Washington vẫn tiếp tục đường lối chống Trung Quốc
Trên toàn thế giới, người ta cho rằng Donald Trump là nhân vật đã khởi ra cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên ông giữ chức Tổng thống Hoa Kỳ.
Ông làm điều này, theo đuổi ít nhất hai mục tiêu: giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và dựng rào cản trên con đường phát triển công nghệ của Trung Quốc thông qua hạn chế áp đặt với việc chuyển vốn và know-how bí quyết cho các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ tiên tiến. Thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đã lập danh sách 912 công ty Trung Quốc mà người Mỹ bị cấm hợp tác. Cũng cần lưu ý rằng dưới thời Biden, trong danh sách này liệt kê hơn 300 pháp nhân, trong số đó có những công ty đóng vai trò then chốt trong ngành sản xuất vi mạch.
Đáp lại động thái này của Nhà Trắng, các nhà sản xuất điện tử Trung Quốc đang tìm kiếm giải pháp để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Họ đang di chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, Israel, Mexico. Và sản phẩm của các doanh nghiệp này không gắn nhãn hiệu "Made in China". Hiện nay, các cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ đang chăm chú "soi", kiểm tra sản phẩm được làm ra tại những quốc gia trên để xem có chứa công nghệ Mỹ hay không?
Ngay bây giờ, người Mỹ đã áp đặt mức thuế "chót vót trên trời" đối với các sản phẩm của công ty Trung Quốc Jinko Solar nhưng được sản xuất tại Malaysia và Việt Nam. Số phận tương tự cũng xảy ra với sản phẩm của công ty Trina Solar được làm tại nhà máy ở Thái Lan và Việt Nam. Hoạt động của doanh nghiệp TSL tại Việt Nam cũng đang bị đe dọa.
Nhân tiện cần nói thêm, bốn nước ở Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Campuchia đã xuất khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời sang Hoa Kỳ với tổng trị giá gần 10 tỷ USD trong năm 2023 vừa qua. Còn các nhà sản xuất pin mặt trời Trung Quốc thì đã mạnh tay đầu tư vào Đông Nam Á, nơi đảm bảo khoảng 10% nhu cầu pin mặt trời của toàn cầu trong năm 2023.
Dưới thời Trump-2, tình hình sẽ không khá hơn
“Chiến thuật tinh ranh” của các nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc - đi đường vòng Đông Nam Á để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ - có thể gặp phải những rào cản lớn hơn sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức", tờ South China Morning Post dự đoán.
Điềm báo "gở" này không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn tác động đến toàn bộ khu vực Đông Á. Bởi trước khi nhậm chức, Trump đã đe sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước lên 10%, còn từ Trung Quốc - lên 60%.
Các biện pháp mới do Tổng thống Biden đưa ra sẽ bắt đầu hiệu lực từ tháng 2 năm sau và có khả năng cao là Trump sẽ không hủy bỏ, mà thậm chí ngược lại có thể sẽ tăng cường. Những biện pháp này gây nhiều lo ngại ở Malaysia, nơi hồi tháng 5 năm nay Chính phủ của Anwar Ibrahim đã khởi động Chiến lược Quốc gia về sản xuất chất bán dẫn và muốn thu hút cho chương trình này tối thiểu 114 tỷ USD. Bây giờ rất khó nói trước là điều gì sẽ xảy ra, vì rằng các nhà đầu tư Mỹ có thể sẽ không hào hứng đến với khu vực này của nền kinh tế Malaysia.
Việt Nam cũng có thể trở thành nạn nhân của các chính sách kinh tế từ Nhà Trắng. Ngoài những hạn chế liên quan đến việc sản xuất sản phẩm của các công ty Trung Quốc, khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể sẽ áp dụng những biện pháp cưỡng chế để xóa bỏ thâm hụt thương mại với Việt Nam (chỉ số thâm hụt này lên tới 90 tỷ USD trong năm 2023 vừa qua).
Chính sách châu Á như vậy của Hoa Kỳ ngày càng gây ra nhiều sự khó chịu và phản đối ở các nước Đông Nam Á. Theo khảo sát của Viện Singapore ISEAS về năm 2024, đại đa số những người được hỏi ở Malaysia (75%), Indonesia (73%) và Brunei (70%) tỏ ra ưa thích Trung Quốc hơn là Hoa Kỳ. Rõ ràng là người Mỹ kiêu ngạo và tự mãn rất nên suy nghĩ kỹ trước khi tiếp tục chính sách trừng phạt và hạn chế.