Những kết quả ấn tượng, hy vọng táo bạo

Trong tuần thứ hai của năm mới 2025, nội dung chính trong bài tổng quan “Việt Nam trên báo chí nước ngoài” khác với đánh giá của những tháng cuối năm trước. Vào thời điểm đó, thông tin kinh tế đã nhường chỗ cho các bài phân tích về các vấn đề chính trị và xã hội.
Sputnik
Bài tổng quan hôm nay "Việt Nam trên báo chí nước ngoài" dành riêng cho nền kinh tế. Động lực thúc đẩy chúng tôi lựa chọn nội dung này là bài viết trên Vietnam Briefing về kết quả kinh tế năm 2024 của CHXHCN Việt Nam. Và đó là những kết quả ấn tượng.

“Mặc dù Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong năm 2024, chẳng hạn như những thách thức bên ngoài và tác động tiêu cực của cơn bão Yagi, nhưng hiệu quả kinh tế của Việt Nam đã chứng minh khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng ổn định. Triển vọng kinh tế của đất nước này đang rất tươi sáng, được hỗ trợ bởi những dự báo lạc quan từ các chuyên gia và tổ chức toàn cầu", ấn phẩm này viết.

Hà Nội đứng đầu Top xếp hạng khó chịu trên thế giới
GDP Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ấn tượng 7,09%. Với GDP bình quân đầu người tăng trưởng đều đặn và động lực thương mại mạnh mẽ, Việt Nam là một nhân tố nổi bật trong khu vực ASEAN.

Động lực tăng trưởng kinh tế

Các động lực tăng trưởng chính trong năm 2024 là khu vực dịch vụ tăng 7,38%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%. Quy mô GDP năm 2024 ước đạt 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 4.700 USD. Bão Yagi đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc và Thanh Hóa, đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động đến chuỗi sản xuất và cung ứng trên toàn quốc. Tổng thiệt hại ước tính gần 1,5 tỷ USD.
Thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025, tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
GDP Việt Nam cả năm 2024 ước tính tăng 7,09%
Năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ước tính đạt 145,37 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2023, cho thấy hoạt động sản xuất và kinh doanh đang phục hồi tích cực. Trong số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2024, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm hơn 26,7% tổng vốn đầu tư, tăng 31,4% so với năm 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai, tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%).
Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh, đến năm 2029, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên mức 676 tỷ USD, vượt Singapore. CEBR dự báo, trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại ở mức trung bình 5,8%. Giai đoạn 2030-2039, trung tâm nghiên cứu này dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ giảm xuống còn 5,6% mỗi năm. Đến năm 2039, các chuyên gia CEBR dự báo vị thế của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể, với thứ hạng tăng lên thứ 25. Riêng, trong khu vực Đông Nam Á, quy mô GDP của Việt Nam đến năm 2039 sẽ đạt 1.410 tỷ USD chỉ xếp sau Indonesia, Philippines và vượt Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đang tăng lên

Reuters đưa tin, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã vượt quá 110 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024 do Việt Nam đồng mất giá mạnh thúc đẩy xuất khẩu. Thâm hụt tăng gần 18% trong giai đoạn tháng 1-11 so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ tư trong số tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Chính phủ Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8%, nhưng đang chuẩn bị cho chính sách thuế quan mới có thể xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump, dự kiến ​​có nguy cơ sẽ gây rối loạn thị trường toàn cầu.
Mỹ mắc sai lầm lớn với đồng đô la. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam biến động

Tự lực làm đường sắt tốc độ cao

Tờ Asian News đưa tin về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố, với thời gian chạy từ Hà Nội đến TP HCM là 5 tiếng rưỡi. Việt Nam tuyên bố rằng, với tinh thần tự lực, tự cường và tự chủ, không phụ thuộc vốn vay nước ngoài, đất nước này sẽ đầu tư dự án trị giá 67 tỷ USD sẽ hoàn thành vào năm 2035. Thay vào đó, Việt Nam sẽ sử dụng ngân sách chính phủ, các khoản vay lãi suất thấp và trái phiếu chính phủ. Hà Nội từ bỏ chính sách phòng ngừa rủi ro - tính toán rủi ro và lợi ích khi chấp nhận đầu tư từ các cường quốc lớn hơn. Hà Nội sẽ tiếp tục tự bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và các bẫy nợ tiềm tàng, mở đường cho tinh thần tự lực, tự cường và tự chủ. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phía Nhật tiếp tục hỗ trợ tài chính, thúc đẩy ODA thế hệ mới dành cho Việt Nam phù hợp tình hình hiện nay với lãi suất ưu đãi, cơ chế đơn giản, thủ tục linh hoạt, triển khai nhanh để thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược mang tính thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điện hạt nhân, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Việt Nam ‘chốt’ siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam hơn 67 tỷ USD

Xin chúc mừng các nhà vô địch!

Khép lại mục điểm báo, chúng tôi không thể không chuyển hướng khỏi chủ đề kinh tế và lưu ý đến các bài viết trên các ấn phẩm thể thao ở nhiều quốc gia về chiến thắng rực rỡ của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã chính thức giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024. Chúng tôi xin chúc mừng các nhà vô địch và tin tưởng vào những chiến thắng mới của Việt Nam trên các sân thể thao!
Thảo luận