Thoả thuận về việc một tàu sân bay Mỹ sẽ đến Việt Nam vào năm sau khiến báo chí quốc tế viết về quá trình tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam — Hoa Kỳ.
"Ý muốn của Hà Nội đón tiếp hàng không mẫu hạm Mỹ cho thấy rằng, hai nước đang tăng cường hợp tác ở Biển Đông và điều đó có thể làm thay đổi cán cân chiến lược ở Biển Đông", nhà phân tích trên tờ Asia Times kết luận.
Bình luận về việc tàu sân bay có thể cập cảng Cam Ranh, tác giả bài báo viết: "Mở rộng khả năng của Mỹ tiếp cận cảng này, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ không thể thành lập căn cứ quân sự mới trên đảo Palawan, sẽ đảm bảo ưu thế chiến lược chống lại Trung Quốc". Tác giả cho rằng, Việt Nam bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ vì Hà Nội thất vọng về việc cộng đồng ASEAN không hỗ trợ những nỗ lực Việt Nam chống lại những tham vọng của Trung Quốc. Tác giả của một bài dài đăng tải trên tờ báo có uy tín Foreign Affairs cũng chia sẻ ý kiến này. "Có vẻ là Việt Nam đang đơn độc, đây là một nước duy nhất lên tiếng phản đối mạnh mẽ tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông", — tác giả viết. Phân tích mối quan hệ phức tạp trong tam giác Trung Quốc-Việt Nam-Mỹ, bài báo viết:
"Việt Nam thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược và có đầu óc sáng tạo khi phải đối mặt với áp lực ngoại giao mạnh từ phía Trung Quốc. Điều đó cho thấy rằng, nước này có thể duy trì cân bằng giữa hai siêu cường đối địch nhau. Thành công của Hà Nội phần nào phụ thuộc vào việc tiếp tục cải thiện quan hệ với các cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, mà trong những năm gần đây các nước này hiện diện ngày càng tích cực ở Biển Đông".
Tờ Politico có một bài dài về nội dung Hoa Kỳ siết chặt hơn nữa việc thực thi luật nhập cư, về những người Việt có thể bị trục xuất trong thời gian tới và các vấn đề liên quan.
Tờ Bloomberg BNA viết, Việt Nam quyết định mức tăng lương tối thiểu bình quân của năm 2018 lên 6,5%, điều đó cho thấy rằng, Đảng Cộng sản đang đấu tranh vì lợi ích của người lao động, và nền kinh tế của đất nước này đang tăng trưởng. Tuy nhiên, tờ Bloomberg cảnh báo, quyết định này có thể khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội trong những nước có nhân công giá rẻ hơn, ví dụ như Myanmar.
Báo chí nước ngoài có nhiều bài viết về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam, cũng như về luật tín ngưỡng, tôn giáo mới, mà nhiều giám mục tại Việt Nam và Tòa thánh Vatican chỉ trích mạnh mẽ.
Có một bài thú vị về vai trò của phụ nữ trong nền chính trị và kinh tế Việt Nam được đăng tải trên tạp chí điện tử chuyên về kinh doanh — công nghệ nổi tiếng của Mỹ TechCrunch. Hóa ra, Việt Nam có tỷ lệ nữ doanh nhân cao so với mặt bằng chung của thế giới.
Trong phần kết thúc xin nói vài lời về một hiện tượng mới ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác — du khách nước ngoài ăn xin, hát rong hoặc bán đồ trên vỉa hè để quyên góp tiền giúp họ du lịch. Tạp chí Traveler có bài viết về nội dung này.