Đây chỉ là một số chủ đề liên quan đến Việt Nam trong các phương tiện truyền thông quốc tế trong những ngày gần đây. Sau đây là chuyên mục hàng tuần "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
"Ở Việt Nam có phong cảnh tuyệt đẹp và siêu thực, đó là vẻ đẹp mà khán giả đại chúng chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh trước đây", — đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cho biết, — Tôi tin rằng, những người Việt Nam có được sự ân cần và tốt bụng mà người Mỹ còn đang thiếu. Tôi thật sự tin rằng bộ phim sẽ có tác động tốt lên ngành du lịch, ngành điện ảnh và sẽ khiến mọi người thấy đất nước này lộng lẫy và đẹp đẽ thế nào".
Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tạp chí Forbes đăng tải bài viết về câu chuyện thành công của nữ tỷ phú duy nhất ở Đông Nam Á — người sáng lập ra hãng hàng không giá rẻ tư nhân đầu tiên của Việt Nam "VietJet Air" - bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Chỉ 5 năm sau khi được thành lập, hãng VietJet Air chiếm 40% thị phần nội địa, và bà Phương Thảo đang sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.
Các phương tiện truyền thông Mỹ nhắc nhở về những sự kiện 50 năm về trước, gọi năm 1967 là một cột mốc đánh dấu bước ngoặt cuộc chiến tranh Việt Nam làm thay đổi diễn biến chiến tranh và bản thân nước Mỹ. Một bài dài trên tờ The New York Times viết rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đã đòi hỏi ở Hoa Kỳ nguồn nhân lực và tài chính rất lớn, nhưng, kết quả là cuộc chiến này đã làm suy yếu ảnh hưởng chính trị, ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ ở các khu vực khác trên thế giới.
"Trong khi những quả bom máy bay Mỹ thả xuống miền Bắc Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Ai Cập, Algeria và nhiều quốc gia hậu thuộc địa khác đã lên án Washington tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo chống lại những người dân khao khát độc lập và xích lại gần khối cộng sản," — tờ báo ghi chú.
Chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, trang web ABC News cho biết. Việt Nam hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, trong đó gần một nửa sống tại Hoa Kỳ, chính những người này đảm bảo khoảng 60% tổng lượng kiều hối vào Việt Nam từ nước ngoài, chiếm 4% GDP. Sắc lệnh hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ tác động chủ yếu đến những người nhập cư bất hợp pháp và những người có visa làm việc tại Mỹ, và điều đó có thể làm giảm 0,4% GDP của Việt Nam, tờ báo ghi chú.
Việt Nam tiếp tục tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Các phương tiện truyền thông cho biết về kế hoạch của chính phủ bán cho nhà đầu tư chiến lược 35-40% cổ phần Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), cũng như về ý định của Hiệp hội Sân bay Paris (Aeroports de Paris) mua lại 20% cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV).
Tệ tham nhũng đang cản trở Việt Nam tiến lên nhanh hơn về phía trước. Chứng tỏ về điều đó là kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) thực hiện tại 16 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tờ Malaysiakini cho biết. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy rằng, ở Việt Nam và Malaysia mức độ tham nhũng là nặng nề nhất. Ở hai nước này, người ta đánh giá tiêu cực kết quả của Chính phủ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, và cho rằng, tệ nạn này ngày càng tăng.