Các chuyên gia đều nhận xét về tình hình bấp bênh ở những khu vực vốn được coi là ổn định nhất, đó là Hoa Kỳ và Tây Âu. Ở châu Á cũng không thể nói rằng rất yên tĩnh. Tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết ở Biển Đông đã có mọi khả năng bùng lên gay gắt hơn trong năm qua. Dù cuối cùng, sự leo thang quy mô lớn không xảy ra nhưng cũng chưa thấy có chuyển biến thực sự tích cực, — chuyên gia Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược, ông Anton Tsvetov viết trong bình luận dành cho Sputnik.
Những lo ngại lớn nhất về tình hình Biển Đông liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Hague về khiếu nại của Philippines. Hầu như tất cả đèu tin quyết định sẽ không có lợi cho Trung Quốc và các nước liên quan đã tích cực chuẩn bị tinh thần cho một vòng xoáy căng thẳng mới. Các động thái đối phó từ phía Trung Quốc hứa hẹn sẽ làm tình hình càng xấu đi, Bắc Kinh gay gắt chỉ trích tính hợp pháp của Trọng tài Hague. Họ lập danh sách ấn tượng các nước mà theo họ đang ủng hộ phần nào lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông. Ví dụ, quốc gia lên tiếng phản đối quốc tế hóa các tranh chấp liền được Trung Quốc mạnh dạn coi đó là người ủng hộ mình, bởi trọng tài quốc tế cũng có thể hiểu như một động thái âm mưu quốc tế hóa.
Các chuyên gia đã dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng đáp trả dưới những hình thức đặc biệt. Ví dụ, khởi động xây dựng các công trình nhân tạo trên bãi Hoàng Nham, áp dụng trên Biển Đông Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như Trung Quốc đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013. Tuy nhiên, khi Trọng tài Hague tuyên bố quyết định (thậm chí nghiêm khắc hơn nhiều người đã dự kiến) thì thay cho sự ầm ĩ chỉ là là những phản ứng nhẹ nhàng. Một tháng trước khi có quyết định của The Hague, Philippines đã bầu ông Rodrigo Duterte làm tân tổng thống, một người dự định không khai thác những chiến thắng pháp lý, ngoại giao tại The Hague và trên thực tế đã đặt phán quyết trọng tài lên bàn đàm phán đổi lấy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Philippines không còn đứng ở tuyến đầu chiến dịch nên các đối thủ khu vực và toàn cầu đã thể hiện phản ứng tương đối "bình tĩnh" với quyết định trọng tài. Những gì được cho là sẽ trở thành "đòn giáng nghiêm trọng vào uy tín của Trung Quốc" bỗng khá nhanh chóng bị lãng quên. Philippines tiếp tục dạt về phía Trung Quốc, nhất là tình huống lúc này đang tạo điều kiện — ông Duterte ý thức rõ trước khi tổng thống Mỹ kế tiếp nhậm chức, Philippines có thể ve vãn Trung Quốc mà không sợ bị Washington trừng phạt.
Trong bối cảnh ấy, đường lối chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông có vẻ yếu đi, đặc biệt, nhiều nước trong cộng đồng phải đối mặt với các vấn đề nội bộ năm 2016. Việt Nam trở lại sự kết hợp truyền thống giữa hợp tác với Trung Quốc và tăng cường tiềm lực kiềm chế Trung Quốc. Việc bố trí các hệ thống tên lửa mới và tu bổ đường băng trên đảo do Việt Nam kiểm soát chỉ là một trong những bước làm này. Thêm một kết quả quan trọng trong năm là việc Mỹ hủy lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được tuyên bố trong chuyến thăm của ông Obama hồi tháng Năm.
Tuy nhiên, không xảy ra đối đầu trực tiếp trên Biển Đông năm 2016 chưa có nghĩa là tình hình đang trở nên tốt hơn. Trung Quốc tiếp tục củng cố vị trí trên các đảo được họ coi là của mình. Bắc Kinh đã tổ chức đường bay trực tiếp đến một sân bay. Việc các thủy thủ Trung Quốc thu hồi thiết bị không người lái hoạt động dưới nước của Mỹ đã làm dư luận rất quan tâm. Sau đàm phán ngắn gọn, thiết bị đã được trả lại cho phía Mỹ, nhưng bằng hành động này Trung Quốc muốn tỏ rõ, theo họ, ai đang là "chủ nhân" ở Biển Đông.
Nhìn chung, Trung Quốc đã có những hoạt động quân sự tích cực trong khu vực. Năm 2016, Trung Quốc tổ chức tập trận với Nga (nhưng là ở vùng biển không có tranh chấp). Gần đây, Trung Quốc cho tàu sân bay duy nhất của họ bơi vào Biển Đông với sự hộ tống của ba khu trục hạm lớn, hai khu trục hạm nhỏ, một tàu chống ngầm và tàu hậu cần. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng, nhóm tàu sân bay đến khu vực với mục đích tập trận. Tháng 12 năm 2016, Trung tâm phân tích Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) của Mỹ đề cập đến ảnh chụp từ vệ tinh nhận định, Trung Quốc đang bố trí các hệ thống phòng không và chống tên lửa trên tất cả bảy đảo nhân tạo của họ ở Biển Đông.
Tin tức tích cực nhất có lẽ là việc Trung Quốc thỏa thuận với ASEAN về "đường dây nóng" và Bộ qui tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển. Bước vào Nhà Trắng, tân Tổng thống Donald Trump có thể sẽ chọn đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Chẳng hạn, ông Trump sẽ làm như vậy để bù đắp sự "rút lui" của Mỹ khỏi châu Á mà ông thường xuyên nhắc đến khi chỉ trích Tổng thống Obama. Trước những thành tựu mà Trung Quốc thu được trong năm 2016, sự kiên quyết của Trump có thể sẽ có nghĩa là những căng thẳng mới ở Biển Đông.