Tuy nhiên 2 loại trực thăng trên nguyên gốc là máy bay vận tải đa dụng, khả năng tích hợp vũ khí tuy có nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, nó không được bọc thép đủ dày, độ linh hoạt khi vận động rất hạn chế, chỉ mang được vũ khí giản đơn như pod súng máy hay rocket không điều khiển, không thể dẫn bắn tên lửa chống tăng.
Trong tương lai, khi thực hiện chủ trương đưa Lục quân tiến lên hiện đại, Việt Nam rất cần một dòng trực thăng vũ trang đúng nghĩa để phối hợp tốt hơn cùng xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hiện đại và pháo tự hành thế hệ mới.
Trong số các ứng viên từng được nêu ra có những cái tên sáng giá như Mi-171Sh, Mi-28NE hay thậm chí là cả Ka-52. Nhưng theo các chuyên gia triển vọng dành cho Mi-35M đang dần trở nên rõ ràng nhất vì chúng thực chất là một phiên bản hiện đại hóa từ dòng Mi-24 với mục đích dành cho xuất khẩu, trong khi Việt Nam đã có kinh nghiệm khai thác sử dụng loại Mi-24A từ lâu.
Chiếc trực thăng được tích hợp 4 giá treo vũ khí phân bố đều trên 2 cánh phụ bên thân. Ở phần mũi còn có thêm khẩu pháo tự động 23 mm nòng đôi. Ngoài bình rocket, Mi-35M mang được tới 16 ống phóng tên lửa chống tăng Shturm.
Trong trường hợp Việt Nam lựa chọn Mi-35M làm trực thăng tấn công thế hệ mới thì đã có nhận định cho rằng một vài trực thăng Mi-24A cũ có thể sẽ được phục hồi bằng cách tận dụng phụ tùng, lắp lẫn cho nhau để đảm nhiệm vai trò máy bay huấn luyện.
Đây cũng là một phương án tương đối hợp lý, Mi-24A không được kéo dài thời gian tại ngũ chủ yếu là do chúng đã quá lạc hậu, không có khả năng nâng cấp lên các phiên bản cao cấp hơn.
Nhưng với vai trò huấn luyện phi công lái Mi-35M, các tổ hợp vũ khí — dẫn đường là không quá cần thiết, máy bay chỉ cần đảm bảo chức năng bay bình thường là đã đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.
Do vậy với diễn biến mới, các trực thăng Mi-24A Hind-A đang đứng trước cơ hội lớn được quay trở lại bầu trời, cho dù không phải để đảm trách chức năng như thiết kế ban đầu.
Nguồn: Báo Đất Việt