Bangladesh có vấn đề nhưng chưa chắc Việt Nam được lợi

Trong bối cảnh bất ổn ở Bangladesh, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để dệt may Việt Nam được “hưởng lợi”, đón thêm đơn hàng mới. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành lại không nghĩ như vậy.
Sputnik
Theo một số chuyên gia, doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó có thể tăng đơn hàng khi Bangladesh gặp khó. Lý do, phân khúc sản phẩm may mặc của Việt Nam và Bangladesh là khác nhau. Chưa hết, dệt may Việt Nam trước đây từng mất một số đơn hàng vào tay các doanh nghiệp Bangladesh vì không đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.

Cơ hội cho dệt may Việt Nam?

Thời gian gần đây, những bất ổn ở Bangladesh đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất kinh doanh của nước này. Tình hình nghiêm trọng tác động trực tiếp đến dệt may, ngành hàng chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Á vào năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia và các công ty chứng khoán nhận định, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được “hưởng lợi” vì các nhãn hàng thời trang dịch chuyển đơn hàng sản xuất từ Bangladesh sang nước khác.
Cụ thể, chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang nước khác, trong đó có Việt Nam. Các thương hiệu thời trang hàng đầu châu Âu như H&M, Zara… vốn là những mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh.
Bạo loạn ở Bangladesh bất ngờ giúp Việt Nam hưởng lợi
Tương tự, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng bạo động tại Bangladesh, khi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam có thể đón những đơn hàng dịch chuyển từ quốc gia này. Hiện tại cũng là cao điểm mùa xuất khẩu các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm.
Về dài hạn, các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ suy nghĩ đến việc tìm một quốc gia thay thế Bangladesh trong chuỗi cung ứng ngành dệt may, do tình trạng bất ổn và những rủi ro tiềm ẩn.
Trong khi đó, Việt Nam là đất nước sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ, tay nghề cao, có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp FDI, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Cần lưu ý, Bangladesh là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trước khi xảy ra biểu tình, bạo động, Bangladesh là một trong những đối thủ cạnh tranh với ngành dệt may Việt Nam.
Do đó, trên lý thuyết, khi hoạt động sản xuất tại Bangladesh bị gián đoạn, dệt may Việt Nam sẽ phần nào được hưởng lợi. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận thêm các đơn hàng do khách hàng của Bangladesh chuyển qua trong ngắn hạn để gia tăng tốc độ phục hồi sau thời gian khó khăn.

Khó dịch chuyển ồ ạt

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp trong ngành và đại diện Hội và Hiệp hội ngành dệt may lại cho rằng, sẽ khó có sự dịch chuyển ồ ạt đơn hàng dệt may sang Việt Nam, dù thủ phủ may mặc Bangladesh đang gặp khó khăn.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng Bangladesh không phải là đối thủ trực tiếp của dệt may Việt Nam. Lý do, nước này chuyên làm hàng hóa ở phân khúc trung bình thấp, còn sản phẩm dệt may Việt Nam lại ở phân khúc cao hơn, giá sản phẩm làm ra cao hơn ở Bangladesh.
“Tôi cho rằng đơn hàng từ Bangladesh lúc này không về Việt Nam mà các nhãn hàng sẽ dịch chuyển đơn hàng qua Ấn Độ, Afghanistan… hoặc những nước lân cận Bangladesh với chi phí nhân công, sản xuất thấp hơn Việt Nam”, ông Giang nói.
Tổng thống Bangladesh giải tán quốc hội
Theo ông, Ấn Độ – một cường quốc dệt may và có nhiều vùng lao động nghèo… sẽ có lợi thế đón nhận làn sóng dịch chuyển đơn hàng của các nhãn hàng.
Tương tự, dù nhận định doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế nhất định khi Bangladesh gặp khó, nhưng ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex), cho rằng chi phí sản xuất và phân khúc hàng hóa của Việt Nam cao hơn nên khó tiếp nhận được đơn hàng giá thấp từ Bangladesh.
Mặt khác, trong bối cảnh thị trường dệt may đang dần hồi phục, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất đến cuối năm; trong khi việc tuyển dụng nhân công hiện nay rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp khó có thể nhận thêm những đơn hàng mới với giá thấp.
Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), cũng cho rằng các đơn hàng Bangladesh thường có biên lợi nhuận thấp hơn các đơn hàng Việt Nam.

“Vì vậy, Bangladesh có vấn đề nhưng chưa chắc Việt Nam được hưởng lợi vì chúng ta đã quen với đơn hàng biên lợi nhuận lớn hơn. Ví dụ như lâu nay các đơn hàng đang có biên lợi nhuận 20% thì liệu chúng ta có nhận đơn hàng chỉ 10%?”, ông Trung phân tích.

Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở Bangladesh
Theo ông Trung, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ có thể tận dụng cơ hội để tăng trưởng doanh thu trong thời gian ngắn vào lúc này, chứ không duy trì được trong lâu dài.
Cụ thể, Bangladesh vốn là một quốc gia có nhiều bất ổn chính trị. Tuy vậy, nước này vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh các đơn hàng may mặc hơn so với Việt Nam, như lương nhân công thấp, chỉ khoảng 75 – 100 USD so với khoảng 300 USD của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam vừa mới tăng lương cơ bản.
Ngoài ra, do dệt may là ngành trọng yếu của Bangladesh khi chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu nên rất được Chính phủ hỗ trợ.
“Họ có chuỗi cung ứng gần như hoàn thiện từ đầu đến cuối, trong khi Việt Nam chỉ tập trung vào phần may, chưa sản xuất được đầu vào, dẫn đến nhiều nước vẫn ưa chuộng Bangladesh hơn Việt Nam”, ông Trung nói thêm.

Việt Nam từng mất đơn hàng vào tay Bangladesh

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, ngành dệt may Việt Nam trước đây từng mất một số đơn hàng vào tay các doanh nghiệp Bangladesh vì không đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.
“Một điều cần nhắc đến là chúng ta chậm chuyển đổi xanh, trong khi các nhãn hàng, thị trường lớn đòi chúng ta phải dán nhãn xanh, nhãn carbon. Bangladesh bất ổn nhưng chúng ta không đủ điều kiện xuất khẩu ra những thị trường khó tính thì chúng ta không tận dụng được cơ hội”, ông Huân nói thẳng.
Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho hay, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, thì các tiêu chí về phát triển bền vững cũng cần phải được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn, nhấ là với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản
Ông Giang dẫn chứng, tại diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng” mới đây, những doanh nghiệp dệt may đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái ngay từ giai đoạn đầu rất hiệu quả.
“Doanh nghiệp được điểm cộng khi làm việc với nhãn hàng, có khả năng chủ động về điện năng, đồng thời các chỉ số liên quan tiết kiệm năng lượng, xử lý nguồn nước cũng được cải thiện, tác động đến quá trình đánh giá các chứng chỉ xanh”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.
Các khách hàng lớn còn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Chẳng hạn, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.
Ngành dệt may cần quan tâm phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro… phải được quan tâm hơn nữa.
Cựu Thủ tướng Bangladesh cho rằng Mỹ có liên quan đến việc bà phải từ chức
Trong bối cảnh hiện nay, xanh hóa là yêu cầu bắt buộc đối với ngành dệt may. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia nhìn nhận việc chuyển hóa cơ hội của Việt Nam tùy thuộc vào mức độ chuyển mình của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp phải xác định đúng nhiệm vụ đặt ra nhằm hướng tới ngành dệt may Xanh. Đồng thời, cần tiếp cận bình tĩnh, khoa học, lắng nghe và bám sát hơi thở của thị trường, của từng khách hàng lớn để quá trình đổi mới giữ được cân bằng trong doanh nghiệp và có bước đi chiến lược phù hợp cho từng đơn vị kinh doanh.
Thảo luận