Tất nhiên, chúng tôi sẽ đề cập đến nội dung này trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”. Lần này, chủ đề chính trong mục điểm báo là chính sách đối ngoại và kinh tế.
Việt Nam không lo lắng về kết quả bầu cử Mỹ
Asia News đưa tin về bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nỗ lực để có thông điệp thống nhất, xây dựng nhằm giúp làm giảm căng thẳng, chấm dứt giao tranh trên khắp Trung Đông. Ông lên án mạnh mẽ các hành động tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, cũng như các vụ vi phạm chủ quyền của các quốc gia, đồng thời bày tỏ quan ngại trước những chỉ trích thiên vị và những hành động cản trở Tổng Thư ký Liên hợp quốc thực hiện trách nhiệm của mình, đặc biệt liên quan đến các nỗ lực hòa giải, nhân đạo để hỗ trợ và thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan đến cuộc xung đột ở Trung Đông.
Tờ The Diplomat viết rằng, không giống như các đồng minh và đối tác khác của Hoa Kỳ, Việt Nam không cần lo lắng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Việt Nam nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ do vị trí địa chính trị là nước láng giềng của Trung Quốc. Chính sách đối ngoại linh hoạt của Hà Nội cũng đóng một vai trò lớn ở đây. Ngoài việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với càng nhiều quốc gia càng tốt, Hà Nội không can thiệp vào chính trị nội bộ của các đối tác và công khai hứa sẽ hợp tác với bất kỳ chính quyền nào được bầu ra theo tiến trình chính trị của quốc gia đó. Tác giả bài viết rút ra kết luận, bất kể ông Trump hay bà Harris đắc cử tổng thống, Việt Nam sẽ kiên trì phương châm là bạn với các nước, không gây thù oán với ai.
Trang mạng Fulcrum đăng bài phân tích về quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng thân cận nhất sau khi Campuchia tuyên bố rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA). Có khả năng các hành động của Phnom Penh, bao gồm cả quyết định xây dựng kênh đào Phù Nam Techo với sự hỗ trợ của Trung Quốc, mà dự án này là chủ đề gây căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia, báo hiệu một bước chuyển hướng sang mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Chỉ vài ngày sau khi rút khỏi cơ chế hợp tác Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã kêu gọi Hội Hoa kiều tại Campuchia tìm hiểu đầu tư chính là các khu vực biên giới từng là trung tâm của CLV-DTA. Tác giả bài viết không tán thành bước đi này của Phnom Penh và gọi chính sách ngoại giao “cây tre Việt Nam” là một tấm gương tốt. Ông khuyên Việt Nam nên chuyển trọng tâm từ việc thành lập một nhóm ba bên khép kín sang khuyến khích Phnom Penh và Viêng Chăn hội nhập sâu hơn vào các cấu trúc khu vực hiện có, bao gồm các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và các sáng kiến tiểu vùng sông Mê Kông. Cách tiếp cận này sẽ giúp Campuchia và Lào phát triển quyền tự chủ chiến lược và cân bằng mối quan hệ với các cường quốc bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam.
Phải xoá bỏ toàn bộ “tàu ma”
Tờ The Diplomat gọi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) UAE-Việt Nam là một kỷ nguyên mới trong quan hệ của Việt Nam với UAE nói riêng và các nước Ả Rập nói chung và là động lực bổ sung để tăng cường chính sách đối ngoại đa dạng của Việt Nam. UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử, giày dép, hàng dệt may, cũng như các sản phẩm nông nghiệp như hạt tiêu và hải sản. Và Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam, chủ yếu bao gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất. UAE sẵn sàng đầu tư xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như thành lập khu thương mại tự do ở các thành phố lớn khác.
Reuters viết, Một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, Saudi Aramco mong muốn đầu tư vào lọc hóa dầu và phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Abu Dhabi Ports Group - tập đoàn hàng đầu về phát triển và quản lý hạ tầng cảng biển, logistics và các khu công nghiệp tại UAE - sẽ giúp Việt Nam phát triển và hiện đại hóa các cảng, cơ sở hạ tầng hậu cần và hàng hải, theo báo cáo của Seatrade Maritime. Còn Thailand Business News đưa tin rằng, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 sẽ củng cố vị thế của một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Các nhà đầu tư đang chú ý đến Việt Nam do triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, vị trí chiến lược trong thương mại toàn cầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng và thị trường lao động cạnh tranh. Ấn phẩm này xem xét từng ưu đãi đầu tư. Công ty đóng tàu lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam - Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam - sẽ tăng công suất đóng tàu lên 15 tàu mỗi năm và đến năm 2030 - 23 tàu mỗi năm, theo Splash247.
Còn công ty Wood của Anh đang hiện đại hóa và mở rộng một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước để tăng năng suất và cung cấp nhiên liệu đạt tiêu chuẩn khí thải Euro5, theo Hydrocarbon Engineering. Theo kênh tin tức kinh doanh CNBC, việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi có thể kéo về dòng vốn hàng tỷ đô la được đổ vào thị trường tài chính của Việt Nam, hiện có giá trị vốn hoá thị trường chỉ hơn 200 tỷ USD. Còn Fish News đưa tin về cuộc đấu tranh của Việt Nam chống lại đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trước ngày 20/11, các địa phương phải hoàn thành việc xoá bỏ toàn bộ tàu "3 không". Trên cơ sở đữ liệu rà soát "tàu ma" của địa phương, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư triển khai chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý dứt điểm các "tàu ma". Mức xử phạt răn đe rất cao, bao gồm tịch thu hàng hoá, tịch thu tàu cá, tịch thu bằng của thuyền trưởng vi phạm quy định về đánh bắt theo mùa vụ.
Không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ
Vietnam Briefing dành một bài viết chi tiết về vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Đến nay, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50,9%, tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 28,2%, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 46,67%, và ở cấp tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy là 74,6%. Các chỉ số này rất ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề. Nhiều phụ nữ làm những nghề lao động tay chân, kỹ năng thấp và kiếm được mức lương thấp hơn nam giới. Phụ nữ cao tuổi, đặc biệt là những người không có lương hưu, đứng trước nguy cơ khó khăn về an sinh xã hội và phân biệt đối xử cao hơn. Ngoài ra, trong thời đại kỹ thuật số, phụ nữ có ít cơ hội tham gia thị trường lao động hơn nam giới do thiếu khả năng tiếp cận đào tạo nghề, kỹ năng kỹ thuật và công nghệ thấp hơn so với nam giới.
Bài viết trên Rest of World tiếp tục chủ đề về những thách thức trong thời kỳ chuyển đổi kỹ thuật số. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng, siêu thị và kênh bán hàng truyền thống đã sụt giảm do sự bùng nổ của thương mại điện tử. Các nhà chức trách đang khuyến khích những người kinh doanh offline chuyển sang thương mại điện tử. Và chính phủ hỗ trợ nỗ lực của các công ty trong ngành bao gồm Vecom, TikTok Shop và Shopee để đào tạo những doanh nghiệp nhỏ trên cả nước. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam đào tạo những người bán về cách thiết lập trên nền tảng thương mại điện tử, quản lý đơn đặt hàng trực tuyến và tiến hành bán hàng trực tiếp nơi người xem có thể mua sản phẩm trong thời gian thực trong khi người thuyết trình giới thiệu chúng. Nhưng hầu hết người bán thích ứng rất chậm, ấn phẩm thừa nhận.