Tự nhận mình là "đại biểu tập sự" nhưng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng — Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, lại được dư luận, cử tri nhớ đến rất nhiều với những chất vấn sắc sảo, thảo luận đi thẳng vào vấn đề của ông ở nghị trường.
Đặc biệt, ông cũng được các nhà báo "làm phiền" rất nhiều vì là đại biểu dám nói, nói đúng và trúng vấn đề. Ông cũng khẳng định cảm thấy "rất hạnh phúc" khi làm việc với báo chí.
Cuộc trò chuyện hơn một tiếng đồng hồ của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dành cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn xoay quanh những trăn trở của ông để làm sao hoàn thành tốt nhất vai trò của một người đại biểu đại diện cho cử tri và Nhân dân.
Không có ý định trở thành một người "châm ngòi" ở Quốc hội
Cá nhân ông suy nghĩ gì về đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 6 có nói: "Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã "châm ngòi" cho quá nhiều tranh luận ở đây".
Nhưng Chủ tịch cũng nhấn mạnh: "Đó cũng là việc hay, không khí dân chủ, trao đi, đổi lại để tìm ra sự đúng đắn, chân lý của vấn đề để cử tri hiểu". Ông suy nghĩ gì về nhận định của Chủ tịch Quốc hội về mình?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Thật sự tôi cũng không hiểu hết ý nghĩa về sự đánh giá của Chủ tịch Quốc hội.
Sự thực mà nói tôi cũng không nghĩ mình là người đi "châm ngòi".
Điều đơn giản là, khi tôi phát hiện và cảm nhận đó là vấn đề quan trọng của đất nước, gắn liền với thẩm quyền của Quốc hội, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội gắn với quyền lợi của Nhân dân, đất nước, thì tôi nêu ra trước nghị trường để thông tin và cùng thảo luận.
Và tôi thấy rằng điều đó cần phải được công khai hóa để cho Quốc hội với quyền lực tối cao bàn thảo. Bởi có những vấn đề mà phải từ vụ việc cụ thể, có chủ thể Quốc hội mới tạo cảm giác tin cậy, rõ ràng, từ đó liên hệ tới những vấn đề bao quát hơn.
Lấy những cái cụ thể để chứng minh cho những nhận định có tính chất chung như vậy mới tránh tình trạng chung chung, nói suông. Mặt khác cũng nhằm chỉ ra những vấn đề cụ thể để giải quyết hoặc giúp các cơ quan có liên quan biết, xử lý.
Những vấn đề tôi nêu ra hầu hết là vấn đề được bà con cử tri gửi gắm và quan tâm. Thậm chí có trường hợp cử tri nhắn tin, gọi điện thoại trực tiếp góp ý là cần ưu tiên phản ánh vấn đề của họ.
Ví dụ vào phiên chất vấn tôi chuẩn bị 15 vấn đề nhưng đành phải lược bớt, chọn vấn đề người dân bức xúc nhất để chất vấn.
Nguyên tắc của tôi là hành động đúng lương tâm và trách nhiệm, tôi muốn có sự đàng hoàng nhưng không thích "màu mè", "ve vuốt"; không có ý định trở thành một người "châm ngòi" hay người cố tình gây ra sự chú ý nào cả. Bản thân tôi không bao giờ nghĩ vậy.
Các vấn đề tôi nêu ra trước Quốc hội đều hết sức tự nhiên, có việc đã và đang tồn tại, hiển hiện.
Thậm chí có vấn đề đã có đại biểu nói trước rồi nhưng tôi thấy rằng cần thiết phải thảo luận, thông tin, phải để cho mọi người tham gia vào việc đó.
Tránh tình trạng để lâu mọi thứ sẽ "hóa bùn" hoặc "chìm xuồng".
Nói chung người dân rất tinh tường, luôn dõi theo từng vấn đề, nếu để ỉm đi là các cử tri không đồng tình đâu.
Ở đây có vấn đề cần lưu tâm, đó là nhận thức về Quốc hội: Quốc hội ngoài chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng thì phải thực hiện quyền giám sát, không giám sát tức là bỏ trống trận địa.
Nhưng khi nêu các vấn đề đó thường thì ai cũng ngại động chạm nên "né". Tôi nghĩ nếu muốn "an thân" thì dễ, nhưng lương tâm, trách nhiệm nó cắn rứt, chưa cần người dân phàn nàn thì mình đã phải tự phê.
Con tim mình mách bảo điều đúng, lẽ phải thì mình nên làm, đừng để cử tri phải giục, phải nêu các vấn đề đó để cho Quốc hội, các đại biểu cũng biết.
Tôi tin rằng, nhiều vấn đề tôi nêu trong một số kỳ họp có đại biểu lần đầu tiên tiếp cận các thông tin đó, có đại biểu biết rất sâu, rất rõ nhưng không tiện nói…
Thôi thì, mỗi người một cách sống, mình phát biểu không vì lợi ích cá nhân, lợi ích ngành, địa phương mà vì cái chung thì tốt nhất là đừng ngại.
Phải chăng vấn đề đại biểu nêu ra có sự động chạm gây nhiều tranh luận nên mới thành "châm ngòi"?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Không! Tôi nghĩ chủ yếu các vấn đề đó được mọi người quan tâm thì Chủ tịch cho rằng tôi là người "châm ngòi". Tôi không cố tình làm điều gì cả.
Chủ tịch Quốc hội nêu ra tôi nghĩ nó cũng là sự khẳng định rằng Chủ tịch Quốc hội biết rõ giá trị của các vấn đề mà đại biểu đề cập.
Giả sử không ai nói, không ai chất vấn hoặc Quốc hội không bàn thảo các vấn đề mà cử tri quan tâm hoặc Quốc hội "xuôi chèo mát mái" nơi nghị trường, thì Nhân dân sẽ đánh giá như thế nào?
Bây giờ Quốc hội chúng ta đổi mới chuyển từ "tham luận" sang "tranh luận", nếu thực sự tôi nêu vấn đề để cho mọi người cùng tranh luận để rõ vấn đề thì đó cũng là đóng góp của cá nhân tôi vào sự đổi mới của Quốc hội.
Có đồng chí Bộ trưởng nói với tôi, những cái mới thường là khó khăn, dễ bị…(cười)!.
Thực tế, nhiều phát biểu tại nghị trường và hành lang Quốc hội ở mỗi kỳ họp của ông có động chạm đến một số bộ ngành, địa phương, thậm chí cả cá nhân (dù đại biểu không nhắc tên). Có khi nào ông phải chịu áp lực từ chính các phát biểu đó?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Nếu nói không có thì cũng không đúng. Nhưng thực sự tôi không phải là người dễ bị ảnh hưởng bởi các áp lực đó. Tôi là một cựu chiến binh, là "anh Bộ đội Cụ Hồ" mà.
Có thể cách nói của tôi đơn giản — như thời tôi đi giảng đại học, nhưng các vấn đề nêu ra tôi đều nghiên cứu rất kỹ.
Thậm chí có những việc tôi phải xuống tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay, có việc mất nhiều ngày nghiền ngẫm, khảo sát, trao đổi với chuyên gia và xuống tận dân xin ý kiến.
Tôi cũng tìm hiểu rất kỹ về quá trình cổ phần hóa. Ví dụ như quá trình cổ phần hóa của Tổng Công ty vận tải Thủy Việt Nam, tôi đã gặp những người trong cuộc và trực tiếp chuyển đơn của họ.
Hay khi phát biểu hành lang về Metro Sài Gòn, tôi đã sắp xếp thời gian sau khi tiếp xúc cử tri ở Bến Tre về đã trực tiếp đi khảo sát, chui xuống đường ngầm đang khoan bằng robot mới, gặp chuyên gia người Nhật, gặp người trực tiếp thi công thành công đường hầm metro của Singapore, làm việc trực tiếp với Trưởng ban quản lý dự án…
Hay khi phát biểu về các vấn đề dân tộc, miền núi, trước đó tôi đã có thời gian cùng các đại biểu khác đi vào tận vùng lũ, vùng thiên tai, vùng "lõi nghèo", nói chuyện với già bản, các cháu nhỏ để biết đời sống của họ, nắm được sự quan tâm của Chính phủ, của địa phương đến đâu…
Vì vậy, khi nói ra tôi không ngại gì cả vì đó là thông tin thật, không ai bịa ra được mà cũng không ai có thể "lòe" hoặc nói lạc đi được.
Tiếp tục theo đuổi các mục tiêu dù có động chạm hay bị áp lực
Cá nhân tôi khi theo dõi các phiên làm việc của Quốc hội nhận thấy ông không những không ngại va chạm khi phát biểu mà các vụ việc đều được ông theo đuổi rất lâu và nhiều lần nhắc trước Quốc hội.
Ví dụ như vụ cổ phần hóa Tổng công ty vận tải Thủy, phân bón Thuận Phong…Ông suy nghĩ gì khi một số ý kiến cho rằng các vấn đề này quá mang tính sự vụ?
Như chúng ta đã biết, quá trình làm luật đã được "cày xới" rất nhiều về chính sách. Quá trình đó có nhiều người tham gia, góp ý để hoàn thiện. Nhưng giám sát thì không phải ai cũng làm được.
Tôi là luật gia và từng là luật sư làm bào chữa và tư vấn từ đó rất thấm thía về các vụ việc. Vì vậy tôi quan tâm đến hai vấn đề chính:
Thứ nhất, là vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân. Đây là trách nhiệm đầu tiên mà đại biểu phải xem xét, dành sự quan tâm đặc biệt. Mình do dân bầu ra, gửi gắm mà cứ đi nói những điều đâu đâu thì ích gì, ai còn tin mình?
Quyền lợi của người dân tức là quyền lợi của đất nước. Đây là phản ánh bộ mặt của đất nước.
Không lo được các vụ việc của người dân để cho người ta oan ức, chịu thiệt thòi để cho những kẽ lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà dân trao cho để xâm hại quyền lợi ích chính đáng của người dân theo Hiến pháp, pháp luật thì không còn xứng đáng là đại biểu nữa rồi.
Mà mình cũng là dân, lo cho dân tức là lo cho mình. Các vụ việc, những gì liên quan đến người dân tôi rất ưu tiên.
Thứ hai, là tôi đặt mục tiêu mình phải góp phần vào chống tham nhũng.
Việc xâm hại quyền lợi của người dân trong đó có nguyên nhân là tham nhũng. Hai thứ này liên quan đến nhau.
Vì vậy, tôi rất quan tâm đến các "vụ việc". Ở đây có những vụ việc xảy ra từ lâu, có những vụ việc mới xảy ra. Tham nhũng là khái niệm chung, nhưng phải thể hiện qua vụ việc cụ thể chứ.
Cần hiểu rằng, cử tri phản ánh tức là còn quan tâm, còn đóng góp cho chính quyền nhưng nhiều nơi thậm chí bỏ ngoài tai. Đi ngược, coi thường họ nên mới có hệ lụy như ngày hôm nay, thật chua chát.
Ví như, nếu 20 năm trước hay ít ra 10 năm trước mà quan tâm xử lý tốt vụ việc Thủ Thiêm thì đã không có câu chuyện "thất thủ" như ngày hôm nay.
Nếu quan tâm xử lý tốt kiến nghị, tố cáo của đảng viên và bà con nông dân thì không có chuyện xảy ra ở Đồng Tâm, có cả hơn chục cán bộ mất chức, vụ việc ồn ào như vậy…
Những cán bộ mà đã cố thủ trong "lô cốt sai phạm" thì bên ngoài kia gậy gộc, chổi tre không ăn thua. Cuối cùng người dân phải đánh "bộc phá" vào "lô cốt sai phạm" đó thì mới bung ra. Phải "cháy nhà" thì mới ra sai phạm.
Khi Đảng thực hiện chiến dịch phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, đáp ứng được nguyện vọng của người dân thì lập tức phát hiện ra một số cán bộ sai, mà là sai trầm trọng.
Ngay khi tôi nói ở kỳ họp thứ 2 của Quốc hội rằng, Đảng, Nhà nước chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, thì ngược lại việc tổ chức thực hiện chính sách về cổ phần hóa đang bộc lộ nhiều sai phạm, bị làm trái gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.
Đây là vấn đề tham nhũng cần phải được giám sát. Ý kiến này của tôi đã được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo thực hiện nay đã có kết quả tốt.
Trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng có điểm mà tôi rất đồng cảm đó là: mấu chốt của hạn chế, tồn tại trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dẫn đến tham nhũng chính là "tử huyệt" đất đai.
Người ta không mua doanh nghiệp để khôi phục, làm ăn mà để chiếm hữu "đất vàng", "đất kim cương" với cơ chế thân hữu, chia chác, rút ruột nhà nước.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Hiện tại tôi đã chuyển sang công tác tại Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Trước hết, tôi sẽ khẩn trương làm các công việc được giao. Hiện tôi được đồng chí Trưởng ban Dân nguyện giao giúp lãnh đạo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và công tác giám sát.
Khi được đồng chí Trưởng ban phân công nhiệm vụ, tôi cũng phải nghiên cứu các quy định và cùng với các đồng chí lãnh đạo của Ban, cán bộ ở Vụ Dân nguyện sẽ nghiên cứu để tiến hành công việc sao cho hiệu quả nhất.
Tiếp đó, về phương diện cá nhân, tôi sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu mà mình theo đuổi từ khi được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội.
Bản thân tôi cũng nhận ra mình phải nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động và càng ngày càng phải hoàn thiện các mặt hoạt động để luôn thực sự là đại biểu của Nhân dân.
Ở đây không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ thông thường. Bởi theo tôi hoàn thành nhiệm vụ không quá khó. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu phải đặt đòi hỏi cao hơn cho bản thân. Trong đó không được ngại hy sinh, va chạm.
Đồng thời phân biệt rõ thực hiện nhiệm vụ của Ban Dân nguyện với trách nhiệm của cá nhân đại biểu Quốc hội, mặc dù việc này có sự hỗ trợ cho việc kia nhưng không lẫn lộn hai loại việc.
Tôi mong muốn cùng với các đại biểu khác phối hợp cùng nhau nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi cá nhân.
Muốn vậy thì đại biểu phải hiểu sâu sắc quyền và trách nhiệm của mình. Sợ nhất là các cá nhân không biết hết quyền và trách nhiệm của mình đến đâu dẫn đến vô ý làm sai.
Tiếp đó, tôi vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu mà tôi đặt ra ngay khi là đại biểu Quốc hội.
Cái gì liên quan đến quyền lợi của dân, cái gì liên quan đến vấn đề tham nhũng tôi sẽ theo đến cùng. Chúng ta có trách nhiệm, được giao để làm việc này nếu không làm tôi sẽ rất nuối tiếc.
Có người làm đến 5 khóa Quốc hội chứ còn tôi không có nhiều cơ hội tham gia nhiều khóa Quốc hội như vậy.
Tôi luôn nghĩ mình vẫn đang chỉ là đại biểu Quốc hội "tập sự" thôi, nhưng tôi sẽ cố gắng bằng tất cả khả năng, nhiệt huyết để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của một đại biểu mà sẽ không ngại va chạm, cọ xát hay áp lực. Mình là "chiến sỹ" mà!.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!