Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được bổ sung quyền tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài biên giới. Tokyo sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ và đồng minh trong trường hợp các xung đột vũ trang ở khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên sự tăng cường hiện diện quân sự của Tokyo tại châu Á-Thái Bình Dương dựa trên những thỏa thuận này, đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên, lại trở thành điều làm Seoul lo ngại, — ông An Son Gyu tổng biên tập Viện Nghiên cứu Chính trị Asans cho biết.
"Những thỏa thuận này cho phép Nhật Bản trở thành một quốc gia có tiềm lực quân sự lớn nhờ sự mở rộng đáng kể khắp thế giới. Đồng thời bao gồm cả việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản là quốc gia hùng mạnh về kinh tế, nhưng sự thay đổi tiềm lực quân sự của nước này đe dọa tác động tới cân bằng lực lượng trên bán đảo Triều Tiên. Seoul băn khoăn trước thực tế các lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể được bố trí trên bán đảo. Ngay cả trong Chiến tranh Triều Tiên, cả hai miền Bắc và Nam đều khước từ sự hiện diện của quân nhân Nhật. Do Hoa Kỳ đòi hỏi, Nhật Bản đã phải bí mật cử 20 tàu chiến tham gia bảo vệ bán đảo Triều Tiên. Sau này mới có qui định cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia các hoạt động của lực lượng Liên Hiệp Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc có một lịch sử chung không đơn giản, bị hoen ố bởi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Điều này tiếp tục là nguyên nhân cho nỗi đau của người Hàn Quốc mỗi khi Nhật Bản gia tăng vai trò quân sự trong khu vực."
Seoul thất vọng với phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Abe trước Quốc hội Mỹ khi vị này thăm Washington. Ông Abe đã bày tỏ sám hối về những hành động của Nhật Bản trong Thế chiến II. Tuy nhiên, dư luận chờ đợi từ Thủ tướng Nhật lời xin lỗi cho tất cả những tội ác mà quân đội Nhật hoàng đã gây nên. Đặc biệt, đối với cái gọi là "những phụ nữ tiện nghi" bị cưỡng ép phục vụ binh lính Nhật trong các nhà thổ tiền tuyến. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, lần này Thủ tướng Nhật Bản đã không tận dụng cơ hội để đưa ra sự đánh giá lịch sử đúng đắn, đó là điều đáng tiếc bởi có thể trở thành bước ngoặt trong quan hệ giữa Seoul và Tokyo.
Ông An Son Gyu tiếp tục nêu ý kiến: "Một vấn đề mà Seoul chắc chắn luôn quan tâm. Mặc dù có ai đó đã nói rằng, người Hàn Quốc quá nhạy cảm với những gì thuộc về quá khứ, thậm chí gọi đấy là sự cố chấp. Nhưng Hàn Quốc tiếp tục tỏ thái độ bức xúc bởi trong bài phát biểu của mình Thủ tướng Abe đã cho phép bóp méo lịch sử. Trong khi đấy, một vấn đề quan trọng như "những phụ nữ tiện nghi" lại không được ông ta đề cập. Đối với chúng tôi, có bốn từ ngữ quan trọng nhất để đánh giá quá khứ quân phiệt Nhật Bản — thực dân, xâm lược, sự cảm thương sâu sắc và sám hối. Seoul đã không nhận thấy sự sám hối trong phát biểu của ông Abe. Trái lại, từ phía Nhật Bản nhiều lần vang lên ý tưởng Hàn Quốc nhờ Nhật Bản mới có sự phát triển kinh tế như ngày nay. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận."
Theo dự kiến, đồng minh quân sự Hoa Kỳ-Nhật Bản cũng như liên minh Hàn Quốc-Mỹ sẽ đáp ứng lợi ích của mỗi bên về đảm bảo an ninh khu vực. Tuy nhiên, việc trao cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản quyền tham gia các cuộc xung đột quốc tế khơi gợi mối quan ngại ở một loạt quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nơi dư luận vẫn cho rằng quyết định có khả năng "đẩy Nhật Bản quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt của quá khứ."