So với phiên tòa sơ thẩm lần 1 hồi tháng 3-2017 (đã tạm hoãn để điều tra bổ sung) thì phiên tòa lần này tăng thêm 3 bị cáo.
Ba người bị Viện KSND tối cao truy tố thêm gồm Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng), Trần Văn Bình (giám đốc Công ty Trung Dung) và bà Hứa Thị Phấn (người chuyển nhượng ngân hàng cho Hà Văn Thắm) — về tội vi phạm quy định trong cho vay.
727 người liên quan cũng được TAND TP Hà Nội triệu tập.
Nhiều giám đốc Chi nhánh OceanBank bật khóc tại tòa
Trong phần làm thủ tục, nhiều bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh của OceanBank bị xét xử trong vụ án đã khóc nức nở trước tòa.
Trong khi đó, hai bị cáo đầu vụ là Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc) bị truy tố về các tội tham ô, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái (riêng Thắm còn thêm tội vi phạm quy định về cho vay) có khung hình phạt cao nhất đến mức tử hình, lại tỏ ra bình tĩnh trước vành móng ngựa.
Đại diện Tập đoàn dầu khí quốc gia VN, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng OceanBank….đều có mặt tại tòa.
Trong vụ án này, OceanBank tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự. Hành vi phạm tội của các bị cáo được xác định đã gây thất thoát ch OceanBank hơn 2.000 tỉ đồng.
Bị cáo Hà Thị Phấn vắng mặt trong phiên xử
Kết luận giám định pháp y về sức khỏe do Bộ Công an trưng cầu cho thấy bị cáo Hứa Thị Phấn bị mất sức khỏe 93%. Vì vậy, luật sư Trương Thị Minh Thơ đã kiến nghị tòa cho bà Phấn được vắng mặt trong phiên xử.
Bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố sau khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung hồi tháng 3-2017. Bà bị cáo buộc đã cho Phạm Công Danh mượn một số tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý để vay 500 tỉ đồng của OceanBank. Việc vay tiền này là không đúng quy định, gây thiệt hại cho OceanBank 340 tỉ đồng.
Hai bị cáo Vũ Thị Thùy Dương và Nguyễn Viết Hiền (nguyên giám đốc OceaBank — phòng giao dịch Âu Cơ) cũng có đơn xin vắng mặt.
Lãnh đạo ngân hàng bỏ túi hàng trăm tỉ
Hồ sơ vụ án thể hiện cuối năm 2008, PVN với tư cách một tổng công ty Nhà nước đã ký thỏa thuận hợp tác với ngân hàng OceanBank và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược.
PVN đã ký góp 800 tỉ đồng vào OceanBank, tương đương 20% vốn điều lệ. Đến đầu năm 2011, Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVN, được PVN cử là người đại diện cho phần vốn góp của PVN tại OceanBank.
Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc với Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank) rằng nếu muốn huy động được nguồn vốn khổng lồ của PVN thì phải chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoãi lãi suất tiền gửi.
Sơn được toàn quyền quyết định mức chi và cách chi cụ thể mà không cần bàn bạc, xin ý kiến của Thắm. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 11-2014, tổng số tiền OceanBank đã chi cho chủ trương này là hơn 1.500 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định trong số 1.500 tỉ đồng nêu trên, Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 246 tỉ đồng từ OceanBank.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc Oceanbank, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia — PVN) và Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank) bị đưa ra xét xử về tội tham ô, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài 3 tội danh nêu trên, riêng Hà Văn Thắm còn bị xử về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Khoảng 7h30, các bị cáo được dẫn đến toà trong tình trạng an ninh thắt chặt. Các phóng viên đưa tin về phiên xử được bố trí khu vực để theo dõi phiên tòa qua màn hình trực tiếp.
Trước đó, sau khi xét xử sơ thẩm, TAND TP. Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ hành vi nhận 246 tỉ đồng của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Chi lãi ngoài hàng ngàn tỉ đồng
Cáo trạng thể hiện đầu năm 2012, do muốn thâu tóm một số ngân hàng thương mại cổ phần nên Hà Văn Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn (là cổ đông lớn, đại diện cho nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín) để đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng Đại Tín cho Thắm.
Mặc dù lúc này Ngân hàng Đại Tín đang có những khoản vay nợ khổng lồ khó có khả năng chi trả nhưng ông Danh vẫn đồng ý nhận chuyển nhượng lại ngân hàng với giá hơn 4.600 tỉ đồng.
Để có tiền cho ông Danh chuyển nhượng ngân hàng, Hà Văn Thắm bàn bạc sẽ thông qua pháp nhân là Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung cho ông Danh vay 500 tỉ đồng.
Trong khi số tài sản đảm bảo cho ông Danh vay không có thật, không có tính pháp lý khiến OceanBank thiệt hại hơn 340 tỉ đồng.
Cho rằng OceanBank là ngân hàng có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên Thắm bàn với Nguyễn Xuân Sơn — Tổng giám đốc OceanBank về việc phải chi thêm tiền chăm sóc khách hàng ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng.
Để có tiền chi chăm sóc khách hàng, Thắm đã sử dụng công ty BSC (do Thắm lập ra) để thu phí các khách hàng vay vốn tại OceanBank.
Khách hàng muốn vay vốn hoặc mua ngoại tệ sẽ phải trả giá cao hơn so với giá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khoản tiền chênh lệch so với quy định sẽ được hợp thức hóa bằng hợp đồng dịch vụ (tư vấn, đầu tư, cung cấp thông tin…) mà khách hàng phải ký với công ty BSC.
Ngoài hình thức thu phí trên, đối với các khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, Hà Văn Thắm chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn — phó tổng giám đốc OceanBank sử dụng công ty BSC ký hợp đồng mua các tài sản của khách hàng. Sau đó dùng tài sản này lập phương án vay vốn tại OceanBank.
Sau khi được OceanBank giải ngân, BSC sẽ chuyển tiền lại cho khách hàng sử dụng. Ngoài lãi của của khoản vay, khách hàng còn phải trả thêm phí cho công ty BSC.
Kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các hợp đồng dịch vụ khống của BSC đã gây thiệt hại cho OceanBank và khách hàng gần 70 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn đều thừa nhận bản chất của hoạt động tín dụng được biến tướng thông qua việc cho BSC vay tiền, gây thiệt hại cho OceanBank.
Nguồn: Tuổi Trẻ