Theo truyền thông Nhật Bản đưa tin, trong một cuộc gặp gỡ nhà hàng thân mật với các nhà báo Nhật Bản hồi tháng Sáu vừa qua, bên ly rượu vang đỏ ông Abe đã bật mí rằng sắc luật quốc phòng mới chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống Trung Quốc. Các nhân viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản không tin việc Thủ tướng có thể nói như vậy. Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận bỏ qua sự xuất hiện điều này trên phương tiện truyền thông Nhật Bản. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng, chính phủ Trung Quốc nắm tình hình các bài báo và Nhật Bản phải có lời giải thích nếu đó là sự thật.
Không chờ đợi sự giải thích, Giáo sư Chu Vân Thâm Viện Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phê phán ông Abe.
"Đối với tôi, những hành động như vậy của ông Abe — một chính khách lạnh máu, chính là sự tiếp nối những suy nghĩ máu lạnh. Ông ta hay làm bộ làm tịch với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đặc biệt dưới góc độ chính sách an ninh. Những hành động này phá hoại các xu hướng hòa bình và phát triển, tác động rất xấu đến sự ổn định của khu vực Đông Á. Lời bộc lộ của ông Abe về sắc luật quyền tự vệ tập thể — không khác gì điều trong đầu người tỉnh táo, nhưng trên môi kẻ say khướt. Những suy nghĩ thực chất đã được thổ lộ trong một nhóm rất hạn hẹp. Từ đây, chúng ta thấy rằng, những mâu thuẫn của Nhật Bản với các nước láng giềng vài năm qua thực tế là tư tưởng ti tiện của ông Abe. Ông ta cũng không bỏ qua Hàn Quốc: thông tin trên một tạp chí cho thấy điều này. Nhưng ông Abe vẫn ra sức khoe khoang các mối quan hệ thân thiện với Seoul. Theo ông, vấn đề "phụ nữ mua vui" — có thể được giải quyết dễ dàng bằng 300 triệu yên. Theo tôi, những tuyên bố kiểu như vậy ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc. Vị lãnh đạo này một mặt vờ vĩnh muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, mặt khác ông lại thể hiện sự khinh miệt. Vì vậy, không thể góp phần cải thiện cho quan hệ giữa hai nước."
Giám đốc Trung tâm Các vấn đề quân sự — chính trị MGIMO, ông Alexey Podbyerozkin không lấy làm ngạc nhiên trước phát ngôn được cho là thuộc về Thủ tướng Abe, đồng thời theo ông bất kể điều đó có thực hay không thì sự đối đầu của khối quân sự chính trị Nhật — Mỹ với Trung Quốc sẽ chỉ càng ngày thêm gay gắt.
"Theo quan điểm của tôi, ông Abe không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên trong nền chính trị Nhật Bản, quốc gia sau khi trở thành cường quốc kinh tế, làm sống lại các tình cảm dân tộc chủ nghĩa hay giả dân tộc chủ nghĩa, sẽ phát triển quân đội như một thế lực quân sự độc lập trên thế giới. Theo quán tính, chúng ta nói tới các lực lượng tự vệ, nhưng thực tế đã không còn lực lượng tự vệ, đây là quân đội Nhật Bản hùng mạnh sẵn sàng giải quyết mọi nhiệm vụ đặt ra trước đất nước, trong đó có nhiệm vụ tấn công."
"Nhật Bản và Hoa Kỳ nhận thức rõ rằng hợp tác quân sự chiến lược song phương ngày càng có ý nghĩa quan trọng trước sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Họ muốn duy trì và nắm quyền kiểm soát hệ thống tài chính kinh tế, quân sự chính trị hiện tại, còn Trung Quốc cố gắng thay đổi tình thế. Việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á không những là dự án hạ tầng lớn ở châu lục mà còn là thách thức chính trị đối với G-7, một cơ chế trong những năm gần đây vốn ra sức giành giật các chức năng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc."
"Nhật Bản sẽ cùng với Hoa Kỳ bảo vệ các giá trị phương Tây, sự hội nhập của họ ngày càng tăng, đặc biệt trong chiến lược quân sự. Nói cách khác, tại khu vực này ở Thái Bình Dương đang hình thành một liên minh tấn công, với hạt nhân trước hết là Mỹ và Nhật Bản. Đương nhiên, mục tiêu chính của liên minh sẽ là Trung Quốc. Cách đây một năm, ông Abe bắt đầu nói rằng, quân đội Nhật Bản có thể tham gia một số hoạt động liên minh bảo vệ không chỉ lãnh thổ của mình. Gọi đích danh sự việc — Nhật Bản có khả năng tham gia các can thiệp vũ trang bên ngoài biên giới. Chẳng phải đợi lâu, quân đội Nhật Bản sắp có các cơ sở pháp lý để hành động. Điều đáng tiếc, đó là tương lai mà bộ phận quan trọng dư luận và giới cầm quyền Nhật Bản đã chấp nhận."
"Tất nhiên, người Trung Quốc không muốn cố ý kích thích các gia tăng căng thẳng, nhưng họ sẽ làm tất cả những gì được coi là cần thiết mà không cần phải làm rùm beng. Người Nhật và người Mỹ hiểu rõ điều đó và bắt đầu chuẩn bị lực lượng để kẻ "vạch đỏ" mà họ sẽ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự. Tình hình sẽ chỉ càng căng thẳng. Tất nhiên, mối quan tâm rất lớn trong thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ nỗ lực kìm hãm căng thẳng. Hai thế lực, Phương Tây với đại diện là Mỹ, Nhật Bản và bên kia là Trung Quốc sẽ tìm kiếm thỏa hiệp. Nhưng đó sẽ là sự thỏa hiệp vũ lực. Liệu sự đối đầu này có dẫn đến việc sử dụng vũ khí?"