Trong hai thập kỷ đầu tiên sau khi đưa vào vận hành, cơ sở này là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam giúp miền Bắc khắc phục tình trạng thiếu điện và vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của CHXHCN Việt Nam.
Thủy điện Thác Bà và Hòa Bình
Nói về nhà máy thủy điện Hòa Bình cung cấp thêm mười tỷ kilowatt-giờ điện mỗi năm, chúng tôi không thể không nhắc đến người tiền nhiệm của nó, một trong những đối tượng hợp tác đầu tiên giữa Liên Xô và CHXHCN Việt Nam - nhà máy thủy điện Thác Bà trên dòng Sông Chảy. Xét về công suất của Nhà máy là 108 MW thì cơ sở này kém hơn đáng kể so với nhà máy Hòa Bình, nhưng ý nghĩa của nó vào những năm 70 của thế kỷ XX thì khá lớn. Vào đầu thập kỷ đó, công suất lắp đặt của hệ thống điện CHXHCN Việt Nam chỉ đạt 120 nghìn kilowatt, trong đó chỉ có 30 nghìn kilowatt đang hoạt động. Việc đưa vào vận hành chỉ một trong ba tổ máy của thủy điện Thác Bà đã bổ sung thêm 36 nghìn kilowatt vào lưới điện quốc gia.
Quá trình xây dựng nhà máy thủy điện này do Viện thiết kế thủy công "Hydroproject" của Liên Xô phát triển được thực hiện trong thời điểm khó khăn nhất đối với CHXHCN Việt Nam. Công tác chuẩn bị được tiến hành vào năm 1962-1964 và các công trình chính bắt đầu được xây dựng vào tháng 8 năm 1964. Vào tháng 7 năm 1966, máy bay Mỹ đã ném bom trên toàn bộ công trình đang thi công.
Ký ức của một nhân chứng Liên Xô
Các chuyên gia Liên Xô đã giúp công nhân xây dựng và kỹ sư điện Việt Nam khôi phục lại những gì đã bị phá hủy, - trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Boris Melnik sau này là cố vấn kinh tế và đặc phái viên của đại sứ quán Liên Xô và sau đó Liên bang Nga tại Hà Nội, kể với tôi. - Hơn hai trăm nhà máy Liên Xô đã sản xuất và cung cấp thiết bị cho nhà máy thủy điện Thác Bà: máy phát điện và tua bin, máy biến áp và máy nén. Vào tháng 2 năm 1970, đập thủy điện Thác Bà làm nghẽn dòng sông Chảy và nước chảy vào một kênh nhân tạo mới. Vào ngày 5 tháng 10 năm 1971 đã tiến hành lễ khánh thành và khởi động tổ máy số 1 của Nhà máy và nó bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia. Ngày 10/3/1972 - khởi động chạy tổ máy số 2. Ngày 19/5/1972 - khởi động tổ máy số 3. Thật đáng tiếc, chúng không thể hoạt động trong thời gian dài: ngay trong tháng 6, Mỹ ném bom phá huỷ Nhà máy bằng khoảng 2.000 quả bom nổ chậm. Các tổ máy này chỉ có thể hoạt động bình thường trong điều kiện hòa bình sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Vào tháng 4 năm 1975, sau Hiệp định Paris, với sự giúp đỡ của Liên Xô, các lực lượng thi công tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện tiếp các công việc xây lắp, để hoàn thành vịêc xây dựng công trình Thuỷ điện Thác Bà. Toàn bộ Nhà máy được xây dựng lại hoàn chỉnh theo đúng thiết kế. Cả ba tổ máy đều cung cấp điện cho đất nước và công suất của chúng đã được các chuyên gia từ Viện "Hydroproject" tăng lên, nhờ đó công suất của nhà máy đã nâng cấp lên 120 MW. Nhân dịp này chính quyền địa phương đã chuẩn bị tổ chức buổi lễ trọng thể, nhưng Hà Nội cảnh báo rằng họ cần chuẩn bị cho một ngày lễ khác. Và ngày 30 tháng 4 đã đến, khi cả các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô đều chào mừng chiến thắng vĩ đại - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vào cuối tháng 8 năm 1975, khi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại Hà Nội, mọi người cũng đều vui mừng đón tin này. Rốt cuộc, theo chỉ dẫn của Tổng Bí thư Đỗ Mười, người đã đến thăm Thác Bà trước đó, những người xây dựng nhà máy chỉ trong ba tháng đã cung cấp 18 nghìn mét khối dăm đá granite để xây dựng Lăng Hồ Chí Minh.
19 Tháng Mười Hai 2024, 06:14
Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam
Trong chuyến thăm công trường xây dựng, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã giao nhiệm vụ cho Trường dạy nghề Thủy điện Thác Bà: hàng năm đào tạo một nghìn chuyên gia cho các công trường xây dựng của đất nước: công nhân gia cố, thợ xây, người vận hành máy ủi, thợ ống nước, lái xe và công nhân làm đường. Trước hết, các chuyên gia này sẽ được đưa vào công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Theo quyết định của đồng chí Phạm Văn Đồng, một Ủy ban xây dựng nhà máy thủy điện này đã được thành lập. Mười hai chuyên gia cao cấp của Thủy điện Thác Bà đã được phân công đến địa điểm mới, tại đó họ tiếp tục làm việc cùng với hàng trăm công nhân và kỹ sư Việt Nam đã thu lượm những kinh nghiệm phong phú tại công trường xây dựng Thủy điện Thác Bà. Vào tháng 11 năm 1979, công trình Thủy điện trên sông Đà - nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và toàn Đông Nam Á - được khởi công xây dựng. Những câu thơ của ông Lê Đức Thọ thực sự mang tính tiên tri: tiếng nước bắn tung tóe của sông Chảy ở thủy điện Thác Bà sẽ mở đầu cho tiếng ồn ào dữ dội của sông Đà trong các tua bin của Thủy điện Hòa Bình.
Theo ông Đại Ngọc Giang, người đã làm việc tại nhà máy thủy điện này trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả chức vụ giám đốc: “Thác Bà sẽ mãi mãi là “chiếc nôi” của ngành thủy điện Việt Nam. Rốt cuộc, đội ngũ giám sát ca và cán bộ chủ chốt của nhà máy thủy điện Hòa Bình đều được đào tạo tại Thác Bà. Kiến thức chuyên môn của tất cả các nhà lãnh đạo hiện nay của các nhà máy thủy điện lớn ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam chính là kinh nghiệm của Thác Bà”.
Thủy điện Thác Bà không chỉ bắt đầu giải quyết vấn đề năng lượng của miền Bắc Việt Nam mà còn thay đổi địa lý nơi đây. Hồ Thác Bà với diện tích vùng hồ rộng 23.400 ha được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1971 làm nghẽn dòng sông Chảy, ở đây có hơn 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ và được ví như Vịnh Hạ Long trên núi. Nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia.