Theo đánh giá của tạp chí này, nếu ông Duterte không thực hiện bất kỳ bước ngoặt nào trong chính sách của mình thì sự hiện diện của Nga trong khu vực sẽ giúp điều chỉnh tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời duy trì cân bằng hòa bình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã học được điều gì đó từ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống "sự hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông: ông tranh thủ nhận sự hỗ trợ của “Rosneft” Nga để phát triển các mỏ dầu khí ở vùng biển Philippines đang bị Bắc Kinh tranh chấp, - Forbes thông báo.
Vấn đề Biển Đông
Trung Quốc khẳng định rằng họ sở hữu Biển Đông, vì thế ráo riết làm mọi thứ ở đó để củng cố vị thế. Cụ thể, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo - đi ngược lại phán quyết của Tòa án quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng bằng cách phái tàu vào vùng biển tranh chấp.
Việc liên kết nỗ lực với “Rosneft” cho thấy một sự thay đổi kế tiếp trong lập trường của Manila về vấn đề Biển Đông. Bắt đầu từ năm 2016, ông Duterte đã thử nhiều cách khác nhau để xoay xở đối chọi với yêu sách của Trung Quốc, lúc thì “ly dị” với Washington và xích gần hơn với Bắc Kinh, rồi sau đó, ngược lại, “ly dị” với Bắc Kinh và quay trở về vòng ôm của Washington.
“Rõ ràng là bằng cách như vậy, Tổng thống Duterte cố gắng duy trì hòa bình trong khu vực. Nhưng chiến thuật đó đã không đạt hiệu quả. Người Philippines đã phải trả giá đắt cho sự đảo ngược lập trường chính trị đột ngột của họ ở Biển Đông dưới dạng thách thức lặp đi lặp lại từ phía Bắc Kinh với chủ quyền của đất nước này", - Forbes lưu ý.
Bước đi thông minh
Bây giờ ông Duterte quyết định thử phương thức mới: hợp tác với tập đoàn Nga mà cổ đông chính là Chính phủ Nga.
“Đối với Duterte đây là bước đi thông minh”, - tạp chí đánh giá.
“Khác với Trung Quốc, Nga không tuyên bố tham vọng chủ quyền với Biển Đông còn các tập đoàn Nga cố gắng khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia với tư cách nhà thầu. Việc ký kết hợp đồng dịch vụ với các công ty không vi phạm Hiến pháp Philippines, vì rằng trong giao kèo nêu rõ là chủ quyền của Philippines hoặc quyền chủ quyền của quốc gia này có hiệu lực tối thượng trong các khu vực mục tiêu. Các công ty sẽ chỉ đóng vai trò nhà cung cấp dịch vụ thông thường cho Chính phủ”, - nhà báo Pia Ranada lưu ý.
Đồng thời, sự hiện diện của Nga trong vùng biển tranh chấp có thể dẫn đến sự thay đổi trong trò chơi khu vực, bởi động thái như vậy dễ khiến Bắc Kinh chống lại Matxcơva.
“Rosneft” là tập đoàn mà dịch vụ đã được Việt Nam sử dụng để tìm kiếm dầu khí trong vùng biển của đất nước, nơi Bắc Kinh cũng đang tranh chấp. Hiện diện của một tập đoàn Nga đã trở thành một yếu tố mới trong phương trình. Điều đặc biệt phức tạp đối với Trung Quốc bây giờ là chống lại hạm đội Nga, vốn luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích khu vực của Matxcơva.
“Bước đi này chắc chắn đã tác động đến tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và sự nghiệp duy trì hòa bình trong khu vực. Và điều tương tự cũng có thể diễn ra với Philippines, với điều kiện ông Duterte không đổi ý đột ngột lần nữa”, - Forbes kết luận.