Tuy nhiên, cuộc chiến tranh công nghệ cao được tiến hành bởi các hệ thống tên lửa phòng không, ban đầu do các khẩu đội Liên Xô và sau đó là Việt Nam điều khiển dưới sự giám sát của chuyên gia Liên Xô, chỉ là một phần trong cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Ngoài lực lượng bộ đội chủ lực, cuộc chiến toàn dân đã thu hút tất cả các thế hệ và tầng lớp tham gia hàng ngũ lực lượng tự vệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đáng tiếc là một số nguyên tắc của hai cuộc chiến này lại từng mâu thuẫn lẫn nhau.
Các chuyên gia Liên Xô thực hiện việc thống kê chặt chẽ và thường xuyên con số máy bay đối phương bị các tiểu đoàn tên lửa phòng không bắn hạ. Họ chắc chẵn rằng có một tuần đã bắn rơi mười hai chiếc máy bay. Đột nhiên, tại cuộc họp bộ chỉ huy chung Việt-Xô, đại diện phía Việt Nam đọc thông báo tổng kết cho biết:
"Các chiến sĩ tên lửa đã chiến đấu tốt, bắn hạ hai máy bay Mỹ bằng hai mươi tên lửa. Tuy nhiên, thành công thực sự xuất sắc đạt được là các đơn vị tự vệ nữ đã bắn rơi mười máy bay bằng hai mươi viên đạn từ các khẩu súng carabin."
Các tướng lĩnh Xô viết thực sự ngỡ ngàng. Một vị không thể kiềm chế đã hỏi vặn: "Vậy thì việc gì hàng tháng phải gửi các đoàn tàu tên lửa từ Liên Xô cho các đồng chí? Hay chúng tôi sẽ chuyển đến Việt Nam một toa tàu đạn dược — thừa đủ để các đồng chí bắn hạ toàn bộ không lực Mỹ!"
Cán bộ tham mưu Việt Nam vờ như không hiểu lời dịch. Nhưng sau cuộc họp, ông tìm gặp đồng chí Liên Xô và giải thích: "Đồng chí có thể chưa hiểu rằng cuộc chiến của chúng tôi là cuộc chiến toàn dân. Chúng tôi cần những ví dụ như vậy để nâng cao nhiệt huyết mọi tầng lớp nhân dân. Đó là sự tinh tế của đường lối chính trị".
Những hiểu lầm như vậy chỉ là chuyện nhỏ so với những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều, phản ánh không chỉ nguyên tắc trong chính sách đối nội mà cả đối ngoại của VNDCCH.
Như đã được đề cập, các chiến sĩ bộ đội Việt Nam bảo vệ vô cùng chu đáo chuyên gia Liên Xô, không hiếm khi họ phải trả giá bằng tính mạng của mình. Nhưng đồng thời phía Việt Nam không hoàn toàn tin cậy chuyên gia bạn.
Các nhân viên quân sự Liên Xô chưa hề lần lần nào được phép tiếp xúc với tù binh phi công Mỹ, đối tượng mà họ hy vọng sẽ khai thác thông tin về thiết bị điện tử máy bay, về hệ thống gây nhiễu radar tạo nhiều khó khăn cho lực lượng phòng không của Việt Nam và các hệ thống tên lửa phòng không Liên Xô.
Hầu như trong mọi trường hợp, chuyên gia Liên Xô cũng không thể tiếp cận máy bay Mỹ bị rơi, dù là do chính họ bắn. Tất nhiên, trong gia đình nhiều người Nga cho tới giờ vẫn còn lưu giữ những chiếc nhẫn, lược chải đầu và dao cắt giấy được làm từ vỏ máy bay Mỹ. Đó là kỷ vật chuyến công tác Việt Nam, là món quà từ các đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm Nga. Nhưng việc để chuyên gia Liên Xô tiếp xúc với thiết bị kỹ thuật, trang bị vũ khí trên máy bay Mỹ lại là điều vô cùng khó.
Như ai cũng biết, lực lượng phòng không Việt Nam được đào tạo và chiến đấu với sự tham gia tích cực nhất của phía Liên Xô. Tuy vậy, mỗi khi các nhóm lãnh đạo chuyên gia quân sự Liên Xô đề nghị Hà Nội cho phép tiếp cận với Trạm chỉ huy phòng không trung ương của nước cộng hòa, họ đều chỉ nhận được lời từ chối nhã nhặn nhưng cương quyết, dưới mọi lý do khác nhau.
Chỉ một lần duy nhất yêu cầu này được chấp thuận — đó là khi Nguyên soái Batitsky, Tổng tư lệnh Binh chủng Phòng không Liên xô đến Hà Nội. Mặc dù chuyến thăm Trạm chỉ huy của ông rất ngắn và hầu như chỉ mang tính biểu tượng.
Thế mà không rõ vì vô tình hay cố ý, vẫn có trục trặc. Chiến sĩ gác cổng người Việt chắn đường Nguyên soái Liên Xô không cho ông vào vì chưa nhận được lệnh. Người lính chỉ tránh sang bên khi Nguyên soái nhường Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước lên trước.
Cho tới tận bây giờ, các chuyên gia quân sự Liên Xô vẫn thắc mắc về sự tin tưởng không hoàn toàn từ phía Việt Nam. Tất nhiên, điều này không khỏi tác động đến trạng thái tâm lý của các chuyên gia quân sự Xô viết, ngày đêm cùng các đồng nghiệp Việt Nam mạo hiểm tính mạng vì chiến thắng của những người Việt Nam yêu nước. Chuyên gia Liên Xô tiếp tục thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự và quốc tế, hỗ trợ tất cả những gì cần thiết cho chiến thắng của các lực lượng yêu nước Việt Nam.
Các thuỷ thủ Liên Xô cũng đóng góp sự giúp đỡ không nhỏ vào Cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập điều này trong cuộc mạn đàm tiếp theo.