Tổng thống Mỹ Biden tỏ ý sẵn sàng đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng thế giới cần nỗ lực loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng đàm phán với Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên theo hướng này. Tuy nhiên ông không nói gì về những chi phí đáng kể của chính phủ Hoa Kỳ để phát triển và tăng cường bộ ba hạt nhân của nước mình.
Sputnik
“Chúng ta phải tiếp tục đi tới ngày mà chúng ta cuối cùng có thể loại bỏ vĩnh viễn vũ khí hạt nhân trên thế giới. Mỹ sẵn sàng đàm phán với Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nào để giảm bớt mối đe dọa hạt nhân”, - tuyên bố được đăng tải của nhà lãnh đạo Mỹ có đoạn viết.
Ông Biden nhấn mạnh rằng không có lợi ích gì cho các quốc gia này và thế giới nói chung trong việc “cản trở tiến trình cắt giảm kho vũ khí hạt nhân”.
Tuyên bố của Biden được đưa ra liên quan đến việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay. Trước đó có tin giải Nobel Hòa bình năm 2024 được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản dành cho những người sống sót sau vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki.
Tuy nhiên Tổng thống Mỹ không đả động gì đến việc chính quyền Mỹ tiếp tục tích cực chỉ đạo các nguồn đầu tư để tăng cường bộ ba vũ khí hạt nhân của họ.
Trong năm tài chính 2025 bắt đầu ở Mỹ vào ngày 1 tháng 10 năm nay, ngân sách liên bang có kế hoạch chi hơn 49 tỷ USD để phát triển lực lượng răn đe chiến lược. Hơn nữa, theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ, chi tiêu cho lực lượng hạt nhân của Mỹ trong giai đoạn năm 2023-2032 ước tính vào khoảng 756 tỷ USD.
Chính quyền Mỹ hiện tại dẫn đầu là Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris hiện là ứng cử viên cho chức vụ nguyên thủ quốc gia, đã nhiều lần công khai bày tỏ mong muốn gia hạn Hiệp ước vũ khí tấn công chiến lược Nga-Mỹ (START-3, hay còn gọi là New START) sẽ chính thức hết hạn vào tháng 2/2026.
Nhà Trắng phản đối đề xuất của Quốc hội Mỹ cấm trao đổi dữ liệu hiệp ước START với Liên bang Nga
Vào cuối tháng 9 bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, khi trả lời câu hỏi của Sputnik nói rằng Mỹ sẵn sàng nối lại đối thoại với Nga về hiệp ước mới và đang chờ quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chính sách ngoại giao công khai như vậy của Mỹ diễn ra đồng thời với việc nước này liên tục viện trợ quân sự cho Kiev và như chính quyền Mỹ vẫn nói, mong muốn gây thất bại chiến lược cho LB Nga. Ngoài ra, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Âu, cung cấp tên lửa tầm xa vào khu vực này để từ đó vũ khí ấy chuyển tiếp đến LLVT Ukraina, cũng như có ý định triển khai các hệ thống vũ khí tầm xa mới ở Đức, bao gồm cả vũ khí siêu thanh.
Bộ Ngoại giao Nga công khai tuyên bố Moskva chưa sẵn sàng nối lại đàm phán về Hiệp ước START nếu Mỹ không thay đổi đường lối thù địch chống Nga của họ. Vào tháng 10, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov nói rằng các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược cần được xây dựng với nhận thức về những điều kiện nay đã thay đổi. Ông cũng chỉ ra rằng trên thực tế không thể thảo luận về vũ khí tấn công chiến lược mà không tính đến cơ sở hạ tầng quân sự-hạt nhân ở châu Âu, không đưa các quốc gia châu Âu vào quá trình đàm phán và không đề cập đến các yếu tố an ninh chiến lược khác.
Thảo luận