Hướng thứ nhất là mối liên hệ của nước Nga Xô viết với các lực lượng cách mạng ở Việt Nam. Và hướng thứ hai — mối liên hệ với Việt Nam của những người Nga đã ra khỏi quê hương sau năm 1917 (tự nguyện hay bị ép buộc). Ở đây trước hết nói về những người đã chạy ra Trung Quốc và Pháp, hai nước có quan hệ gần gũi nhất với Việt Nam vào thời điểm đó. Sau đó, một số những người di cư lại một lần nữa thay đổi nơi cư trú và sang Việt Nam.
Chắc chắn ai cũng có lần nhìn thấy những tấm ảnh chụp người dân Hà Nội xuống đường chào đón Cách mạng tháng Tám. Trong một tấm hình như vậy người xem có thể nhận ra một biểu ngữ chào mừng được viết bằng tiếng Nga trong tay nhóm người địa phương. Vào thời đó, ở Hà Nội không khó tìm thầy dạy Nga ngữ. Cuối những năm 1930 đầu 1940, trên các trang báo thỉnh thoảng bắt gặp dòng thông tin "Nhận dạy tiếng Nga". Nói về người Nga thì lúc bấy giờ ở Việt Nam có khoảng hai trăm người. Ví dụ trường hợp Giáo sư Orest Pletner, ngay sau chiến thắng Cách mạng tháng Tám ông đã chính thức tham gia dạy tiếng Nga tại trường Đại học Hà Nội.
Dạy tiếng Nga tại Việt Nam còn có Olga Ilina, cô gái Nga đã cùng với gia đình rời Nga chuyển đến Thượng Hải sau cách mạng 1917. Từ Thượng Hải, tháng 10 năm 1942, Olga Ilina đã đến Hà Nội, kết hôn với một sĩ quan Pháp và cùng chồng chuyển vào sống ở Huế. Vào đầu tháng 3 năm 1945, Olga có thai và vào Sài Gòn để mua đồ cho đứa con sắp sinh.
Ngày 9 tháng Ba năm 1945, chính quyền Nhật Bản tước vũ khí của các đơn vị đồn trú Pháp, bắt giữ đại diện chức trách. Ở một số nơi, người Pháp đã tổ chức kháng cự. Đô thành Huế là một trong những vị trí giao tranh khốc liệt nhất. Chồng bà Olga Ilyina là một sĩ quan Pháp có mặt trong số những người cầm súng. Khi từ Sài Gòn về đến Huế, bà Olga đối mặt với cảnh nhà tan, chồng bị giết. Quyết định quay về Hà Nội, góa phụ cùng đứa con thơ lâm vào tình cảnh thiếu thốn. Bà kiếm việc bằng cách dạy tiếng Nga cho người bản xứ.
Vào cuối những năm 1940, sau khi về Pháp sống, Olga Ilyina đã viết cuốn sách "Sợi chỉ phương Đông", một trong bốn chương của cuốn sách đó nói về những năm tháng ở Việt Nam. Olga mô tả những sự kiện đã xảy ra ở Việt Nam với những tình cảm đặc biệt, cả những sự kiện vui nhất lẫn các sự kiện bi thảm nhất trong cuộc đời của tác giả.
Ví dụ, ở Việt Nam trong số những người bạn Nga của Olga Ilina có anh Vladimir — nhân viên của một công ty luật; cô Shura, người đã thành lập doanh nghiệp nhỏ sản xuất các loại kem mỹ phẩm; cũng như một phụ nữ Nga sở hữu hãng thời trang uy tín nhất.
Trong vấn đề này, một lần nữa chúng tôi kêu gọi các bạn độc giả, nếu các vị có thông tin gì về những người Nga đã sống và làm việc tại Việt Nam trước khi lập quan hệ chính thức song phương giữa hai nước chúng ta — xin vui lòng hãy liên hệ với chúng tôi. Bất cứ thông tin nào về vấn đề này đều vô cùng quý giá vì sẽ giúp khôi phục đầy đủ hơn lịch sử quan hệ giữa nhân dân hai nước Nga Việt.