác rộng lớn. Mô hình an ninh mới cho phép SCO có khả năng thích ứng với tình hình khu vực và điều kiện quốc gia, cũng như dung hòa sự khác biệt về hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh kinh tế và truyền thống văn hóa của quốc gia thành viên SCO cũng như các quốc gia quan sát viên và các đối tác.
Điểm đáng chú ý thứ ba là việc kết nạp Belarus làm thành viên chính thức, đưa tổng số thành viên đầy đủ của SCO lên con số 10. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm 2023, khối BRICS cũng nâng số lượng lên 10 quốc gia thành viên đầy đủ sau khi các nước Iran, Arabia Saudi, Ai Cập, Ethiopia và UAE gia nhập khối này. Với những tiềm lực về dân số, diện tích lãnh thổ và tổng thu nhập quốc dân vượt qua cả G7 và EU, SCO cùng với BRICS như một đôi “song kiếm hợp bích” chắc chắn sẽ trở thành những cực quyền lực mới của thế giới, là đối trọng xứng tầm thách thức quyền lực của chủ nghĩa đơn phương Mỹ và phương Tây.
Điểm nhấn thứ tư là Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 rất quan tâm tìm các giải pháp hài hòa và khả thi để đạt được sự đồng thuận trong hợp tác và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ giữa các quốc gia thành viên cũng như các quốc gia là quan sát viên và đối tác. Động thái tích cực này sẽ tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của SCO trong tương lai.
Điểm nhấn thứ năm của Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 là việc thông qua một số lượng văn kiện khá lớn so với nhiều kỳ họp trước đây. Bên cạnh Tuyên bố chung Astana 2024 phản ánh quan điểm, đánh giá và gợi mở hướng giải quyết của SCO đối với các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay, hơn 20 văn kiện được thông qua đã đề cập đến nhiều lĩnh vực thiết thực cấp bách cũng như lâu dài gồm: “Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035”, “Chiến lược phát triển hợp tác năng lượng SCO đến năm 2030”, “Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan giai đoạn 2025-2027” và “Chiến lược phòng chống ma túy của SCO giai đoạn 2024-2029”.v.v…
Thượng đỉnh SCO 2024 tại Astana một lần nữa khẳng định “tinh thần Thượng Hải”
Sputnik: Trong thông điệp của mình gửi tới Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024, Thủ tướng Ấn Độ nói: “Thế giới đang dần tiến tới đa cực thực sự và trong kịch bản như vậy, tầm quan trọng của SCO sẽ chỉ tăng lên, nhưng giá trị thực sự của nó sẽ phụ thuộc vào việc tất cả chúng ta có thể hợp tác với nhau tốt đến mức nào”.
Không thể không thấy rằng, đúng là vai trò và vị thế của SCO ngày càng tăng.
Ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hội nghị Thượng đỉnh SCO 2024 và vai trò của SCO trong bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế:
Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô tan rã, khối XHCN Đông Âu sụp đổ, thế giới bước vào một giai đoạn không có “đối trọng”. Theo đó, người Mỹ đã vạch ra hàng loạt các chương trình nhằm củng cố vị trí độc tôn bá chủ thế giới của họ. Về kinh tế là chương trình “Thế giới theo Davos” (Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức Hội nghị Thường niên tại Davos, Thụy Sĩ). Về chính trị là “Kế hoạch Khalipha” (Thủ lĩnh) nhằm củng cố vai trò thủ lĩnh toàn thế giới của Mỹ. Về quân sự là mở rộng khối NATO về phía Đông, củng cố các căn cứ đầu cầu của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương v.v…
Hai “cây gậy” của Mỹ và phương Tây là NATO và G7 cùng với “củ cà rốt” EU được họ hy vọng sẽ giúp chiếm lĩnh vị trí là kẻ thống trị toàn cầu, biến Mỹ và Châu Âu trở thành trung tâm quyền lực duy nhất thế giới cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Tuy nhiên, sự kiện Tổ chức hợp tác Thượng Hải ra đời ngày 15/6/2001 với 6 thành viên chính thức đầu tiên (Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan) và 4 quan sát viên đã mở đầu cho sự ra đời của một trung tâm quyền lực mới, thách thức chủ nghĩa bá quyền đơn phương Mỹ. Tiếp theo, sự ra đời của Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tiếp tục cho thấy sự lớn mạnh của chủ nghĩa đa phương toàn cầu. Sự ra đời của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga khởi xướng năm 2015 trên cơ sở cải tổ cộng đồng kinh tế Á-Âu cho thấy xu thế đa phương hóa tiếp tục ngày càng mạnh mẽ hơn.
Mô hình “Thế giới theo Davos” phá sản. Người sáng lập ra mô hình này, tiến sĩ Klaus Martin Schwab đã phải phát triển các mô hình WEF khu vực để WEF có thể tiếp tục vai trò động lực cho các nỗ lực hòa giải ở các khu vực khác nhau trên thế giới, đóng vai trò là chất xúc tác cho nhiều hợp tác và sáng kiến quốc tế. Bao gồm WEF Đông Á, WEF Châu Phi, WEF Mỹ Latinh và WEF Trung Đông.
Tuy nhiên, những sự thay đổi của WEF đã không thể ngăn chặn được sự phát triển của BRICS, EAEU và SCO. Các tổ chức này đã thực sự trở thành những trung tâm phát triển mới của thế giới, vượt qua G7 và EU cả về quy mô dân số, tổng thu nhập quốc dân GDP/PPP và trở thành những thị trường đầy tiềm năng phát triển. Trong số các tổ chức đó, SCO có vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành đối trọng thách thức địa vị của G7 và EU.
Mỹ và phương Tây luôn tuyên truyền rằng SCO hàm chứa khả năng một liên minh quân sự nhằm lấy cớ để mở rộng quá trình tái vũ trang, đẩy mạnh quân sự hóa ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trên thực tế cũng như trong các tuyên bố chung của các hội nghị thượng đỉnh, SCO luôn khẳng định sự ưu tiên trong hợp tác kinh tế và chính trị. Mặc dù trong các chương trình nghị sự đều đề cập đến các vấn đề an ninh toàn cầu nhưng SCO không đặt vấn đề dùng vũ lực quân sự để giải quyết các mâu thuẫn và bất đồng. Thay vào đó là các biện pháp đối thoại hòa bình dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và các công pháp quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 tại Astana một lần nữa khẳng định “tinh thần Thượng Hải” với chủ đề: “Tăng cường đối thoại đa phương: Theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững”, nhằm xây dựng một cộng đồng SCO gắn kết hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân trong khu vực, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung của thế giới.
Trên tinh thần đó, Hội nghị thượng đỉnh của SCO ở Astana nhấn mạnh đến nhu cầu xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho các quốc gia thành viên của tổ chức này, những quốc gia có mối quan hệ lịch sử và truyền thống tốt đẹp. Các thành viên SCO với phương châm ưu tiên phối hợp hành động, chia sẻ cơ hội và rủi ro, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của khu vực và toàn cầu, thúc đẩy hợp tác đa phương và bảo vệ lợi ích chiến lược chung để bảo vệ tốt hơn an ninh quốc gia của từng nước.
Hiện nay, như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu tại SCO 2024, SCO là một trong những trung tâm của thế giới đa cực mới. Và các quốc gia thành viên SCO, cho dù nói bằng các ngôn ngữ khác nhau, nhưng giữa họ có đối thoại và mong muốn tiến về phía trước. Còn Tổng thống Kazakhstan Tokayev tin tưởng rằng, những văn kiện được ký kết sẽ mở ra một trang mới của hợp tác trong khuôn khổ SCO và sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện và có hệ thống của SCO.