Giáo sư Phó Côn Thành nói rằng:
"Tôi biết rằng một số bạn bè Việt Nam của chúng tôi nói rằng họ có những bằng chứng từ sớm. Rất tốt thôi! Hãy đưa cho nhân dân Trung Quốc và thế giới xem những bằng chứng đó. Vậy đối với chính phủ và người Việt Nam, các quí vị phải đưa các bằng chứng cho người Trung Quốc và thế giới, nếu triển lãm là sự kiện đóng cửa, ở Việt Nam, tôi được cho biết là chính quyền địa phương đã có một số triển lãm đưa ra bằng chứng về chủ quyền với các quần đảo, họ gọi đó là Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng những triển lãm này không mở cửa với người Trung Quốc… Điều này tạo ra sự kỳ lạ. Các vị biết là phải thuyết phục người Trung Quốc của chúng tôi, nhưng nếu triển lãm của quí vị lại đóng cửa với người Trung Quốc, thì làm sao người ta có thể được thuyết phục? Do đó tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam cần phải đối diện với luật pháp quốc tế, cùng với những bằng chứng lịch sử của họ".
Chúng tôi thấy có 2 ẩn ý trong lời phát biểu này của Giáo sư Phó Côn Thành:
Một là, Việt Nam tổ chức triển lãm những bằng chứng chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa ở các địa phương. Tại sao không cho người Trung Quốc và xem?
Hai là, nếu Việt Nam nói có bằng chứng từ rất sớm thì hãy đưa cho nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới xem những bằng chứng đó.
Chúng tôi có nhận xét như sau:
1. Triển lãm mở cửa cho tất cả mọi người trong và ngoài nước
Ngược lại họ hoan nghênh sự có mặt đông đảo của các bạn Trung Quốc để cùng chia sẻ những thông tin về quá trình Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo đã diễn ra trong lịch sử của mình ra sao.
Đặc biệt, qua đó để giúp cho người Trung Quốc thấy rõ những hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam do các chính quyền Trung Quốc qua các giai đoạn lịch sử đã diễn ra như thế nào.
Thông qua đó các nhà tổ chức muốn gửi đi một thông điệp đối với những người Trung Quốc rằng:
Hãy cùng nhân dân Việt Nam bảo vệ chân lý, lẽ phải, thượng tôn pháp luật, vì các quyền chính đáng của cả 2 dân tộc, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực và quốc tế.
Nếu thông tin về sự ngăn cấm mà Giáo sư đã có ý "than phiền", chúng tôi cho rằng phải chăng đã có một số bạn Trung Quốc khi vào xem triển lãm đã không tôn trọng nội quy, đã có những hành vi gây mất trật tự, an ninh của khu vực triển lãm?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng đã bác bỏ thông tin nói rằng Việt Nam "đóng cửa" với người Trung Quốc khi mở các triển lãm về bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý khẳng định Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
2. "Khích tướng không bằng thỉnh tướng"?
Theo Giáo sư Phó Côn Thành, hai bên tranh chấp cần đối diện với 'bằng chứng' lịch sử và trước luật pháp quốc tế.
Ông Phó Côn Thành nói:
"Một điều nữa tôi phải nhấn mạnh là để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhân dân của cả hai nước này phải biết rằng chúng ta đều được hưởng một số quyền lịch sử trên Biển Nam Trung Hoa…"
Về nội dung này, chúng tôi xin được cung cấp thêm những thông tin liên quan sau đây:
Khi chứng minh và bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã dựa theo nguyên tắc pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ hiện hành trong luật pháp quốc tế.
Đó là nguyên tắc "chiếm hữu thật sự".
Cụ thể là:
Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng.
Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử (có giá trị pháp lý) để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực.
Cụ thể là: Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với "các hải đảo ở Nam Hải" (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) từ thời cổ đại; người Trung Quốc đã phát hiện, khám phá, sản xuất, sinh sống từ trước Công nguyên…
Sử sách, hiện vật khảo cổ của Trung Quốc đã ghi nhận đầy đủ các hành động này của người dân và nhà nước Trung Quốc qua các thời kỳ lịch sử…
Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với "Tây Sa" và "Nam Sa".
Qua nghiên cứu thấy rằng, đúng là các hải đảo trong Biển Đông cũng đã được ghi chép và mô tả trong một số tư liệu, sử sách của Trung Quốc.
Nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục… các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài.
Không có bất kỳ sự ghi chép nào về việc Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền và việc nhân dân Trung Quốc "đến hai quần đảo này thực hiện các công việc hàng hải, sản xuất".
Các tác phẩm đó chỉ được xem như các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ý nghĩa đáng kể trong pháp lý.
Do đó không thể chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam) thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của Trung Quốc như quan điểm của Trung Quốc.
Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis DiderKt, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu, cũng đã có nhận xét rằng:
"Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này…"
Thậm chí, một số học giả người Trung Quốc đang sống và làm việc tai Trung Quốc cũng đã có những nhận xét khá khách quan về những tư liệu, hiện vật lịch sử mà phía Trung Quốc đưa ra để bảo vệ nguyên tắc "chủ quyền lịch sử" đối với "Tây Sa" và "Nam Sa".
"… Chứng cứ (lịch sử) đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự.
Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không?
Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là "có" thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó…"
Rõ ràng là nếu dùng lịch sử để chứng minh chủ quyền lãnh thổ thì thế giới đang được định hình hiện nay sẽ bị đảo lộn.
Phạm vi lãnh thổ của nhiều quốc gia sẽ bị thu hẹp lại, trong đó có cả Trung Quốc, Hoa Kỳ…, và ngược lại phạm vi lãnh thổ của một số quốc gia lại phình to ra.
Chẳng hạn, Hà Lan, Tây Ba Nha có thể đòi chia đôi biển và đại dương quốc tế cho riêng họ theo Sắc lệnh của Giáo hoàng Alexandre VI, ký ngày 04/5/1493, đã phân chia khu vực ảnh hưởng cho 2 nước này ở các phạm vi lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu.
Anh có thể đòi "chủ quyền" của Vương quốc ở hầu khắp thế giới, bởi vì đã có thời họ đã tuyên bố rằng "mặt trời không bao giờ lặn trong lãnh thổ Vương quốc Anh"…
Vì vậy, vấn đề cần lưu ý là, để giải quyết những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, thông thường người ta chủ yếu dựa vào các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý để chứng minh.
Các nguyên tắc pháp lý được áp dụng phổ biến trong thực tiễn giải quyết tranh chấp biên giới quốc tế hiện tại là cơ sở pháp lý mà các quốc gia dựa vào đó để đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ;
Theo chúng tôi đó là những sự thật rất khách quan, rõ ràng mà bất kỳ một chuyên gia pháp lý nào cũng đều nhận ra được.
Phải chăng Giáo sư Phó Côn Thành muốn dùng chiêu "khích tướng" hòng "dọa" các học giả Việt Nam?
Rằng nếu có "đối diện với lịch sử và tòa án", chắc gì Việt Nam thắng, vì Trung Quốc có "bằng chứng lịch sử" sớm hơn nhiều.
Để rồi, Giáo sư Phó Côn Thành dẫn dắt dư luận giới nghiên cứu Việt Nam đến cái đích ủng hộ "ngồi vào bàn đàm phán tay đôi với Trung Quốc"?
Và ông tỏ ra "công bằng" khi nói "nhân dân cả hai nước chúng ta đều được hưởng một số quyền lịch sử trên Biển Đông".
Nhưng chúng tôi tin rằng người Việt Nam, các học giả Việt Nam không lo ngại về chiêu trò này, trái lại Việt Nam sẵn sàng đối mặt trước những đòi hỏi về chứng cứ lịch sử.
Xin nhấn mạnh rằng những chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý, chứ không phải bất kỳ một tư liệu, hiện vật lịch sử chung chung mơ hồ nào theo quan điểm của Trung Quốc, để rồi cho rằng "nhân dân cả hai nước chúng ta đều được hưởng một số quyền lịch sử trên Biển Đông".
Về nguyên tắc Việt Nam luôn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trong đó đương nhiên có biện pháp sử dụng cơ chế tài phán quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Do đó Việt Nam sẵn sàng cùng phía Trung Quốc thỏa thuận đưa tranh chấp lãnh thổ ra các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết.
Vấn đề là phía Trung Quốc có sẵn sàng hay không?
Bài học của vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông đã cho sự "sẵn sàng" của Trung Quốc diễn ra như thế nào.
Chúng tôi còn nhớ trong lịch sử đã không ít lần phía Việt Nam đã "thỉnh tướng" mà phía Trung Quốc đã khước từ.
Phải chăng chiêu "thỉnh tướng" không bằng chiêu "khích tướng"?
Bình luận về những nội dung phát biểu của Giáo sư Trung Quốc họ Phó, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã khá sắc sảo với nhận xét:
Trung Quốc cấm các phương tiện truyền thông đưa tin và tìm mọi cách bịt tai, bịt mắt người dân nước mình về vụ kiện trọng tài Biển Đông do Philippines khởi xướng và kết quả Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016.
Tiến sĩ Trần Công Trục