Tại tòa, cựu phó TGĐ OceanBank Lê Thị Thu Thủy cho rằng không thể coi số tiền nói trên là thiệt hại của OceanBank.
"Khoản tiền đó không thể coi là thiệt hại của OceanBank, nếu không chi ra khoản đó thì NH không thể huy động được tiền gửi, không thể cho vay để tạo ra doanh số, không tạo được công ăn việc làm cho cán bộ. Thiệt hại là khoản chi ra không thu hồi được nhưng việc chi này thực tế đã tạo ra công ăn việc làm cho toàn bộ nhân viên, nộp thuế cho ngân sách. Cáo trạng nêu hành vi của bị cáo là thực hành tích cực chủ trương của lãnh đạo NH là thực sự oan uổng. Bị cáo không thể là người thực hành, bị cáo hiểu bị cáo là người giúp sức. Người thực hành phải là người đàm phán, chi tiền cho khách hàng và bị cáo cũng không phải là người tích cực vì bị cáo thụ động hoàn toàn, sau khi việc này xảy ra năm 2009 thì đến 2012 bị cáo mới biết việc này.
Trong quá trình thực hiện từ năm 2009 đến 2014, NH cũng có bộ phận kiểm soát nội bộ; các cơ quan chức năng cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin có NH này, NH kia chi vượt trần lãi suất nhưng không có trường hợp nào bị xử lý hình sự, cũng không có cảnh báo nào từ cơ quan chức năng về việc đó. Nếu như biết đó là vi phạm hình sự thì bị cáo tin từ ban lãnh đạo đến các cấp chuyên viên không đời nào đánh đổi để thực hiện hành vi bị quy kết là vi phạm hình sự như thế.
Tòa hỏi Nguyễn Thị Nga, cựu trưởng ban kế toán cho rằng cáo trạng chỉ mới nêu một nửa sự thật, không đầy đủ. Bị cáo và các đồng nghiệp không làm gì sai đạo đức và khẳng định mình không có khả năng ngăn chặn bất cứ việc gì.
"Tháng 6-2011, OceanBank đã có chủ trương này. Bị cáo không tham gia họp, không tham gia nhận chỉ đạo về việc NH chi lãi ngoài, chi mức bao nhiêu nhưng khi nhận được lệnh của chị Thủy, bị cáo mới biết NH đang có hoạt động như thế. Dưới góc độ là người làm kế toán, bị cáo không thể, không có khả năng, không có thẩm quyền để ngăn chặn bất cứ việc gì…" — Nga khai.
Bị cáo Nga nghẹn ngào nói tiếp:
"Mong HĐXX xem xét, đánh giá đúng hành vi của các bị cáo "vì sinh mạng của rất nhiều người, của cả những đứa trẻ còn đang bơ vơ".
Nga cho rằng nếu là đồng phạm, bị cáo phải "giấu" cái đó đi, bị cáo phải làm nhiều động tác, phải "mưu mô xảo quyệt" để che đi chứ không phải hạch toán sáng tỏ trên báo cáo như vậy.
"Quản lý nhà nước đẩy những người như chúng tôi, dù không tư lợi một đồng, không tham ô, tham nhũng lại phải vướng vào vòng tù tội" — bị cáo Nga nghẹn ngào nói.
Cựu giám đốc khối nguồn vốn Nguyễn Hoài Nam khai trước tòa OceanBank thực tế đã trải qua ba cuộc khủng hoảng. Lần đầu vào năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nói chung. Lần hai năm 2011 đến 2012, khi OceanBank dừng chi ngoài khiến lượng tiền rút ra ồ ạt, dù NH chưa mất thanh khoản nhưng cũng rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn khiến ban điều hành buộc phải ra quyết định tiếp tục chi ngoài.
Khủng hoảng lần thứ ba diễn ra sau khi Nguyễn Minh Thu (cựu TGĐ OceanBank) bị bắt hồi đầu năm 2015. "Khủng hoảng truyền thông, anh em chứng kiến cảnh dịp gần Tết nguyên đán dân chúng kéo đến văn phòng để đánh các nhân viên" — bị cáo Nam nhớ lại.
"Tội danh bị cáo buộc, anh em rất khó lòng chấp nhận. Anh em chỉ nhận được 80% lương vào thời điểm 2015, không có lãnh đạo nào ở lại OceanBank nữa nhưng anh em vẫn động viên nhau ở lại" — Nam nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba (cựu GĐ khối NH bán lẻ) khai: Quá trình bị cáo làm ở OceanBank, bị cáo luôn thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, bị cáo không hề nhận được bất cứ cảnh báo, yêu cầu, lên tiếng nào của ban kiểm soát nội bộ của OceanBank, không nhận được cảnh báo nào của Thanh tra NHNN, thanh tra thuế… Nếu OceanBank có vi phạm nghiêm trọng thì những cơ quan này phải lên tiếng. Anh Bùi Văn Hải ở thời điểm đó làm trưởng ban kiểm soát, sau đó khi OceanBank được NHNN mua lại với giá 0 đồng, anh Bùi Văn Hải tiếp tục được phê chuẩn làm trưởng ban kiểm soát của OceanBank.
Chủ tọa phiên tòa sau đó đã yêu cầu thư ký làm giấy triệu tập ông Hải.
Nguồn: PLO