Thông điệp của Phạm Xuân Ẩn
Nhà báo Việt Lâm: Phiên bản tiếng Việt đầu tiên ra mắt độc giả Việt Nam cách đây 7 năm có tựa đề Điệp viên Hoàn hảo. Còn phiên bản thứ hai ra mắt năm ngoái có tên là X6 — Điệp viên Hoàn hảo. Hai ấn bản này có gì khác nhau?
Gs Larry Berman: Sự thay đổi lớn nhất giữa hai bản này là về câu chữ. Bản dịch mới nhất được dịch trung thành với bản tiếng Anh của Điệp viên Hoàn hảo đến từng câu chữ.Tôi rất vui mừng vì bản dịch thứ hai này đã làm được điều đó.Trong bản dịch thứ nhất mang tính tóm tắt nhiều hơn.Đây là bản dịch rất tốt nhưng không bám sát đến từng từ ngữ trong bản gốc tiếng Anh.
Khác biệt lớn thứ hai là trong bản dịch mới có những bức thư đặc biệt mà lần đầu tiên tôi chia sẻ với độc giả, như thư của bà Thu Nhàn, vợ ông Ẩn, thư của các thành viên trong lưới tình báo H.63(*1) gửi cho tôi. Và sau cùng là một chương mới trong đó tôi chia sẻ những câu chuyện mà Phạm Xuân Ẩn đã kể cho tôi nghe nhưng chưa có dịp công bố trong ấn bản đầu tiên.
Việt Lâm: Nhiều độc giả muốn hỏi ông rằng điều gì đã gợi cảm hứng cho ông để ông viết về Phạm Xuân Ẩn nhiều như vậy?
Gs. Larry Berman: Vì nhiều lý do, Phạm Xuân Ẩn có lẽ là người thú vị nhất mà tôi đã từng gặp trong cuộc đời mình. Trước hết, ông ấy là điệp viên thành công nhất trong cả cuộc chiến tranh Việt Nam và ông ấy đã bằng lòng cho phép tôi viết về câu chuyện cuộc đời ông. Khi tôi hiểu ông nhiều hơn, tôi nhận ra rằng cuộc đời ông chứa đựng những điều lớn lao hơn cả câu chuyện làm tình báo. Đó là về cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam, cuộc đấu tranh của chính ông Phạm Xuân Ẩn sau chiến tranh và những gì đã xảy đến với ông. Bởi vậy, tôi cảm thấy cả cuộc đời ông ấy lôi cuốn đến mức tôi không ngừng đến và trở lại với ông ấy.Và đương nhiên, rất nhiều độc giả Việt Nam đã mua cuốn sách, khiến cho cuốn sách nổi tiếng.Vậy thì tại sao tôi lại không tiếp tục viết về Phạm Xuân Ẩn cơ chứ?
Gs. Larry Berman: Tôi đã nói về điều này trong cuốn sách. Ẩn lựa chọn tôi vì một số lý do. Đầu tiên, ông ấy không hề muốn tôi viết cuốn sách này.Ông ấy cũng không muốn bất kỳ ai viết sách về mình.Nhiều tác giả biết ông ấy trong suốt thời chiến là những nhà báo nổi tiếng như Stanley Karnow (*2) và những người khác.Họ đã từng mời ông Ẩn viết hồi ký với mức nhuận bút 500 ngàn USD nhưng Phạm Xuân Ẩn luôn nói "Không, bởi vì nếu tôi kể những bí mật của mình, rất nhiều người sẽ bị tổn thương".
Và rồi ông Ẩn bị ốm nặng đến mức tưởng chừng không qua khỏi. Ông ấy nghĩ rằng mình chỉ còn sống được 6 tháng nữa thôi.Khi tôi đến thăm ông, tôi nói với ông rằng "câu chuyện của ông thực sự cần được kể lại".Cuối cùng ông ấy cũng đồng ý. Ẩn chọn tôi để kể chuyện đời mình vì ông đã đọc những cuốn sách khác của tôi. Ông ấy nghĩ rằng tôi là một trong những sử gia Mỹ khách quan nhất khi viết về những đề tài gây tranh cãi, và rằng tôi sẽ giữ góc nhìn độc lập và tôi không hề biết Ẩn trong chiến tranh. Tôi không có thiên kiến gì về cuộc chiến, cũng không tham gia chiến tranh. Đó là lý do vì sao Ẩn chọn tôi. Tôi tin rằng Phạm Xuân Ẩn đã có sự cam kết của tôi.
Việt Lâm: Ông đã từng đọc các bài viết về Phạm Xuân Ẩn trước khi bắt tay viết về ông ấy hay chưa? Và sau rất nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với Phạm Xuân Ẩn, góc nhìn về ông ấy như thế nào? Theo ông, Phạm Xuân Ẩn thực sự là ai?
Gs Larry Berman: Khi lần đầu tiên tôi gặp Phạm Xuân Ẩn ở TP.HCM mùa hè năm 2000, đó là trong một cuộc ăn tối không hẹn trước. Tôi không biết ông ấy là ai, nhưng chúng tôi đã có cuộc trò chuyện suốt 4 tiếng đồng hồ về quãng thời gian ông ấy ở California, sự nghiệp làm báo của ông ấy, về những người mà ông ấy biết. Ẩn không đề cập một lời nào về chuyện làm tình báo.Và tôi khám phá ra rằng Ẩn là một trong những người nói chuyện thú vị và lôi cuốn nhất mà tôi từng gặp.Sau bữa tối tôi mới biết ông ấy là ai. Khi đó, tôi tìm đọc tất cả những gì có thể tiếp cận được về ông và tự hỏi liệu tôi có thực sự muốn viết câu chuyện về ông ấy hay không.
Về câu hỏi Phạm Xuân Ẩn thực sự là người như thế nào, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không giờ có được câu trả lời chính xác. Chúng ta có thể biết về Phạm Xuân Ẩn qua những giai đoạn nổi bật trong cuộc đời ông ấy, sứ mệnh của ông ấy đối với đất nước mình, những nghĩa vụ mà ông ấy thực hiện. Ông ấy muốn hoàn thành sứ mệnh của mình đối với đất nước và đến Mỹ rồi trở về. Và đến cuối cuộc đời mình, ông ấy đã được chứng kiến giấc mơ trở thành hiện thực: sự hoà giải giữa hai dân tộc Việt — Mỹ. Ẩn là người duy nhất sau chiến tranh thực sự hiểu về người dân Mỹ, chứ không chỉ là chính phủ Mỹ, những người đã gây ra chiến tranh.Và ông ấy cũng đã trải nghiệm sự tử tế và tình bạn phóng khoáng của người Mỹ. Và rồi trong phần đời còn lại của mình, Phạm Xuân Ẩn nhiều lúc cảm thấy cô độc bởi có những ý tưởng, suy tư của mình ông ấy không thể chia sẻ với ai.
Một người yêu nước chân chính
Việt Lâm:Ông đã đề cập đến một khía cạnh rất thú vị về Phạm Xuân Ẩn, không chỉ là một điệp viên hoàn hảo mà hơn thế, là một nhân cách nổi trội và một điệp viên cô đơn. Nhận xét này dường như liên quan đến một câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Duy Giang: Sau khi tiếp xúc nhiều thì GS thấy Phạm Xuân Ẩn gần nghĩa hơn với một người cộng sản chân chính yêu nước hay là một nhà báo yêu độc lập dân tộc?
Khi Phạm Xuân Ẩn gia nhập Đảng Cộng sản, ông ấy chưa biết gì về chủ nghĩa cộng sản cả. Suốt thời gian ông ấy làm việc như một điệp viên, ông ấy không có điều kiện tham dự một cuộc họp chi bộ nào, vì ông ấy đang là một phóng viên làm việc cho một tờ báo Mỹ. Vì thế, khi chiến tranh đi qua, một số người nói "giờ thì ông là một người cộng sản". Còn Phạm Xuân Ẩn khi nói chuyện với tôi thường nói rằng ông ấy là một người Việt Nam đã tranh đấu cho độc lập dân tộc.Đấy là cách mà tôi trả lời câu hỏi này.Câu trả lời không phải là trắng hay đen.Nó rất phức tạp.
Và như nhiều độc giả đọc cuốn sách của tôi đã biết, từ năm 1975 cho đến khi mất, Phạm Xuân Ẩn đã trở thành một nhà lãnh đạo trong sự nghiệp hòa giải giữa hai đất nước. Ông ấy đã trở thành khách VIP trong chuyến thăm tàu chiến Mỹ đầu tiên ghé cảng Sài Gòn. Ông ấy kể rằng ông ấy đã nói mình có thể hạnh phúc ra đi vào chính ngày đó. Con trai ông ấy trở thành người phiên dịch cho hai tổng thống Mỹ, ông Obama và ông Bush. Tôi tin rằng ngày hôm nay Phạm Xuân Ẩn đang ở trên cao nhìn xuống và mỉm cười về cuộc đời mình.
CIA từng tìm cách chiêu mộ Phạm Xuân Ẩn
Việt Lâm: Có một thực tế là hầu hết các điệp viên Việt Nam thời kì chiến tranh đều không được đào tạo bài bản. Ông đã từng nhiều lần gặp Phạm Xuân Ẩn và các thành viên lưới H.63.Theo ông thì vì sao mà họ lại thành công như vậy với một nền tảng đào tạo sơ sài?
Gs Larry Berman: Điều đầu tiên mà tôi biết được khi tôi phỏng vấn rất nhiều thành viên trong cụm tình báo H.63 như ông Tư Cang (*4) và một số người khác là nhiều người trong lưới đã hi sinh. Toàn bộ sứ mạng của họ là bảo vệ Phạm Xuân Ẩn. Một số sống sót nhưng không ít người đã hi sinh khi đang bảo vệ Phạm Xuân Ẩn. Đây là một điều rất quan trọng.
Phạm Xuân Ẩn học về tình báo từ việc đọc các sách về điệp viên, từ việc suy nghĩ về nó và sử dụng vỏ bọc của nhà báo.Nhưng ông ấy chưa hề trải qua một khóa học chính thức nào.Ông ấy tự học làm thế nào để hoạt động tình báo thành công.Ông ấy tự dạy mình cách viết báo cáo mà không ai đọc được.Ông ấy tự đúc kết lấy hệ thống quy tắc nghề nghiệp cho mình và thử nghiệm nó trong hoạt động thực tế.
Dĩ nhiên, có nhiều điệp viên Việt Nam khác bị bắt.Ông ấy là người duy nhất đã đi qua cả cuộc chiến tranh mà không bị bắt, thậm chí còn được thăng tiến.Trong khi nhiều điệp viên khác, thậm chí trong ba điệp viên đã được thăng hàm tướng, hai người đã phải bỏ trốn.Duy nhất Phạm Xuân Ẩn sống sót. Đó là lý do vì sao tôi gọi Ẩn là điệp viên hoàn hảo.
Việt Lâm: Vậy ông Ẩn có nói cho ông hay số lượng tin tức và độ chính xác của các tin tức mà ông ấy đã chuyển về Hà Nội trong thời chiến không?
Việt Lâm: Xin cung cấp cho ông một thông tin. Cách đây 7 năm, VietNamNet cũng đăng tải loạt phóng sự đặc biệt về cụm tình báo H.63, trong đó có chi tiết là ông Ẩn đã gửi hơn 400 bản báo cáo ra Hà Nội, và độ chính xác của chúng lên tới trên 80%, Ông có thấy con số này ấn tượng không?
Gs Larry Berman: Đây là một con số rất ấn tượng. Ẩn đã được trao 16 hay 17 huân huy chương cho các đóng góp của mình, trong đó có 4 hay 5 huân chương đặc biệt ghi công ông trong chiến dịch Ấp Bắc (*5) năm 1965, chiến dịch Tấn công Tết Mậu Thân 1968. Chúng ta chỉ được biết rằng các báo cáo của Ẩn đóng vai trò chủ chốt trong thành công của các chiến dịch mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã khẳng định.
Không có gì nghi ngờ gì nữa, 80% là rất ấn tượng.Làm cách nào mà ông ấy đạt được điều đó? Ẩn không ăn cắp thông tin từ người Mỹ. Ông ấy là một phóng viên, nhưng ông ấy còn là một điệp viên rất dũng cảm và có quan hệ sâu rộng. Chúng tôi gọi đó là tình báo con người. Ông ấy đã thực sự trở thành bạn rất thân với các quan chức chính quyền miền nam Việt Nam, trùm tình báo cũng như giới chức ở CIA.Những quan chức tình báo này đưa tài liệu cho ông ấy vì họ nghĩ ông là một phóng viên.Ông ấy là một bậc thầy trong việc thuyết phục người khác trao tài liệu cho mình, để Ẩn có thể sử dụng các kỹ năng phân tích tuyệt vời và viết báo cáo gửi cho Hà Nội.Đó là chìa khóa thành công của Ẩn.Phạm Xuân Ẩn là một nhà phân tích tình báo đại tài, cả về mặt tình báo và quân sự.
Việt Lâm: Liên quan đến chủ đề này, một độc giả tên Nam hỏi: GS có nghĩ rằng CIA có thể đã nghi ngờ Ẩn là một điệp viên cộng sản nhưng vì một lý do nào đó chưa biết, họ đã không loại trừ ông ấy hay không?
Gs. Larry Berman: Không. Trước đây nhiều người đã hỏi tôi câu này nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi tin là nếu CIA biết Ẩn là một điệp viên thì ông ấy đã mất mạng rồi. Ông Ẩn đã có nhiều bạn bè trong CIA và có mối quan hệ công việc khá tốt với CIA trên tư cách một phóng viên. CIA thậm chí còn cậy nhờ Ẩn cho các lời khuyên vì họ nghĩ ông ấy là một nguồn tin phi cộng sản đáng tin cậy. Nhưng họ không bao giờ nghi ngờ Ẩn là một điệp viên. Nếu họ có nghi ngờ, thì Ẩn đã không còn sống sót để kể câu chuyện cho chúng ta nghe.
Trong cuốn sách, tôi có kể lại câu chuyện rằng CIA thực tế còn tìm cách chiêu mộ Ẩn.Họ cố gắng lôi kéo Ẩn trở thành điệp viên cho mình.Ẩn đã không biết làm thế nào bởi vì ông ấy là một điệp viên cộng sản và CIA không biết điều đó. Ẩn băn khoăn liệu trong tương lai ông ấy có thể chấp nhận lời đề nghị để thâm nhập vào nội bộ CIA hay không. Do đó, ông ấy gửi tin ra Hà Nội để xin ý kiến. Hà Nội trả lời rằng phải từ chối vì việc này quá nguy hiểm.Tốt nhất là ông nên duy trì vỏ bọc là một nhà báo và tiếp tục công việc như đang làm.Bởi vậy, Ẩn đã từ chối lời mời của CIA.
Chú thích:
*1- H.63 là bí số của cụm tình báo bảo vệ Phạm Xuân Ẩn (X6), hay còn là Trần Văn Trung, hoặc Nguyễn Văn Trung (2T), điệp viên chiến lược của Cụm (lưới), đơn vị được phong danh hiệu AHLLVTND trước khi giải phóng Sài Gòn.
*3- Khi gặp lại một người của CIAsau cuộc chiến, ông Ẩn đứng trước câu hỏi: "Sự thật, ông là ai?", câu trả lời của thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn là: "Sự thật. Ông muốn sự thật nào?Sự thật là tôi là một đảng viên Đảng Cộng sản.Sự thật là tôi là một nhà báo".
*4- Tư Cang tên thật là Nguyễn Văn Tàu, Cụm trưởng của cụm tình báo H.63 bảo vệ cho Phạm Xuân Ẩn, người nổi tiếng với biệt tài bắn 2 tay 2 súng. Lưới H.63 đã có gần 30 giao thông viên đã phải chấp nhận hy sinh để những tin tức của Ẩn có thể ra được tới Hà Nội nhanh nhất.
*5- Ấp Bắc là lần đầu tiên quân đội miền Bắc Việt Nam đối diện với chiến thuật "Trực thăng vận, thiết xa vận", chiến thuật chiến tranh tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ. Người Mỹ đã không hiểu tại sao những lại có những làn đạn từ lòng đất đang cắm chốt chờ đợi họ tới một cách kiên cường như vậy.Có một câu nói của một đại tướng QĐNDVN đã trở thành nổi tiếng để giải thích trận đánh này: "Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh".
Nhà báo Việt Lâm
Theo: VietnamNet