Theo ông Ilya Tarasenko, các phi công MiG-29 sẽ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ở giai đoạn đầu các phi công sẽ được huấn luyện các thiết bị tập luyện đặc biệt bố trí trên mặt đất, sau đó mới có thể lái máy bay MiG-35. Ông Tarasenko cho biết rằng, quá trình thử nghiệm máy bay tiêm kích mới nhất sẽ kéo dài khoảng hai năm.
Trong cuộc đàm đạo với phóng viên Sputnik, ông Dmitry Drozdenko, phó tổng biên tập tạp chí quân sự "Kho vũ khí của Tổ quốc" giải thích thêm về những tính năng của vũ khí laser trên máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
"Đôi mắt" của phi cơ chiến đấu hiện đại là các loại cảm biến quang học và điện tử. Vũ khí laser có khả năng vô hiệu hóa các thiết bị đó, có thể gây nhiễu quy mô lớn. Như vậy, lợi thế của phương Tây trong lĩnh vực điện tử sẽ bị xóa nhòa. Ở đây không nói về vũ khí laser từ bộ phim "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao) có khả năng tiêu diệt tàu vũ trụ, bởi vì để vận chuyển một pháo laser lớn như vậy phải có máy bay cỡ lớn. Không thể tạo ra chùm tia laser mang theo năng lượng to lớn như vậy trên cơ sở của các đối tượng nhỏ, nhưng, vẫn có thể gây thiệt hại không thể khắc phục được cho hệ thống điện tử," — ông Dmitry Drozdenko cho biết.
Theo ông, máy bay MiG-35 có triển vọng xuất khẩu, trong số những khách hàng tiềm năng có thể mua lô hàng lớn có Ấn Độ, Kazakhstan, Peru và một số quốc gia khác.
"Máy bay có tiềm năng xuất khẩu lớn, vì không phải tất cả các nước đều có nhu cầu về máy bay tiêm kích tầm xa, chẳng hạn như Su-35. Đối với chúng tôi điều quan trọng nhất là duy trì sức cạnh tranh. Máy bay MiG của Nga là một thương hiệu nổi tiếng. Về nguyên tắc, thương hiệu này đã, đang và, tôi hy vọng, sẽ còn tồn tại trên thị trường. Ấn Độ đã đặt mua các máy bay MiG cho tàu sân bay của họ, và các nước khác cũng có nhu cầu về máy bay loại này, đặc biệt vì nó được trang bị các loại vũ khí hiện đại, bao gồm cả vũ khí laser ", — chuyên gia Nga cho biết.