Sau khi cúi chào cờ Tổ quốc, đặt tay lên Hiến pháp, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ:
"Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi — Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam — xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước hết trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông giữ chức Chủ tịch nước.
"Đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi xin nỗ lực cố gắng thực hiện những lời mà tôi vừa tuyên thệ", Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ.
Tiếp đó, Chủ tịch nước phát biểu một vài ý kiến "có tính chất báo cáo thêm với Quốc hội và giãi bày đôi chút về tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này"
"Chắc có lẽ có người sẽ hỏi hoặc muốn biết vào lúc này tâm trạng tôi thế nào? Tôi xin thưa thật là vừa mừng vừa lo.
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay.
Đến bây giờ cũng tâm trạng này nhưng có phần lo lắng hơn, vì 3 lý do:
Tôi có nhiều dịp nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay trên trường quốc tế.
Chúng ta có quyền tự hào, phấn khởi, vui mừng trước thành tựu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đạt được thời gian qua.
Nhưng tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế mà phải nêu cao tinh thần cảnh giác.
Diễn biến thế giới không thể lường trước được hết.
Thứ hai, từ hôm nay, tôi được Quốc hội trao cho nhiệm vụ là Chủ tịch nước, nhưng đồng thời đang gánh chức Tổng Bí thư của Đảng.
Công việc rất nhiều. Hội nghị Trung ương 8 vừa xong đã quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới.
Nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, trong khi trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ.
Sự hiểu biết không đáp ứng được yêu cầu. Thật tình là rất lo.
Trong khi đó tuổi tác đã lớn. Bác Hồ đã nói khi người ta tuổi càng cao thì sức khoẻ càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn tinh thần ấy.
Về cá nhân mình, sẽ ra sức phấn đấu, cố gắng làm hết sức mình đáp ứng yêu cầu và tình cảm mà Quốc hội, nhân dân đã dành cho" — Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trước Quốc hội và nhân dân cả nước.
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Phạm Văn Hòa — Phó Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, ông rất kỳ vọng với năng lực, sự năng nổ, sự quyết tâm cùng với sự đồng tình trong nội bộ và nhân dân, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao cho.
"Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ làm cho công tác đối nội, đối ngoại của Việt Nam được nâng cao.
Đặc biệt trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư — Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có sự quyết tâm rất cao trong đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng ở đất nước ta.
Tôi rất tin tưởng thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ phát huy ưu thế của mình trong thời gian qua.
Làm sao để tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam ngày càng tốt, ổn định hơn.
Trong đó, đặc biệt là bài trừ tệ nạn tham nhũng quyết liệt hơn, đến một giai đoạn nào đó không còn tình trạng này", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội; là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng).
Từ năm 1963 đến 1967, ông là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó công tác nhiều năm ở Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng biên tập từ tháng 8/1991 đến tháng 8/1996.
Từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII.
Tháng 1/2011, ông được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông tiếp tục được bầu giữ chức Tổng bí thư.