Vào tuần này chủ đề chính về Việt Nam trong các phương tiện truyền thông đại chúng nước ngoài là mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trên Biển Đông. Theo phương tiện truyền thông, Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực nếu Việt Nam không dừng khoan thăm dò dầu khí tại lô 136-03, ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Công ty dầu mỏ Repsol của Tây Ban Nha đang làm việc tại đó cùng với PetroVietnam. Hà Nội yêu cầu Repsol rời khỏi khu vực này. Quyết định này hủy bỏ những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực thăm dò dầu khí trong mấy năm qua, tờ Asia Times viết. Gần đây, các nhà chức trách Việt Nam đã gia hạn giấy phép cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thăm dò và khai thác một khu vực ở Biển Đông bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Quyết định này đã gây ra sự bất mãn của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng không hài lòng với thỏa thuận giữa Việt Nam và Exxon Mobil về phát triển chuỗi dự án mỏ Cá Voi Xanh. Liệu trong quan hệ với các công ty này Việt Nam cũng sẽ thông qua quyết định tương tự như với công ty Repsol? Các nước có liên quan đến dự án này sẽ phản ứng như thế nào? Ấn Độ muốn để Trung Quốc tập trung quan tâm đến các vấn đề Biển Đông để làm chậm sự bành trướng của Bắc Kinh vào Ấn Độ Dương và để duy trì trật tự hàng hải toàn cầu dựa trên các quy tắc nhất định. Chắc là New Delhi không muốn mở một mặt trận mới với Trung Quốc, đặc biệt ở vùng biển, trong khi Ấn Độ đang phải đối mặt với một cuộc xung đột có ý nghĩa chiến lược trên đường biên giới ở bang Sikkim. Nếu nói về Exxon Mobil thì việc bảo vệ lợi ích của công ty tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia của các tàu chiến Mỹ, và kịch bản này sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực, tác giả bài báo viết. Trong điều kiện này, theo tạp chí Forbes, Việt Nam và Ấn Độ nên "học hỏi" sự khôn ngoan của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và yêu cầu sự cho phép của Bắc Kinh trước khi bắt đầu các công việc khoan tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nên làm như vậy trước khi đầu tư vào các thị trường tài chính trong khu vực, tờ báo viết.
Trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu về điện cũng tăng lên. Theo EVN, trong tháng Bảy năm ngoái, Việt Nam đã ngừng mua điện từ Trung Quốc, đồng thời đã gia tăng khối lượng sản xuất điện trên các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy thủy điện trong nước. Hà Nội đang bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp trong số đó vốn ít, lợi nhuận thấp. Chính phủ có kế hoạch bán 34% cổ phần trong Tổng công ty Điện lực Vinacomin, cơ sở sản xuất điện lực lớn thứ ba của Việt Nam, theo Power Engineering International .
Việt Nam đang hội nhập với thế giới, tham gia vào diễn tiến của các xu thế văn hoá thế giới. Theo hãng Tân Hoa Xã Xinhua trong năm 2018 tại thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất.
Còn trang du lịch Mayo Advertiser cho rằng, Việt Nam với các điểm du lịch độc đáo như Vịnh Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, là một nơi hoàn hảo dành cho tuần trăng mật không thể nào quên. Và ban biên tập Sputnik Việt Nam hoàn toàn đồng ý với quan điểm này!