Trong chương trình này chúng tôi sẽ nói về những sự kiện năm 1975 khi dân tộc Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngay trong ngày 2 tháng 1, một đoàn nghệ sĩ miền Nam Việt Nam đã đến Matxcơva – những buổi biểu diễn đã được tổ chức thành công ở nhiều thành phố của Liên Xô. Cùng tháng, một buổi lễ được tổ chức tại Hà Nội để trao tặng huân huy chương Việt Nam cho các chuyên gia Liên Xô đã giúp khôi phục các mỏ than Vàng Danh và Mông Dương. Và tại tỉnh Thái Bình, với sự tham gia của các chuyên gia Liên Xô, giếng khoan thăm dò đầu tiên đã cho phát hiện khí tự nhiên tại cấu tạo Tiền Hải. Trong quá trình cùng làm việc, các chuyên gia Liên Xô đã đào tạo hàng trăm chuyên gia Việt Nam, trong đó có những người sau này đã áp dụng các kỹ năng vào công việc trong liên doanh Vietsovpetro.
Vào tháng 2, các chuyên gia Liên Xô tham gia xây dựng công trình Thuỷ điện Thác Bà đã được trao tặng Huân chương Lao động. Khi đó, một đoàn các nhà làm phim Liên Xô đã đến thăm Việt Nam. Cuối tháng 2, tại Hà Nội, đã tiến hành phiên họp đầu tiên của tiểu ban hợp tác khoa học kỹ thuật do Ủy ban liên chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế và khoa học kỹ thuật giữa hai nước thành lập năm trước.
Tháng 3, tại Hà Nội, phái đoàn Komsomol Liên Xô đã trao một lô quà lớn của thanh niên Liên Xô cho đại diện thanh niên miền Nam Việt Nam.
Tất nhiên, đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng vẫn mang tính biểu tượng đặc biệt: ngày 30 tháng 4 năm 1945, những người lính Xô-viết đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc nhà nghị viện Berlin - tòa nhà chính của nước Đức phát-xít. Cũng vào ngày 30 tháng 4 nhưng là năm 1975, các chiến sĩ Việt Nam phất cao lá cờ đỏ chiến thắng trên dinh thự thủ phủ của chế độ Sài Gòn. Tin chiến thắng của Việt Nam được hân hoan chào đón khắp Liên Xô. Những thông tin chi tiết về đại thắng mùa xuân đã được đăng trên tất cả các tờ báo Liên Xô và được phát trên đài phát thanh và truyền hình. Các thủy thủ Liên Xô là những người đầu tiên đưa tàu của họ đến bờ biển miền Nam giải phóng hoàn toàn. Lực lượng Giải phóng vừa tiến đến gần Sài Gòn, và hai tàu Liên Xô đã vào cảng Đà Nẵng, như giám đốc cảng lúc đó đã nói, trở thành “những tàu nước ngoài đầu tiên chở hàng hóa hòa bình trong lịch sử hàng trăm năm của cảng”. Vào những ngày đầu tháng 5, các tàu Liên Xô đã cập bến cảng Sài Gòn, vận chuyển thực phẩm, thuốc men và những hàng hóa khác mà người dân thành phố và những người tị nạn trong đó cần nhất.
Ngày 9/5, tại Mátxcơva, phái đoàn Việt Nam do đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Quý Hải dẫn đầu đã tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm Chiến thắng phát xít Đức. Ba ngày sau, tại Mátxcơva, hai bên đã ký kết hiệp định về việc Liên Xô viện trợ thêm không hoàn lại cho Việt Nam trong việc bình thường hóa đời sống của người dân, khôi phục và phát triển sản xuất. Các chuyến hàng lớn gồm sản phẩm dầu mỏ, phân bón, thực phẩm, phương tiện vận tải và hàng tiêu dùng đã được gửi đến Việt Nam. Cuối tháng 5, lãnh đạo Liên Xô quyết định trao tặng Huân chương Hữu nghị các dân tộc cho Hội hữu nghị Việt - Nga nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập.
Vào tháng 6, một thỏa thuận đã được ký kết tại Hà Nội về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục đại học, trung học kỹ thuật và dạy nghề, y tế, xuất bản, phát thanh và truyền hình. Một tháng sau, phái đoàn kiến trúc sư Liên Xô đã đến thăm và làm việc tại Hà Nội.
Còn vào tháng 8, Matxcơva đã đón tiếp phái đoàn kinh tế Việt Nam do đồng chí Lê Thanh Nghị dẫn đầu. Tại các cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận về sự hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam trong năm tới và triển vọng hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước cho đến năm 1980. Vào ngày 29 tháng 8, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại Hà Nội, các chuyên gia Liên Xô đã bắt đầu thực hiện công trình này vào tháng 9 năm 1973. Như các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lưu ý, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt-Xô.
Tháng 9, đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu đã đến Mátxcơva. Hai bên đã ký kết các văn kiện về sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, Liên Xô cam kết hỗ trợ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Trong số những văn kiện được ký kết có thỏa thuận về việc Liên Xô cung cấp sự hỗ trợ trong việc thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí, sau này trở thành cơ sở cho việc thành lập liên doanh Vietsovpetro tại Vũng Tàu.
Tháng 10, Đồng chí Lê Duẩn đến Mátxcơva lần thứ hai. Lãnh đạo Việt Nam và Liên Xô đã ký Tuyên bố chung xác định những phương hướng hợp tác quan trọng nhất giữa hai nước trong 5 năm tới.
Tháng 11, Việt Nam đã đón tiếp đoàn đại biểu công đoàn Liên Xô và Hội Hữu nghị Xô-Việt. Cùng tháng, đồng chí Lê Thanh Nghị lại sang thăm và làm việc tại Mátxcơva.
Vào tháng 12, một gói văn kiện đã được ký kết tại Mátxcơva xác định khối lượng và phạm vi hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật của Liên Xô cho Việt Nam trong giai đoạn 1976-1980. Sau khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn, trong sự hợp tác Xô-Việt đã bắt đầu một giai đoạn mới. Và trong suốt gần 15 năm, cho đến khi sụp đổ vào năm 1991, Liên Xô đã tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam. Trong mỗi kế hoạch 5 năm sau chiến thắng, khối lượng viện trợ của Liên Xô cho nước Việt Nam thống nhất đều tăng gấp đôi.