Tòa cũng đồng ý với CQĐT trong việc đình chỉ điều tra bị can cho Đạt tại vụ tàu Hoa Sen và khởi tố Đạt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức khi dùng giấy tờ giả trốn ra nước ngoài.
Về dân sự, HĐXX xác định tại thời điểm xảy ra vụ án, nguồn vốn thực hiện hợp đồng mua tàu thuộc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin). Đến nay, Vinashinlines trực thuộc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nhưng vì Vinashinlines còn nợ Vinashin tiền nên Vinashin là nguyên đơn dân sự.
Các bị cáo sẽ phải bồi thường số tiền chiếm đoạt cho Vinashin. Sau khi nhận tiền, Vinashin phải đối chiều rồi trừ đi số nợ với vinashinlines. Ngoài ra, các tài sản do các bị cáo phạm tội mà có sẽ tiếp tục được kê biên để đảm bảo thi hành án. HĐXX kiến nghị Bộ Công an phối hợp với phía Singapore và nước Anh để thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt.
HĐXX nhận định, lợi dụng việc thực hiện dự án mua — cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã chiếm hưởng tiền hoa hồng mua tàu, tiền gửi cước giá thuê tàu tổng cộng hơn 260 tỷ đồng.
Để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp, bị cáo Giang Văn Hiển trực tiếp tham gia giao dịch tài chính, mở nhiều tài khoản rồi nhận gần 16 triệu USD do các Cty nước ngoài gửi về. Sau đó, Hiển rút ra chuyển cho Đạt để Đạt chuyển cho Liêm còn lại mua tài sản đứng tên mình và người thân.
Trong vụ án này, Trần Văn Liêm giữ vai trò chính, chủ mưu và chiếm đoạt số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Giang Kim Đạt là đồng phạm tích cực trong vụ án, chiếm hưởng hơn 255 tỷ đồng. Còn kế toán trưởng Trần Văn Khương chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng. HĐXX cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hoạt động mua và cho thuê tàu biển của các doanh nghiệp nhất là Vinashin.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả 4 người đã làm đơn kháng cáo do không đồng tình với bản án của tòa sơ thẩm.
Nguồn: Tiền Phong