"Nếu bạn nghĩ rằng các vệ sĩ của Chủ tịch Kim rất nhanh, thì hãy nhìn phiên dịch viên của ông ấy".
Câu nói đùa hóm hỉnh trên đặc biệt dành cho ông chú phiên dịch viên siêu dễ thương của phái đoàn Triều Tiên. Sáng 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) sau khoảng 60 giờ đi tàu bọc thép qua lãnh thổ Trung Quốc, nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần 2.
Nhà lãnh đạo xuống tàu một mình, bước đi trên thảm đỏ, tiến về phía các quan chức cấp cao Việt Nam đang nghênh đón. Khi ông sắp bắt tay một đại diện chủ nhà, từ phía sau, người phiên dịch bất ngờ chạy tới thần tốc, luồn lách qua đoàn tuỳ tùng, lao về phía Chủ tịch và kịp "phanh" để làm nhiệm vụ. Báo giới quốc tế ví von ông như một vận động viên điền kinh Olympic.
Khoảnh khắc thú vị này xuất hiện trong đoạn clip của kênh truyền hình KBS News, dù nam phiên dịch viên chỉ lên hình vài giây nhưng kịp để lại nhiều ấn tượng. Trên MXH, rất nhiều người đã bày tỏ sự quan tâm đến đến đoạn clip. Bất ngờ hơn, theo tìm hiểu, người này từng là sinh viên khoa tiếng Việt Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội hơn 30 năm trước (nay là khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn — ĐH Quốc gia Hà Nội).
Phiên dịch viên với cú lao "thần sầu" nổi tiếng của mình.
"Đó là học sinh cũ của bố"
Ông Ri Ho Jun (khoảng 57 tuổi) bất ngờ nổi tiếng sau cú chạy thần tốc của mình tại ga Đồng Đăng. Ông là một trong số 4 nhân viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên được cử sang Việt Nam học tiếng Việt những năm 80.
Thời đó, giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy ông Ri cùng đồng môn là thầy Trần Nhật Chính. Thầy Chính nhớ rõ hình ảnh nhóm 4 em sinh viên Triều Tiên, vô cùng chăm chỉ và nghiêm túc theo đuổi ngành tiếng Việt hệ cử nhân 4 năm, từ 1984 đến 1988.
"Anh ấy (Ri Ho Jun — PV) có vẻ như là trưởng nhóm, năm đó anh khoảng 22 tuổi", thầy Chính nói. "Cậu Ri là người điềm đạm, hoạt bát và học hành chăm chỉ, dù không phải tốt nhất trong 4 người".
"Chính ra lúc ấy mình nghèo, Triều Tiên cũng nghèo, chẳng có gì, đối đáp bằng tình cảm là chính".
Những năm đất nước chưa mở cửa, sinh viên nước ngoài học tiếng Việt chưa nhiều. Khoa chủ yếu dạy tiếng cho nhân viên đại sứ quán như Trung quốc, Nga, Ba Lan, Romania,… Sinh viên quốc tế ở nội trú hoàn toàn trong trường, được học tập, sinh hoạt theo chính sách ngoại giao với các nước khi đó.
Thầy Chính không biết tiếng Triều Tiên, ông Ri cùng các bạn mới học tiếng Việt, nói chưa sõi. Nhiều lúc, trong một số trường hợp, thầy trò phải "mượn" tiếng Anh mới "hiểu lòng nhau".
"Là người chuyên dạy tiếng Việt, tôi biết mình phải nói những gì, nói như nào để sinh viên dễ học, chứ không phải nói như những người Việt Nam với nhau. 4 em Triều Tiên học tập nghiêm túc, luôn đeo huy hiệu nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành một cách trang nghiêm".
Cuối năm 1988, 4 sinh viên Triều Tiên tốt nghiệp về nước. Trong số họ, một người bỏ nghề ngoại giao và ra ngoài kinh doanh. Một người không may tai nạn qua đời. 2 người còn lại, Ri Ho Jun và Park Sang Kin, tiếp tục làm việc tại đại sứ quán Triều Tiên ở Việt Nam.
"Cảm giác mình cũng vui, tự hào vì học trò thành đạt trong cuộc sống. Qua nhiều năm, Ri Ho Jun đã thực sự trưởng thành hơn rất nhiều, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở cơ quan ngoại giao. Nhìn thấy sinh viên cũ xuất hiện trong vai trò phiên dịch viên cho Chủ tịch Triều Tiên khi đến Việt Nam, tôi thực sự xúc động
Sau này khi có dịp quay lại Việt Nam, cậu Ri vẫn thường gặp tôi cùng uống bia. Còn nhớ ngày xưa tiếp xúc với sinh viên nước ngoài là cả một vấn đề".
"Tiếng Việt là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới"
Có lần, khi đảm nhiệm vị trí bí thư thứ ba Đại sứ quán Triều Tiên, ông Ri mời cả gia đình thầy Chính đi ăn tại một nhà hàng nổi tiếng trên phố Tràng Thi, Hà Nội. Khi đó, con gái của Ri Ho Jun cũng sang Việt Nam và học tiếng Việt tại khoa. Thầy Chính tiếp tục là người đứng lớp dạy tiếng cho con gái ông Ri.
Ngày xưa, ông Ri rất thích chụp ảnh, thường cùng vợ con thầy Chính tới công viên Thủ lệ vui chơi. Những bức ảnh đen trắng được thầy Chính giữ gìn cẩn thận cho tới bây giờ, nhìn lại, thầy chỉ điểm rõ mặt từng người trong nhóm sinh viên Triều Tiên năm đó.
"Khoa tiếng Việt không chỉ dạy tiếng, mà còn cả văn hoá Việt Nam. Khoa được mệnh danh là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Những người nước ngoài đến đây học tiếng Việt khi về nước họ tiếp tục kể lại câu chuyện về đất nước, con người chúng ta. Từ đó, nhiều người biết đến Việt Nam".
Giống như nhiều người khác, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, thầy Chính cũng hy vọng về một viễn cảnh hoà bình.
"Hơi tiếc một chút. Nhưng dù sao đi nữa, sau thượng đỉnh, cả thế giới đều biết đến Việt Nam. Điều này tốt hơn bất cứ phương thức quảng bá nào. Tôi tin, sau này, 2 nhà lãnh đạo tiếp tục gặp gỡ cho một tương lai mới".