Hầu hết các báo đều nhấn mạnh, đây là chuyến thăm đầu tiên sau 43 năm kể từ ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Thực ra không hẳn thế. Tàu quân sự Mỹ trước đây cũng đã từng cập cảng Việt Nam, và mặc dù kích thước của những tàu này nhỏ hơn so với Carl Vinson, nhưng bản chất của sự việc không vì thế mà thay đổi: tình trạng đối đầu giữa hai quốc gia đã lùi vào quá khứ, giờ đây đang diễn ra tiến trình ngược lại — hai nước Mỹ-Việt hợp tác với nhau trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Báo chí Nga hầu hết bày tỏ thái độ ngạc nhiên: xem kìa, Việt Nam bao nhiêu năm trời đánh nhau với Mỹ, thế mà giờ đây cho tàu chiến Mỹ vào nhà mình. Rõ ràng ngay cả các nhà báo Nga cũng nhiều người không nhận thức được rằng, Mỹ và Việt Nam ngày hôm nay đang là các đối tác chiến lược và nhiều người Việt Nam coi quan hệ Mỹ Việt là quan hệ bạn bè. Tất cả chỉ vì thiếu thông tin từ Việt Nam, nguyên do là bởi vì không có mạng lưới phóng viên Nga hoạt động rộng rãi trên đất Việt. Vậy nên để tránh mắc lỗi, giới truyền thông Nga chủ yếu trích dẫn quan điểm của đại diện chính thức Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về chuyến thăm của tàu chiến Mỹ tới Việt Nam.
Người đưa ra bình luận duy nhất về bản chất của vấn đề là Dmitriy Mosyakov, người không thấy "bất kỳ điều gì tích cực" trong chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tại Việt Nam.
«Đây là sự kiện nhiều khả năng sẽ đưa đến căng thẳng cho tình hình biển Đông, chứ không đưa đến giải pháp cho vấn đề này"- chuyên gia nhận định. Nếu đánh giá theo phản ứng của Trung Quốc thì ông Dmitriy Mosyakov lập luận đúng.
Mặc dù phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không đưa ra lời chỉ trích sau sự kiện tàu quân sự Mỹ cập cảng Việt Nam, thậm chí còn đánh giá đây là một "thực tiễn bình thường", nhưng tờ «Global Times» — đại diện chính thức của chính quyền Trung Quốc lại viết rằng, việc gửi tàu Mỹ sang Việt Nam là "tiêu tiền một cách vô ích". Trước đó (vào tháng Một), báo Nhân dân Nhật báo bày tỏ thái độ chỉ trích của mình đối với chuyến thăm đang được hoạch định của tàu chiến hạm Mỹ tới Việt Nam. Theo tác giả bài báo, chuyến thăm của Carl Vinson không thể nào xóa sạch các vấn đề tồn tại trong quan hệ Việt-Mỹ.
Như vậy, chuyến thăm của một loạt tàu chiến Mỹ sẽ lại cho Bắc Kinh thêm một luận chứng để phát triển cơ sở hạ tầng quân sự tại các đảo thuộc biển Đông.
Có lẽ phần lớn những người hài lòng về sự kiện này thuộc giới quân sự và ngoại giao Việt Nam. Đối với họ, đây là "bản nhạc sẽ còn ngân nga mãi" và sẽ được sử dụng vào mục đích bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc.
Còn nữa, tôi hình dung rằng, sự kiện này là niềm vui lớn đối với những người dân và trẻ em Đà Nẵng, nơi những người lính hải quân Mỹ đặt chân xuống. Biết bao nhiêu ấn tượng về vũ khí quân sự hiện đại và hàng ngàn người lính Mỹ mặc quân phục đẹp đến Việt Nam! Và năm ngày hội tràn đầy niềm vui!
Nhưng kỷ niệm về "chất độc màu da cam" mà Mỹ đã rải xuống những hecta đất quanh Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Đông dương thì vẫn còn lại đó. Và ở đây, Mỹ chưa chữa lành tất cả mọi vết thương.