Thấy gì từ việc hơn 122.000 thí sinh đỗ ĐH nhưng không nhập học?

Trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2024, số lượng thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học tại Việt Nam đã vượt mốc 122.000 người. Tỷ lệ này tuy không cao hơn năm trước, nhưng phản ánh nhiều vấn đề quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.
Sputnik

Có nhiều nguyên nhân

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm 2024 số lượng thí sinh đăng ký dự thi đã tăng lên hơn một triệu người, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh trúng tuyển ĐH đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là hơn 670.000 em. Thế nhưng, số thí sinh xác nhận nhập học là hơn 550.000; chiếm 81,87% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với Sputnik TS. Lê Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, con số này không phải cao so với các năm trước. Có thể nói, đây không phải là con số đáng báo động. Thực tế có đến hơn 120.000 thí sinh dù trúng tuyển không nhập học, con số này chỉ chiếm tỉ lệ 18,13%. Còn năm 2023, tỷ lệ thí sinh không nhập học chiếm 19,2%. Số lượng thí sinh “ảo” năm nay giảm nhiều so với năm trước, do Bộ Giáo dục Việt Nam đã tìm nhiều cách để lọc lượng thí sinh này.
Lý giải về hiện tượng này, TS. Lê Thị Quỳnh Nga cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thí sinh không nhập học sau khi trúng tuyển.
TS. Lê Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)
“Đầu tiên thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng. Lý do trúng tuyển mà không nhập học, một phần nguyện vọng này không phải ưu tiên hàng đầu của các em. Có một tỷ lệ thí sinh, dù trúng tuyển vào ngành học đúng nhưng không phải là trường yêu thích, sẽ quyết định dừng lại, tiếp tục ôn luyện và tham gia kỳ thi vào năm sau. Song song với đó, các em có cơ hội đợi xét tuyển lần thứ 2, nên các em đợi cơ hội sau. Cần nói thêm rằng, học ĐH hiện nay dễ hơn trước kia do các trường ĐH mở ra ngày càng nhiều. Cơ hội nhiều, đồng nghĩa với nhiều sự lựa chọn. Nếu lần đầu cảm thấy chưa phù hợp, thí sinh đợi đăng ký xét tuyển đợt 2, thậm chí đợi năm sau thi lại vào trường đúng sở thích và nguyện vọng”, TS. Nga chia sẻ.
Đại diện RMIT: Đại học RMIT Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường
Nguyên nhân khác mà giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhắc đến là do học phí cao và chi phí sinh hoạt của tân sinh viên.
“Trong các trường thí sinh đỗ có yêu cầu học phí cao hơn so với khả năng chi trả. Các trường hợp này thường rơi vào hệ thống trường tư hoặc các chương trình liên kết quốc tế. Khi bắt đầu đỗ, thí sinh mới cân nhắc đến học phí và các chi phí liên quan”, TS. Nga chỉ ra nguyên nhân thứ hai.
Đây cũng là yếu tố khiến gia đình các thí sinh cân nhắc khi điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình không cho phép. Một số sẽ chọn học nghề hoặc gia nhập thị trường lao động ngay lập tức, làm việc tại các doanh nghiệp trong nước hoặc đi xuất khẩu lao động.
Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam nói xét tuyển đại học sớm rất “tai hại”
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 phải làm xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều trường cũng yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trên website của trường, sau đó mới đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc với sinh viên, TS. Lê Thị Quỳnh Nga nhận thấy, nhiều sinh viên không xác nhận nhập học trực tuyến theo quyết định của Bộ Giáo dục vì thư điện tử gửi vào mục spam, một số thí sinh không dám mở vì sợ lừa đảo.

Cần chú trọng công tác hướng nghiệp

Xét trong bối cảnh Việt Nam đang cần nhân sự chất lượng cao trước làn sóng FDI liên tục đổ về, giải pháp để thu hút các thí sinh học ĐH, tránh lãng phí nguồn nhân lực, theo TS. Lê Thị Quỳnh Nga công tác hướng nghiệp cho học sinh là yếu tố cốt lõi quyết định trước khi đặt bút làm hồ sơ thi ĐH.
“Ở Việt Nam để làm tốt công tác hướng nghiệp đầu tiên phải làm tốt phân tích và dự báo nhu cầu lao động để các em đi đúng hướng. Sau đó, cần chú trọng công tác truyền thông để các em học sinh, phụ huynh và nhà trường nắm được thông tin đó để tư vấn cho các em. Ví dụ như trước nhu cầu lớn về nhân sự chất lượng cao khi có làn sóng FDI đang đổ vào Việt Nam, trong trường hợp cũng cần phân tích, thông số sau khi tốt nghiệp đại học, cơ hội cho công việc này ra sao. Để từ đó, các em nắm được yêu cầu là gì, đáp ứng nhu cầu đó, ngay từ trên ghế nhà trường, các em cần chú trọng học gì.
Thực tế tại Việt Nam công tác hướng nghiệp cho học sinh đã được triển khai từ lâu. Cụ thể, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, công tác hướng nghiệp được triển khai trong nhà trường từ lớp 1 tới lớp 12 với các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Tuy nhiên nhiều trường tỏ ra lúng túng và chưa chú trọng đúng mức.
Nội dung hướng nghiệp cũng được tích hợp trong các môn học. Mỗi lớp, mỗi cấp sẽ được định hướng theo mức độ khác nhau. Đây đều là những hoạt động bắt buộc. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai chưa được như mong muốn. Bởi vậy, hiệu quả chưa cao.
Multimedia
Ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam đến học tại các trường đại học sáng tạo Nga
Do đó, công tác tư vấn cần phải liên tục cập nhật, đáp ứng đầy đủ thông tin từ sớm và từ xa cho học sinh và phụ huynh. Cần cung cấp thông tin một cách rõ ràng, dễ hiểu và có cơ sở, giúp các em lựa chọn đúng ngành học và trường học theo sở thích và nguyện vọng của mình. Nhất là vào năm 2025, dự kiến sẽ có những thay đổi trong công tác tuyển sinh do đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thảo luận