Thí dụ, chuyến bay vào vũ trụ của phi hành gia Phạm Tuân đã được dự đoán qua câu chuyện thần thoại Việt Nam về Thánh Gióng. Tiên tri còn là những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tương lai thống nhất đất nước Việt Nam, cũng như lời tuyên bố của Võ Thị Thắng năm 1968 rằng chế độ Sài Gòn sẽ không tồn tại nổi 20 năm.
Còn ngay trong những năm cuối thế kỷ 19, một nhà báo Nga khuyết danh đã dự đoán tương lai phát triển dịch vụ đường sắt ở Nga và ở Việt Nam, cũng như những vấn đề mà người Việt tại Nga sẽ phải đối mặt.
Những dự đoán này chứa đựng trong tập ghi chép "Thư gửi từ mặt trận Bắc bộ", phát hành ở Matxcơva trên tờ tạp chí "Budilnik" (Đồng hồ báo thức). Đó là vào năm 1884, chính vào năm mà ngai vàng hoàng đế xứ Việt truyền từ vua Kiến Phúc cho vua Hàm Nghi.
Nhân vật trong bài tản văn đã đi từ Matxcơva đến Huế bằng… đường sắt. Xin đừng quên rằng ta đang nói về năm 1884. Đường sắt Xuyên Siberia kết nối Matxcơva với chính các thành phố của Nga ở Đông Siberia và Viễn Đông cũng phải 7 năm sau mốc đó mới được bắt đầu xây dựng. Đường sắt giữa Hà Nội và Lào Cai khánh thành năm 1906, còn giao thông đường dài Bắc-Nam cũng chỉ có vào năm 1936. Đi tàu hỏa liên vận từ Matxcơva đến Hà Nội, với trạm trung chuyển ở Bắc Kinh, chỉ thành hiện thực trong nửa sau những năm 50 của thế kỷ trước. Vì vậy, năm 1884, không một ai có thể mơ đến khả năng thực hiện chuyến đi tàu từ kinh thành Matxcơva đến kinh đô Huế. Không một ai, ngoại trừ tác giả của bài tản văn trên tạp chí Matxcơva.
Và còn thêm thí dụ khác. Tác giả viết rằng trong số các hành khách của chuyến tàu kỳ bí này có cả những người Việt, bị trục xuất về quê hương vì lỗi sinh sống ở Nga mà không có hộ chiếu. Và đó là vào năm 1884! Xin nói rõ: thời đó ở nước Nga không hề có một người Việt nào! Những người Việt đầu tiên xuất hiện ở Nga chỉ vào 40 năm sau đó, khi đến Liên Xô để học tập trong hệ thống các trường của Quốc tế cộng sản. Còn việc trục xuất khỏi Nga những người Việt sống ở đất nước bạch dương mà không có hộ chiếu — chỉ là thực tế trong 25 năm gần đây.
Tác giả khuyết danh không chỉ dự đoán về tương lai. Đọc bài viết của tác giả này trong ngày hôm nay, ta cảm thấy như đang lui về khung cảnh nửa sau thế kỷ 19. Có ấn tượng rằng dường như tác giả đã từng trải qua một thời gian dài ở Việt Nam, là chứng nhân của tất cả những sự kiện gắn với cuộc chinh phạt của Pháp biến đất nước này thành thuộc địa. Tác giả phác ra những bức biếm họa xấu xa độc ác của nhiều quan chức chính trị và quân sự thời đó. Thí dụ, người tổ chức bành trướng thuộc địa của Pháp ở Việt Nam Jules Ferry, Đô đốc Courbet chỉ huy các chiến dịch quân sự ở Bắc Kỳ, Tướng Milhaud Tư lệnh quân đoàn viễn chinh… Với nỗi đau và sự bất bình tác giả mô tả sự thiệt hại và tàn phá mà cuộc xâm lược của thực dân Pháp gây ra ở Việt Nam. Đồng thời, trong bài viết dành những cảm tình thân thiện nhất cho người dân Việt Nam. "Người Việt rất vui vẻ, lịch sự và tinh tế", — tác giả nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tác giả không xác nhận về sự hiện diện thực tế của mình tại Việt Nam. Hơn nữa — trong những năm đó, theo tài liệu lưu trữ, chưa hề có bất cứ người Nga nào từng sống thời gian dài ở Việt Nam. Do đó — những kiến thức về tình hình Việt Nam chỉ có thể là được tác giả tập hợp từ mục tin tức của những tờ báo xuất bản ở Nga mà như ta thấy, phản ánh khá khách quan về những gì diễn ra ở Việt Nam.
Vậy thì ai là tác giả của loạt bài luận trên tạp chí "Đồng hồ báo thức"? Không cần bàn cãi nữa, đó là một người Nga, bởi tạp chí này có lệ không đăng bài của tác giả người nước ngoài. Có giả thiết rằng đó là đại văn hào Nga Anton Chekhov. Năm 1884, ông 24 tuổi, còn chưa nổi danh trong công chúng rộng rãi. Và chính vào thời gian đó Anton Chekhov cộng tác với tạp chí "Đồng hồ báo thức". Nhưng điều này là cũng chỉ là phỏng đoán. Hy vọng rằng qua thời gian chúng ta sẽ biết được ai trong số người Nga đã không chỉ mô tả chính xác thực tế Việt Nam vào năm 1884 mà còn đưa ra nhiều dự đoán thú vị về tương lai.