Theo nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế, Việt Nam đủ thông minh và khôn khéo để xác định được ai là “bạn”, ai là “đối tác”, và sẽ không can dự vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Cụ thể, theo cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, khi Mỹ - Trung cạnh tranh chiến lược, các nước đều vẫn có lựa chọn không phải đứng về phe nào giữa hai phía.
Vì sao có cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung?
Cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường như đối đầu căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở xung đột thương mại, phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông mà đã mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực chính trị - kinh tế- ngoại giao, an ninh quốc phòng và khoa học công nghệ.
Xuất hiện quan điểm lo ngại rằng quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang bước vào thời kỳ đen tối, tồi tệ và căng thẳng nhất trong lịch sử 40 năm qua. Thậm chí, nhiều nhà phân tích, chuyên gia chính trị học còn cho rằng, Washington và Bắc Kinh có thể đang ở bờ vực của cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đáng ngại hơn cả thời Chiến tranh Lạnh giai đoạn 1953 -1962 giữa Liên Xô và những quốc gia khối Đông Âu với Hoa Kỳ với đồng minh (khối phương Tây) sau Thế chiến II.
Dân gian Việt Nam có câu, “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Trên thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh và đối đầu giữa các siêu cường với nhau, hoàn toàn có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm không chỉ riêng với bản thân “bên trong cuộc” – tức cả chính Mỹ - Trung Quốc mà còn tác động đến nhiều quốc gia khác, có quan hệ đối tác với Bắc Kinh và Washington, cũng như các khu vực trên thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam.
Bình luận về vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh chia sẻ trên Giao thông rằng không phải bây giờ Mỹ và Trung Quốc mới cạnh tranh nhau. Thế đối đầu bắt đầu hình thành và âm ỉ đặc biệt từ sau năm 1972.
“Thực tế thì hai quốc gia này đã cạnh tranh với nhau ngay từ Hoa Kỳ chưa thừa nhận đất nước Trung Quốc mới cách đây. Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau”, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.
Vị chuyên gia phân tích nhiều giai đoạn lịch sử mang tính dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 1949 - 1972) Mỹ thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
Tại thời điểm này, giữa hai nước không có giao lưu, trao đổi, không có quan hệ thương mại. Về chính trị, Mỹ không thừa nhận nước Trung Quốc mới.
Trong khi đó, bước sang giai đoạn 2 (từ năm 1972 – 1979), sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon, xuất phát từ nhu cầu của Chiến tranh lạnh, Mỹ thực hiện chiến lược quân sự đối với Trung Quốc, hình thành tam giác Trung - Mỹ - Liên Xô.
Tiếp đến, trong giai đoạn 3 (từ năm 1979 - 2016), theo ông Phạm Quang Vinh, Mỹ thực hiện chiến lược “can dự là chính” đối với Trung Quốc. Kể từ sau năm 1978, giữa Trung Quốc và Mỹ hình thành thời cơ chiến lược “can dự - hội nhập”. Sau năm 1978, Mỹ hy vọng thông qua quan hệ với Trung Quốc để lôi kéo Trung Quốc vào hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn dắt.
Trong giai đoạn hiện nay, theo cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, chính quyền Hoa Kỳ đã bắt đầu nhìn nhận lại mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh trong gian đoạn cách đây hơn 40 năm.
Theo đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhận thấy rằng đã đến lúc phải thay đổi mối quan hệ của mình với chính quyền Trung Quốc theo hướng mới, công bằng và “có đi có lại”. Để từ đó, Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị thế số một của mình.
“Hoa Kỳ có vẻ như cũng nhận ra rằng Trung Quốc đã không còn thực hiện các cam kết của mình với Mỹ và trật tự thế giới dưới sự ảnh hưởng của Washington như trước đây”, ông Vinh cho biết.
Trong khi đó, về phần mình, bản thân Trung Quốc cũng bộc lộ rằng họ không cần phải “giấu mình chờ thời” nữa mà cần phải phô trương nhiều hơn, tạo ảnh hưởng nhiều hơn và xác lập vị trí của mình cao hơn trên các đấu trường khu vực và quốc tế khi sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy, đặc biệt là các tham vọng về lãnh thổ và tiếng nói của Bắc Kinh ở các diễn đàn toàn cầu.
“Sự lớn mạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng chính trị, tham vọng của Trung Quốc cũng đã hình thành nên những cọ sát không thuần túy với các giá trị tương ứng của Mỹ ở nhiều khu vực, tổ chức trên thế giới”, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh bày tỏ.
“Chiến tranh Lạnh” mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra như thế nào?
Theo ông Phạm Quang Vinh, đường hướng của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc đã có nhiều biến chuyển rõ nét kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống.
Chỉ một năm sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt tay vào việc đưa các khẩu hiệu khi tranh cử như Làm nước Mỹ vỹ đại trở lại (Make America great again), Nước Mỹ trước tiên (America first) thành các chính sách thực sự (chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, đàm phán lại các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc...).
Trung Quốc được Hoa Kỳ xác định là đối thủ cạnh tranh chiến lược, mà tiên phong là lĩnh vực thương mại, bên cạnh nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, ngoại giao, quân sự... Chính sách này có thể nhận thấy rõ nét nhất trong năm 2018.
Về góc độ thời gian, thì trước tháng 5/2020, trong số các nhân vật cấp cao của Nhà Trắng, chỉ có Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là người có những phát ngôn đả động nhiều đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 trở về sau này và cho đến bây giờ, đã có hàng loạt các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng, kể cả ông Donald Trump, cũng bắt đầu có những bài phát biểu nhắm trực tiếp vào Trung Quốc. Trong số đó, đáng lưu ý có 4 bài phát biểu của các quan chức cấp cao ở các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, tư pháp và tình báo gián điệp.
Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bước sang thời kỳ cạnh tranh chiến lược một cách rõ ràng. Có thể thấy, Mỹ sợ rằng một lúc nào đó Trung Quốc sẽ soán ngôi siêu cường hàng đầu bấy lâu nay Washington vẫn đang nắm giữ.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới sẽ không thể giải quyết cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, bởi nó là một cuộc cạnh tranh có tính chất lâu dài.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, một lúc nào đó trong cuộc cạnh tranh này, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ có thỏa hiệp, nhưng tình thế sau đó vẫn là cạnh tranh.
Nguyên Đại sứ cho rằng, sẽ là có cơ sở để tin rằng 2 nước sẽ bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, và điều này sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không giống như Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trong quá khứ.
Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô ngày trước đã hình thành nên hai hệ thống chính trị đối lập nhau (XHCN và TBCN). Các quốc gia trong hai phe này gần như không có quan hệ gì với nhau. Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô được hai nước đứng đầu bảo lãnh và tài trợ.
Trong khi đó, Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc lại có những đặc điểm khác. Theo ông Vinh, cuộc chiến này sẽ không phân tuyến như đối đầu Mỹ - Liên Xô, mà sẽ vẫn có không gian cho các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) duy trì được vị trí, tiếng nói của mình.
Cuộc chiến đó có thể sẽ có những diễn biến phức tạp, các bên cũng sẽ gia tăn sức tập hợp lực lượng đứng về phía mình nhưng sẽ không đến nỗi buộc các nước nhỏ phải lựa chọn.
Thêm vào đó, đến nay Mỹ chưa chính thức xem Trung Quốc là kẻ thù. Trong các tuyên bố, bài phát biểu đưa ra bởi giới chức Hoa Kỳ, nước này vẫn chỉ sử dụng các cụm từ như “thách thức” hoặc “mối đe dọa” khi đề cập đến các vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.
Chắc chắn rằng, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ nỗ lực để thể hiện “ai hơn ai” về tất cả các linh vực trên tất cả các đấu trường. Hiện tại, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chiếm đến 40% tổng giá trị trao đổi thương mại toàn cầu.
Vì lẽ đó, tuy lĩnh vực thương mại giữa hai nước có thể bị ly tán nhưng chắc chắn sẽ không bị triệt tiêu hoàn toàn.
Ông Vinh nhận xét, trong cuộc chiến này, Trung Quốc có khả năng ứng phó và đáp trả lại Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau cuộc bầu cử tháng 11?
Nguyên Đại sứ nhận định, dù trước hay sau bầu cử, cả hai đảng (Cộng Hòa và Dân Chủ) đều có điểm tương đồng trong việc nhìn nhận, đánh giá về Trung Quốc. Căng thẳng Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp tục diễn ra sau bầu cử, dù cho người thắng là ông Trump hay ông Biden.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp giả định là ông Biden của đảng Dân Chủ thắng cử, thì chính sách của Hoa Kỳ dưới thời ông Biden có thể sẽ hơi khác một chút so với người tiền nhiệm. Mặc dù vậy, về tổng thể vẫn sẽ là cạnh tranh chiến lược như hiện nay.
Có thể ông Biden sẽ không có những tuyên bố, quyết sách gây sốc như ông Trump. Thay vào đó, sẽ có những thỏa thuận, thỏa hiệp ở một giai đoạn nào đó với chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù ông Biden có lên làm Tổng thống thì cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ vẫn là lâu dài, dù không có triệt tiêu nhau, không phân tuyến như Chiến tranh Lạnh Mỹ - Xô.
Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng có thể điều chỉnh các chính sách của mình theo hướng như vậy sau khi tái cử.
Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh hai nước lớn cạnh tranh?
Nguyên Đại sứ Phạm Quanh Vinh nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đường lối độc lập, tự chủ, làm bạn với thế giới trong bối cảnh hai nước lớn cạnh tranh nhau.
Ông Vinh cho rằng, dù có tạo ra những phức tạp, khó khăn chung đối với thế giới và khu vực, cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này cũng tạo ra cho các nước nhỏ như Việt Nam cơ hội, chẳng hạn như sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, các nước nhỏ còn có lợi về mặt an ninh. Cụ thể, việc các nước lớn cạnh tranh nhau sẽ làm sinh ra các trật tự và luật lệ mà tất cả phải tuân thủ. Với những quốc gia nhỏ hơn, luật lệ, trật tự, pháp luật quốc tế là những thứ cơ bản, cần thiết để dựa vào, để từ đó có thể thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia của chính mình.
Khi hai nước lớn cạnh tranh chiến lược, các nước khác cũng vẫn có lựa chọn không phải đứng về phe nào giữa hai phía, vẫn giữ được quan hệ với nhau. Đơn cử, Trung Quốc và Mỹ đều là những đối tác kinh tế, chính trị lớn nhất của Việt Nam.
Thêm nữa, chủ nghĩa đa phương sẽ tiếp tục được duy trì. Có hai yếu tố cơ bản sẽ luôn được duy trì đó là “lợi ích quốc gia” và tôn trọng “luật pháp quốc tế”, dù nước nhỏ hay nước lớn.
Về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, trong khi Trung Quốc tự coi đó là “giá trị cốt lõi” của mình bất chấp sự phản đối của dư luận, luật pháp quốc tế thì Hoa Kỳ coi đây là khu vực mà Washington có “lợi ích cốt lõi”.
Mỹ muốn đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi các quốc gia khác muốn duy trì chủ quyền của mình ở khu vực. Các lợi ích, tuyên bố của các bên trong tình thế này không song trùng nhau, do đó tất cả đều phải “thượng tôn pháp luật”.
Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, Việt Nam có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hai nước Mỹ - Trung cạnh tranh chiến lược.
Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh để đảm bảo chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia của Việt Nam không bị xâm phạm, thông qua việc ủng hộ các lực lượng cùng có quan điểm với chúng ra, tuân thủ và thượng pháp luật quốc tế, cũng như xem đó là nền tảng pháp lý trong công cuộc này.
Việt Nam không chọn phe
Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia, đường lối đối ngoại “bốn không” mà Việt Nam lựa là hợp lý. Đặc biệt, trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ, Việt Nam tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều này nằm trong hiến chương Liên Hợp Quốc, là cách ứng xử của mọi quốc gia.
Trên cơ sở đó, Việt Nam quy định “ba không” về mặt quân sự là không đứng bên này chống bên kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự.
Như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng chia sẻ về việc “không nước nào có thể buộc Việt Nam chọn phe”, qua đó nhấn mạnh, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhất là đối ngoại Quốc phòng luôn nhất quán, đặt lợi ích quốc gia dân tộc là “Tối thượng” và không chọn phe cánh.
“Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, có những nước đã buộc phải chọn bên, nhưng Việt Nam không làm như vậy. Chúng ta có quan hệ tốt hay xấu, gần hay xa, ủng hộ hay không ủng hộ nhưng luôn giữ độc lập, tự chủ trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam quan niệm, Việt Nam là của thế giới, Việt Nam vì thế giới, nhưng giá trị của Việt Nam là của Việt Nam và Việt Nam tự bảo vệ lấy.
“Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết.
Theo đó, có nhiều chuyên gia đưa ra đánh giá rằng, với sách lược “bốn không” nêu trên, Việt Nam đã nhận thức rõ được vấn đề đâu là chuyện phải đấu tranh bảo vệ chủ quyền, “nguyên tắc tối thượng và bất biến” phải bảo vệ, đâu là cuộc đua giữa các nước lớn, cuộc chiến không cân sức mà Việt Nam nên tránh.
Điều này cũng có nghĩa là, Việt Nam đã và sẽ không chọn Mỹ hay Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Hà Nội sẽ duy trì đường lối trung lập.
Giống như cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược lực lượng Hoa Kỳ, chuyên gia quân sự an ninh – quốc phòng Elbride Colby từng chia sẻ trong cuộc họp báo ở TP.HCM trước đây nêu rõ, Mỹ không muốn Trung Quốc bá quyền ở khu vực, người Mỹ không muốn rơi vào tình trạng phải đi xin phép người Trung Quốc nếu muốn làm ăn, hợp tác với Việt Nam hay nhiều nước khác.
Đồng thời, Mỹ hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc trung lập, không liên minh với nước khác mà Việt Nam theo đuổi. Bản thân Washington không ép các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, liên minh với mình để đối đầu trực diện với Trung Quốc theo kiểu chọn lựa giữa Mỹ và Liên Xô vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Việt Nam là một nước độc lập và có sự tự chủ mạnh mẽ, chuyên gia Colby nêu rõ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, còn thực tế rõ ràng rằng, nếu Biển Đông “vắng bóng Mỹ” và thiếu sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế thì Trung Quốc sẽ biến khu vực này thành sân nhà của mình.
Do đó, ít nhất ở thời điểm hiện tại Bắc Kinh “vuốt mặt” vẫn còn phải e dè Washington. Mỹ cũng không đứng khoanh tay nhìn Trung Quốc “nuốt trọn” Biển Đông hay làm mất đi vị thế siêu cường của mình trên chính trường thế giới.
Theo giới quan sát, Việt Nam, dù kiên định lập trường ở Biển Đông, nhưng cũng phải cân nhắc đường lối ngoại giao để “vừa không đi với nước này chống nước kia”, vừa có thể bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc và dần củng cố vị thế địa chính trị của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.
Đọc thêm: