Kinh tế Hà Nội sau 70 năm Giải phóng: từ đô thị hoang tàn đến thành phố sáng tạo
13:12, 10 Tháng Mười 2024
Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội tiếp quản thành công, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi tiếp quản, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội cùng người dân nhanh chóng bắt tay khôi phục, cải tạo diện mạo thủ đô và phát triển kinh tế, dù phải đối mặt với nhiều thách thức.
SputnikNhìn lại hành trình từ một thành phố chịu nhiều tổn thương trong chiến tranh, đến hình ảnh thủ đô hiện đại, là trung tâm kinh tế của cả nước, Sputnik đã có buổi phỏng vấn với TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội. Sau 70 năm kể từ ngày Giải phóng (10/10/1954), Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị và xã hội.
Thách thức 70 năm
15 giờ chiều ngày 10/10, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ, Hà Nội trong biển cờ và niềm hạnh phúc vỡ òa khi những người lính Pháp cuối cùng rút lui. Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát, tiếp quản hoàn toàn thủ đô.
Ngày này sau 70 năm, những ngày mùa thu tháng 10, trong ánh nắng vàng như rót mật, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Khắp các góc phố, con đường của Hà Nội đều được trang hoàng băng rôn, pano, áp phích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Vẫn những cảm xúc đong đầy, vẫn niềm tự hào về sự nghiệp cách mạng của Thủ đô Hà Nội. 70 năm sau Giải phóng, Hà Nội vẫn rực rỡ cờ hoa. Nhưng trong một tâm thế mới. Chia sẻ với Sputnik, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, sau 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô, Hà Nội đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và đối diện với nhiều thách thức. Thành phố đã nỗ lực vượt qua và phát triển để có được như hôm nay.
“Thách thức lớn nhất, đó là thời kỳ chống Mỹ chống chiến tranh phá hoại và thống nhất đất nước. Đây là thời kỳ Hà Nội gặp phải thách thức chưa từng có. Đặc biệt, trong những ngày tháng Điện Biên Phủ trên không. Mỹ ném bom B52 suốt 12 ngày đêm để tàn phá Hà Nội, đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá. Nhưng Hà Nội đã cùng cả nước vượt qua. Thách thức thứ 2, là thời kỳ trước Đổi mới. Bước ra khỏi chiến tranh, Hà Nội tơi tả, kiệt quệ và lúng túng trong định hướng phát triển. Thủ đô cũng thiếu thốn các nguồn lực do bị cấm vận, bị cắt viện trợ do bất cập của mô hình tăng trưởng đã diễn ra trong thời kỳ chiến tranh và hậu chiến tranh. Thách thức thứ 3, là thời kỳ Hà Nội điều chỉnh địa giới. Bên cạnh thuận lợi, tồn tại những khó khăn gắn với việc mở rộng hoặc thu hẹp địa giới hành chính. Đặc biệt, thách thức gần đây nhất khi trải qua đại dịch Covid-19 trong những ngày đóng cửa, cách ly”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu.
Hành trình đổi mới
Trong toàn bộ quá trình đó, Hà Nội đã có nhiều cách khác nhau để vượt qua. Bên cạnh đó, có nhiều nhân tố, yếu tố giúp Hà Nội phát triển được như ngày nay, cả khách quan và chủ quan.
“Trước hết, cần khẳng định rằng, Hà Nội có cả lịch sử phát triển nghìn năm. Hà Nội có lợi thế của kinh đô, cả thành và cả thị. Là thủ đô, trung tâm kinh tế, nơi hội tụ nhiều đầu mối giao thông, hoạt động kinh tế mang tầm quốc và khu vực. Cũng như hội tụ nhiều ngành nghề truyền thống, hội tụ nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, thành phố có nhiều khu vực kinh tế đa thành phần, tồn tại trong lịch sử kéo dài liên tục, kể cả thời kỳ khó khăn nhất. Kinh tế tư nhân của Hà Nội vẫn tồn tại và phát triển. Trong đó, không thể không kể đến sức mạnh nội lực từ cộng đồng DN lớn thứ hai cả nước với trên 300.000 DN. Tất cả tạo ra động lực khách quan kéo dài trong lịch sử cho Hà Nội phát triển. Ngoài ra, Hà Nội được sự quan tâm từ Trung ương, đầu tư và định hướng “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” để thủ đô có được nguồn lực từ tài chính đến chính sách, cùng cộng hưởng phát triển”, theo TS. Phong.
Với quyết tâm của Chính phủ, Hà Nội đã thành công trong việc xóa bỏ nạn mù chữ vào năm 1957, tạo ra bước chuyển lớn cho lực lượng lao động và nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.
Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc đất nước, đồng thời là hậu phương quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và hỗ trợ phát triển công nghiệp cho cả nước. Đến năm 1982, thành phố đã cơ bản phục hồi cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều tiến bộ.
Năm 1986, Hà Nội vươn lên thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, với những cải cách trong cơ chế quản lý kinh tế, giúp Thủ đô trở thành điểm sáng trong quá trình phát triển kinh tế của cả nước. Năm 1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình, và năm 2000, thành phố được công nhận là Thủ đô anh hùng.
Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính, trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Sự thay đổi này đã thúc đẩy
cơ cấu kinh tế của Hà Nội theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.
Kể từ khi mở rộng, thu nhập của Hà Nội đã tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2010 đến năm 2023, với GDP thường dẫn đầu cả nước, đạt mức tăng trưởng khoảng 7%. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt qua TP.HCM.
“Sự phát triển của Hà Nội được ghi dấu ấn mạnh nhất bởi sự đổi mới tư duy, đổi mới mở cửa, hội nhập phát triển dựa theo những mô hình kinh tế mới. Mô hình lớn nhất Hà Nội cùng đất nước đang theo đuổi - mô hình kinh tế thị trường, định hướng XHCN”, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhấn mạnh.
Một điểm nhấn khác về mô hình tăng trưởng, theo chuyên gia, cũng là một trong những mô hình đưa Hà Nội phát triển, đó là thành phố đang từng bước dịch chuyển theo hướng phát triển chiều sâu, giảm bớt phát triển theo bề rộng, với những mô hình trong nông nghiệp, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ với những khu công nghiệp phần mềm, những mô hình thu hút FDI hình thành khu vực sản xuất công nghiệp mới, công nghệ cao.
Đồng thời, Hà Nội cũng khuyến khích các mô hình kinh tế tư nhân, xã hội hóa. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm thương mại, tài chính ngân hàng, du lịch, y tế, văn hóa… theo hướng đào chào chất lượng cao, trình độ cao.
“Hà Nội cũng đang bổ sung cập nhật những mô hình gần đây như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, hướng tới nỗ lực chuyển đổi xanh. Tất cả những điểm nhấn mô hình này đã đang tiếp tục để Hà Nội phát triển”, TS. Nguyễn Minh Phong nói thêm.
Vượt qua nhiều thách thức sau 70 năm, từ đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, Thủ đô Hà Nội mở rộng gấp 22 lần về diện tích và gấp 23 lần về dân số. Với nhiều công trình quan trọng như cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, Đường Vành đai 2, Đường Vành đai 3, cùng các tuyến
đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông và Sân bay quốc tế Nội Bài, hiện thành phố vẫn đang tiếp tục phát triển, giữ vai trò đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Các dự án giao thông quan trọng, có tính liên vùng, được Hà Nội đầu tư mạnh mẽ. Nhiều dự án đã và đang hoàn thành như: đường
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; và Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Đây cũng là một trong nhiều yếu tố giúp Hà Nội đẩy mạnh thu hút FDI.
“Cùng với cả nước, Hà Nội thu hút FDI từ khi đất nước thực hiện mở cửa từ năm 1987. Về lĩnh vực này, Hà Nội vẫn luôn nằm trong top đầu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đặc biệt, Hà Nội thu hút được FDI công nghệ cao. Trong thời gian này, một số dự án đầu tư lớn đã được cấp phép, như: Dự án Khu đô thị Thành phố thông minh với tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD; hai dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn 400 triệu USD; và dự án Trung tâm Nghiên cứu R&D trị giá 210 triệu USD của Samsung…, đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam”, TS. Phong nêu.
Xây dựng thành phố thông minh
Tại Hà Nội, các hình thức thanh toán công nghệ hiện đại và thương mại điện tử cũng đang tăng trưởng mạnh, hiện chiếm khoảng 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Hiện Hà Nội có cả chương trình phát triển chuyển đổi số.
Thành ủy Hà Nội là một trong nơi đầu tiên của cả nước xây dựng triển khai chương trình chuyển đổi số với những kỳ vọng lớn và mục tiêu cao đến năm 2030- 2045 và sau đấy nữa. Cùng với quá trình chuyển đổi xanh, có thể nói chuyển đổi số là một trong những động lực ngày càng mạnh mẽ để Hà Nội hiện đại hóa, phát triển xanh.
“Hà Nội được xếp trong top địa phương hàng đầu của cả nước liên quan tới phát triển Chính phủ điện tử, các DN số. Trên địa bàn có 5-7 DN lớn nhất cả nước về lĩnh vực kinh tế số. Hà Nội cũng có sự đồng bộ cao giữa Chính phủ số - DN số - Xã hội số - Công dân số. Về lĩnh vực thương mại điện tử, Hà Nội cũng là một trong 2 địa phương đứng đầu cả nước. Hà Nội cũng định hướng mở rộng áp dụng số hóa trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong công nghệ cao, công nghiệp chế tạo mà cả trong du lịch. Điển hình như các điểm tham quan như Quốc tử giám, nhà tù Hỏa Lò,... Hà Nội cũng cố gắng xây dựng Big Data của thành phố nối với toàn quốc để phát triển kinh tế số nhằm tạo ra các ngành nghề, dịch vụ sản phẩm mới gắn với việc xử lý dữ liệu số”, chuyên gia chia sẻ.
Với xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ, chúng ta cần nhìn xa hơn về tương lai của
nền kinh tế Hà Nội. Một nền kinh tế không chỉ cần tăng trưởng mà còn phải đảm bảo tính bền vững, tuần hoàn và hài hòa với môi trường.
Tầm nhìn tương lai
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh những tiềm lực này chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. Hà Nội đã có nhiều chương trình phát triển tầm nhìn 2030 - 2045 và thậm chí 2065. Đặc biệt, gần đây có sự điều chỉnh của Quy hoạch Thủ đô cũng như đề án phát triển tổng thể. Luật thủ đô cũng đã khẳng định vị thế Thủ đô tương lai mạnh mẽ.
“Theo tôi, giải pháp cơ bản và quan trọng nhất, thứ nhất Hà Nội cần khai thác tốt thể chế đang dành riêng cho Hà Nội. Thứ hai, cần cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất hơn, tiên tiến hơn để khai thác khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI trên địa bàn. Thứ ba, Hà Nội cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo tốt hơn nữa, ưu tú hơn nữa, thanh lọc những cán bộ không đủ tầm, không đủ tâm, không đủ đáp ứng nhu cầu hiện nay. Để lại bộ máy tinh hoa thực sự chất lượng, nhất là bộ máy ở tầng cao nhất và bộ máy liên quan đến quản lý DN, tạo ra môi trường thể chế phù hợp. Cuối cùng, nhận diện để xử lý vấn đề liên quan đến quá tải hạ tầng, ách tắc giao thông, đặc biệt ô nhiễm môi trường + điều kiện bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ di sản Hà Nội đã có là điều quan trọng”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu giải pháp.