Một hội thảo quốc tế về an ninh và hợp tác trong "vùng biển nóng" của thế giới đã diễn ra tại Matxcơva. Hơn sáu mươi nhà khoa học chính trị có uy tín trong đó có của Nga, Singapore, Ấn Độ, Bỉ, Úc, Mêhicô, Pháp đã tham dự hội thảo:
"Xung đột ở biển Biển Đông bị đẩy lên cấp độ toàn cầu đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ ở Đông Nam Á mà cho cả thế giới, diễn ra vào năm 2011, khi Hoa Kỳ tuyên bố "trở lại châu Á", — Giáo sư Dmitry Mosyakov từ Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện HLKH Nga nhận xét. — "Đặc biệt là sau khi có quyết định của Tòa án biển Hague không công nhận quyền sở hữu hợp pháp của Trung Quốc với 80% vùng Biển Đông và từ chối lập trường của Trung Quốc về "quyền sở hữu lịch sử". Hiện nay, máy bay chiến đấu của Mỹ bay qua các khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố cấm bay, tàu chiến Mỹ di chuyển qua các khu vực này không còn tình cờ như trước mà là thường xuyên. Chính phủ Mỹ thông báo sẽ đưa một nhóm tàu sân bay đến Đông Nam Á."
"Mâu thuẫn đã chuyển sang cấp độ mới nguy hiểm hơn, làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc chính trị. Xung đột giữa Trung Quốc và các nước ASEAN không biến mất nhưng lùi lại phía sau, nhường chỗ cho cuộc đối đầu toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu trước đây việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo dứt khoát được hiểu như động thái bành chướng chống các nước Đông Nam Á, thì bây giờ không ít các chuyên gia coi đó là biểu hiện tự vệ, nỗ lực đối phó với hàng không mẫu hạm và tên lửa Mỹ."
Đồng thời, Giáo sư Mosyakov tin rằng tình hình mới trên Biển Đông làm dấy lên một số ý kiến lạc quan.
Trước kia động cơ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là mong muốn kiểm soát trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú, tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng và các khu vực đánh bắt cá. Trong hoàn cảnh mới, tất cả những gì được nêu sẽ bị lùi lại và yếu tố quan trọng trước Trung Quốc là cuộc đối đầu toàn cầu với Mỹ. Trung Quốc hoàn toàn không muốn Mỹ thực hiện kế hoạch biến Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Miến Điện thành một kiểu vùng đệm với Trung Quốc. Chính vì vậy, mở ra khả năng đạt được thỏa hiệp với các nước ASEAN, cơ hội mà Trung Quốc trước đây đã từ chối.
Thỏa thuận đạt được giữa Philippines và Trung Quốc về rạn san hô Scarborough có thể được coi như bước đầu tiên hướng tới các thỏa thuận trong tương lai về quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa.
Sự giải quyết mâu thuẫn ở cấp khu vực là cơ hội xóa sổ sự xuất hiện xung đột toàn cầu trong khu vực, — Giáo sư Mosyakov nhận định.