Từ giữa thế kỷ thứ 19, đội tàu chiến của Đế chế Nga đi từ các cảng Baltic và Biển Đen, đến Vladivostok ở Thái Bình Dương, thường cập cảng nạp nhiên liệu và thực phẩm tại Việt Nam. Các tàu này phần lớn cập cảng lớn nhất khi đó là cảng Sài Gòn. Tại cảng Hải Phòng, lần đầu tiên tàu tuần dương "Zabiyaka" của Nga đã cập cảng vào tháng 1 năm 1894.
Tại Hà Nội, đoàn được long trọng đón tiếp ngày 30 tháng 1 — đó là ngày mà 56 năm sau đó, hai nước chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Theo "Tập tin Bắc Bộ" năm 1894, tòa Thống đốc Hà Nội đã long trọng tổ chức một cuộc đón tiếp đoàn thủy thủ Nga. Tại buổi tiếp đón, Tiến sĩ Hà Nội Lê Lan đã đọc bài thơ in trong tập "Bông hồng đen" xuất bản ở St. Petersburg. Tập thơ này có thể do du khách Nga đến thăm Việt Nam mang sang Hà Nội. Nhưng các bài thơ tập này viết bằng tiếng Nga. Như vậy, Tiến sĩ Lê Lan ít nhiều có biết tiếng Nga? Phải chăng, qua bài viết đăng trong "Tập tin Bắc Bộ", chúng ta đã phát hiện chuyên gia Việt Nam đầu tiên về tiếng Nga và văn học Nga? Và ngày 2 tháng 2, để vinh danh các thủy thủ tàu "Zabiyaka", Hà Nội đã tổ chức một cuộc vũ hội. Trên các đường phố người ta biểu diễn điệu múa Nga. Nhiều người trong số diễn viên thậm chí đã cố gắng ăn mặc theo "mốt Nga." Và thêm một chi tiết của chuyến thăm này. Chiếc đàn piano trong cabin tàu tuần dương Nga đã được vận chuyển đến Nhà hát Lớn Hà Nội. Và 90 năm sau, tác giả những dòng này đã thấy chiếc đàn đó. Không biết đến nay chiếc đàn có còn nguyên vẹn ở Nhà Hát Lớn hay không?
Và thêm một chi tiết thú vị thứ hai về chuyến thăm Việt Nam của đội tàu Nga. Đó có thể là tàu quân sự hoặc tàu hành khách, nhưng không phải là tàu thương mại. Tại thời điểm đó, quan hệ thương mại giữa hai nước chúng ta chưa được thiết lập. Mặc dù dự án đã được vạch ra. Trở lại những năm đầu thế kỷ 18, dưới triều đại Petr Đại đế, một trong những cộng sự của ông đã đề xuất phái một đoàn thám hiểm Nga đi Viễn Đông, đến Ấn Độ và ghé vào Việt Nam. Cuối thế kỷ thứ 18, Nga đã thành lập công ty cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho các làng Nga định cư ở ở Alaska và California thuộc Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Nga khi đó đã đưa ra đề xuất mua các sản phẩm đó tại Việt Nam. Nhưng dự án này đã không được thực hiện.
Đại sứ Nga tại Bắc Kinh khi đó báo cáo rằng có ba vị quan lại Việt Nam đã than phiền với ông về các loại sưu thuế nặng nề mà chính phủ Pháp áp dụng đối với Việt Nam. Việt Nam không thể chịu được loại thuế cao như vậy, nhân dân bất mãn và ngày càng căm ghét sự bảo hộ của Pháp. Trong tình huống này, theo các vị quan lại, vua Việt Nam và các cố vấn của ông quyết định nhờ Nga hoàng giúp đỡ. Họ đề nghị Nga bảo trợ cho Việt Nam. Các vị quan lại Việt Nam xin nhà ngoại giao Nga cấp cho họ giấy tờ để đến Nga gặp Nga Hoàng trình bày nguyện vọng của mình. Nhưng đại sứ Nga đã bác bỏ đề xuất đó. Đồng thời ông cũng nêu lý do là Nga không có bất kỳ lợi ích chính trị nào tại Việt Nam.
Xin nhắc lại rằng chuyện này đã xảy ra 120 năm trước. Và 30 năm sau đó, lợi ích chính trị tại Việt Nam của Nga đã xuất hiện: các nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên bắt đầu đến học tập tại Moskva. Ngày nay, chúng ta đều biết quan hệ giữa Nga và Việt Nam, hiện nay là đối tác chiến lược, đã phát triển như thế nào.
Nhưng dù sao đi nữa chúng ta cũng vẫn tự hỏi: mối quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ phát triển như thế nào, nếu các vị quan lại Việt Nam đã sang gặp Nga Hoàng từ cái năm 1892 ấy?
Tuy nhiên, đó là điều thuộc lĩnh vực tưởng tượng. Còn loạt bài "Nhìn lại ngày hôm qua" của chúng tôi chỉ nói về các sự kiện thực tế từng xảy ra trong lịch sử.