Quân đội Nga bắt đầu sử dụng những hệ thống pháo cỡ nòng 57mm ngay từ thời Đế chế Nga. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân được trang bị pháo tự hành diệt tăng ZiS-30 cỡ nòng 57mm. Viên đạn xuyên giáp trong pháo 57mm dù cỡ nòng khiêm tốn như vậy, nhưng nhờ nòng súng dài 4 mét cùng 24 rãnh, có tốc độ đạn đầu rất cao (1150 m/s) đủ để xuyên thủng lớp giáp của xe tăng hạng nặng của Đức Tiger (khác với đạn pháo cỡ 76mm). Năm 1950, Quân đội Liên Xô được trang bị pháo tự hành AZP S-60 57 mm và pháo tự hành ZSU — 57-2 nòng. Pháo S-60 đã được sử dụng rộng rãi trong lực lượng phòng không Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và đã cho thấy hiệu quả khi bắn mục tiêu trên không ở tầm cao trung bình. Quân đội Syria đang sử dụng pháo tự hành S-60 trong các trận chiến chống lại những kẻ khủng bố IS, đạn pháo bắn thủng các cứ điểm của chúng. Còn ở Liên Xô và sau đó ở Nga, các hệ thống pháo 57mm dần bị loại bỏ. Cỡ nòng 57mm hầu như bị lãng quên. Trong lực lượng pháo binh cỡ nòng nhỏ, ưu tiên được dành cho cỡ nòng 30mm.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Viktor Murakhovsky — Tổng biên tập tạp chí "Kho vũ khí của tổ quốc" — giải thích lý do tại sao ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội Nga đang hồi sinh pháo cỡ nòng bị lãng quên:
Theo tôi, nguyên nhân chính là tiềm năng của pháo tự động 30mm gần như hoàn toàn cạn kiệt. Không thể gia tăng hơn nữa khả năng chiến đấu của nó. Nguyên nhân thứ hai: đã xuất hiện các loại đạn mới, mà khả năng chiến thuật của chúng có thể được thực hiện đầy đủ chỉ với các cỡ nòng lớn hơn: từ 57mm trở lên. Ví dụ, đây là đạn pháo tự tính toán thời điểm nổ và đạn pháo tự điều chỉnh quỹ đạo.
Tổ hợp pháo tự hành Derivatsiya-PVO cho Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ được sử sụng trên mặt đất. Trong tương lai, nó sẽ thay thế các loại pháo cũ: pháo tự hành Shilka 23mm huyền thoại nhưng đã lỗi thời, và tổ hợp phòng không tự hành trang bị pháo và tên lửa Tunguska 30mm, — ông Viktor Murakhovsky nói. — Các phương tiện tấn công trên không đang phát triển khả năng chiến đấu, vì thế lực lượng phòng không cần phải chuyển sang sử dụng một cỡ nòng mới, với đạn dược cho phép bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao hơn. Xin nhắc lại rằng, ngoài tổ hợp pháo tự hành Derivatsiya-PVO, pháo 57mm được cài đặt trên module chiến đấu AU-220M Baikal của xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata. Một module chiến đấu mới khác dành cho xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh — module Epokha — cũng sử dụng pháo tự động 57mm, nhưng, đạn pháo của nó có những đặc điểm khác — quỹ đạo bắn có một hình cầu vồng giống như đường đạn khẩu pháo hoặc súng cối", — chuyên gia quân sự Nga cho biết.