Đây chỉ là một số chủ đề liên quan đến Việt Nam trong các phương tiện truyền thông quốc tế trong những ngày gần đây. Sau đây là chuyên mục hàng tuần "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Hãng phân tích của Mỹ — Stratfor - đăng tải hai bài về mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, cũng như về vị trí của Việt Nam trên bản đồ chính trị và kinh tế châu Á. Các nhà phân tích ghi nhận rằng, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp kỹ thuật điện, đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính bởi vậy Việt Nam phải tìm kiếm những liên minh và đối tác mới có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nước láng giềng phía Bắc. Trong khi đó, để đáp ứng với các tiêu chuẩn của một số đối tác, ví dụ như EU, các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thực hiện những cuộc cải cách tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nhà nước đang làm việc kém hiệu quả. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam sẵn sàng thực hiện cuộc cải cách như vậy. Bài báo trên trang Stratfor nói chi tiết về các công việc xây dựng cải tạo đảo mà Việt Nam đang thực hiện ở Trường Sa, và rút ra kết luận rằng: "Trong khi các nước khác tham gia tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bắt đầu phần nào chấp nhận lập trường Trung Quốc, Hà Nội sẽ đơn độc đối chọi với Bắc Kinh. Đất nước này sẽ tiếp tục ngấm ngầm tăng cường năng lực quốc phòng và các liên minh thậm chí nếu có nguy cơ bị láng giềng phương Bắc đối xử cứng rắn".
Tác giả bài báo trên tạp chí có uy tín Forbes cho rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản tại Việt Nam chứng tỏ về sự thành công kinh tế. Thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai trong danh sách các thị trường BĐS đáng đầu tư nhất châu Á. Điều này là bởi vì các nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam do chi phí nhân công tăng mạnh. Các nhà máy mới đòi hỏi công nhân mới, nhiều người đến thành phố từ vùng nông thôn, kết quả là nhu cầu về nhà ở đô thị ngày càng tăng. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP Việt Nam đã giảm từ 25% trong năm 2000 xuống còn 18% trong năm 2014, trong khi tỷ trọng công nghiệp đã tăng từ 36% đến 38%, tạp chí Forbes viết. Tờ Nikkei Asian Review (NAR) của Nhật Bản cũng viết về việc nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho các nhà bán lẻ ở Nhật Bản đang chuyển sang Việt Nam từ Trung Quốc.
Vào tuần này trên báo chí nước ngoài lại vang tiếng vọng từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố thông tin về triển lãm nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến tranh Việt Nam. Cựu chiến binh của cuộc chiến tranh này, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã khai mạc cuộc triển lãm. Và tờ International Business Times viết về kết quả cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với lính Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tờ The Guardian đăng tải bài viết về hoạt động kinh doanh "nô lệ hiện đại". Việt Nam đứng thứ hai sau Albania về số người bị đưa sang Vương quốc Anh làm nô lệ tại các nhà máy, nhà thổ, các đồn điền cần sa. Nhiều người trong số họ thậm chí sau khi trở về nước, lại một lần nữa rơi vào mạng lưới buôn nô lệ hiện đại. Bài viết trên tờ báo Anh phân tích vấn đề bảo vệ những người này về mặt pháp lý và xã hội, về sự giúp đỡ vật chất cho họ.
Các chuyên gia bảo vệ động vật lo lắng về số phận của những con cá sấu tại Việt Nam. Nhiều tờ báo đã đăng lại tin của tạp chí Forbes về những trang trại nuôi cá sấu ở Việt Nam. Theo bài báo, cá sấu bị lột da khi đang sống, sau đó tấm da cá sấu tươi được đưa đến xưởng để thuộc và sản xuất túi xách, giày có giá trị. Con cá sấu không chết ngay khi bị lột da mà vẫn còn tỉnh táo ít nhất 2 giờ. Tổ chức đối xử nhân đạo các động vật hướng tới Bộ Nông nghiệp Việt Nam yêu cầu chấm dứt đối xử vô nhân đạo với các con cá sấu.