Kinh doanh là việc của kinh tế tư nhân
Một lần nữa, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vô cùng hào hứng.
Thưa ông, nếu như nói về thời thế, chưa bao giờ khu vực kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có được vị trí như bây giờ?
Chúng tôi thậm chí đã bàn tới thời điểm thống nhất khái niệm, đó là nói đến doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nghĩa là nói đến khu vực kinh tế tư nhân. Đây là khái niệm chung của thế giới, nhưng là sự ghi nhận cao nhất dành cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong tiến trình phát triển của đất nước.
Cũng đến lúc cần khẳng định, kinh doanh là việc của khu vực tư nhân, nhà nước không kinh doanh. Các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất-kinh doanh sẽ phục vụ sự kinh doanh của người dân, doanh nghiệp một cách bình đẳng, không cần nhắc tới sự khác biệt của các thành phần kinh tế.
Theo tôi, khi đó, những lấn cấn, phân biệt, đối xử doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước trong tư duy, trong hành động, nhất là trong hoạch định và thực thi cơ chế, chính sách mới xóa bỏ được hoàn toàn. Nhà nước về ngồi đúng chỗ trong nền kinh tế, đó là thiết lập sân chơi, luật chơi, giữ vai trò trọng tài và kiến tạo nền kinh tế. Kinh doanh là việc của doanh nghiệp.
Nhưng, với giá trị tài sản mà khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ, không dễ đồng nhất được khái niệm này, thưa ông?
Nhưng, tình hình đang thay đổi. Với quyết tâm cải cách doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và quan trọng là yêu cầu tách doanh nghiệp nhà nước ra khỏi cơ quan chủ quản, áp đặt kỷ luật thị trường vào hoạt động của khu vực doanh nghiệp này của Đảng và Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước sẽ vận hành như một doanh nghiệp tư nhân có phần vốn nhà nước.
Hành xử của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước sẽ không khác gì với doanh nghiệp tư nhân. Bản thân doanh nghiệp nhà nước cũng ý thức rõ vị thế bình đẳng trước pháp luật để làm ăn, kinh doanh, nghĩa là lời ăn, lỗ chịu…
Tôi cho rằng, đó chính là nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Doanh nhân, hoa hồng và bánh mỳ
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam được tổ chức hồi tháng 7/2017 với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với câu hỏi doanh nhân cần gì ở Chính phủ vào thời điểm này, 65% chọn Chính phủ hành động, 24% chọn Chính phủ liêm chính và 11% chọn Chính phủ kiến tạo.
Một cách thẳng thắn, cộng đồng doanh nhân Việt cần gì để đạt được mục tiêu mà họ đeo đuổi, đó là ngang hàng với cộng đồng kinh doanh thế giới, thưa ông?
Các doanh nhân đã nói thẳng, họ cần Chính phủ hành động. Doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ cần hoa hồng, mà họ cần cả bánh mỳ.
Sự xác lập vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế có thể coi là hoa hồng dành cho những con người đang tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho các chục triệu người lao động, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Nhưng, họ sẽ không thể sống, phát triển nếu chỉ có hoa hồng. Bánh mỳ của doanh nghiệp chính là môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, an toàn, chi phí kinh doanh hợp lý, rủi ro thấp…
Cụ thể hơn, họ cần Chính phủ thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra. Ví dụ Nghị quyết 19-2017/NQ-CP tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4, nhưng hiện tại vị trí của Việt Nam là thứ năm.
Hay như Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 xác định khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 — 49% GDP; 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Ngay trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện có.
Kết quả của việc thực hiện các con số trên chính là "bánh mỳ" doanh nghiệp cần.
Với những đầu việc được giao cụ thể, hẳn sẽ có thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh. Ông có tin như vậy?
Tôi muốn nhắc tới cam kết cắt hàng trăm điều kiện kinh doanh trong năm 2017-2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương. Nhiều điều kiện trong danh mục trên doanh nghiệp đã kêu nhiều năm, VCCI đã tổng hợp và gửi các bộ, ngành xem xét, các chuyên gia kinh tế cũng có ý kiến, nhưng không có kết quả. Lần này, đích thân cơ quan quản lý cam kết bãi bỏ.
Hơn nữa, Bộ Công thương là đơn vị "sở hữu" nhiều điều kiện kinh doanh nhất trong số các bộ, ngành sẵn sàng vào cuộc, thì các bộ khác không có lý do gì không làm được.
Khi Chính phủ bỏ được 30-50% điều kiện kinh doanh hiện hữu, cộng đồng kinh doanh một lần nữa được cởi trói, được tạo động lực, động cơ để tận tâm, tận lực với kinh doanh.
Tâm thế của doanh nhân sẽ thay đổi tích cực.
Còn lo ngại về khả năng tái sinh điều kiện kinh doanh?
Theo tôi, các yêu cầu này đồng nghĩa với cam kết của Chính phủ trong thay đổi phương thức quản lý nhà nước với các hoạt động sản xuất-kinh doanh. Nếu chỉ cắt bỏ vài điều kiện đơn lẻ, việc thay đổi nhiều khi chỉ mang tính kỹ thuật pháp lý, nhưng cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh sẽ kéo theo yêu cầu thay đổi rất lớn trong bộ máy quản lý nhà nước, từ quy trình đến tổ chức bộ máy, nhân sự… Nói một cách hình ảnh, Bộ Công thương, ngành công thương sau khi cắt bỏ hàng trăm điều kiện chắc chắn khác với Bộ Công thương, ngành công thương của những năm trước.
Tôi muốn chia sẻ thêm tính thời điểm của những thay đổi tích cực trong cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh Tổng giám đốc APEC (APEC CEO Summit) năm 2017 cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, khoảng 1.200 doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực APEC và Việt Nam sẽ có mặt trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Thông điệp về một Việt Nam là địa điểm kinh doanh thân thiện, đối tác kinh doanh tin cậy mà Chính phủ Việt Nam đang muốn gửi đi sẽ có giá trị hơn rất nhiều khi đi kèm với tinh thần kinh doanh đầy nhiệt huyết, sáng tạo của các doanh nhân, những kế hoạch kinh doanh dài hạn, bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, dù đó là doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nhỏ, vừa hay các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Nguồn: Báo Đầu Tư