Người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, đóng cửa đề phòng các bệnh về hô hấp do sát thủ thầm lặng ‘bụi mịn’ gây ra, thậm chí có thể gây ra nguy cơ tử vong sớm cho nhiều trường hợp.
Báo động ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam
Những ngày qua, theo hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí của Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Ủy ban Nhân dân các TP. Hà Nội, TP.HCM, trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng như Air Visual, PAM Air cho thấy các điểm quan trắc ở Hà Nội, các tỉnh lân cận phía bắc và ở TP.HCM, chỉ số ô nhiễm đều rất cao, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân.
Thống kê kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí tự động của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho thấy, bắt đầu từ cuối tháng 10/2020 trở lại đến nay, chất lượng không khí diễn biến xấu đi, nghiêm trọng hơn so với các tháng trước đó.
Đặc biệt, trong đầu tháng 11 và 12/2020 xuất hiện nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và TP.HCM.
Báo cáo của Tổng Cục Môi trường cho thấy, kết quả đo trong tháng 11 và đầu tháng 12/2020 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại Hà Nội và TP.HCM hầu hết đều cao hơn các đô thị khác.
Theo đó, ở thủ đô Hà Nội đã có 11/41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam 05:2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hoài Nam cho biết, kể từ cuối năm 2019, khi bàn về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề cập đến nhiều giải pháp trước mặt, dư bị và lâu dài hơn.
Đối với giải pháp cấo bách, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khi xảy ra ô nhiễm yếu tố từ tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết, thì cần triển khai nhiều biện pháp mang tính cấp thiết như phun, rửa đường, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí từ đường phố, khói bụi.
Về lâu về dài, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ xem xét ban hành dự thảo chỉ thị tăng cường kiểm soát ô tô nhiễm môi trường không khí.
Tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng với tỷ lệ bụi mịn PM2.5 tăng cao.
Xác định nguyên nhân khiến Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Tại Hà Nội, chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, nhiều thời điểm chất lượng không khí ở mức kém, thậm chí không đạt chuẩn, nhất là trong tuần vừa qua.
Cụ thể tại các khu vực trong nội thành Hà Nội từ đầu tháng 11 đến nay, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại nhiều trạm quan trắc không khí tự động trong khu vực nội thành khá cao, tập trung thành những đợt ô nhiễm (diễn ra trong khoảng 2-3 ngày).
Trong những ngày này, hầu hết các trạm đều cho thấy giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với Quy chuẩn Việt Nam.
Đồng thời, kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm của Hà Nội cho thấy, trong đầu tháng 12 tại một số trạm chỉ số AQI đã mức xấu, mức có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, theo kết quả quan trắc từ 35 trạm đo lường chất lượng không khí tại Hà Nội, trong ngày 13/12, thời điểm khoảng 9h sáng, có 19/35 trạm quan trắc cho kết quả không khí chất lượng kém. 16 trạm cho kết quả chất lượng không khí ở mức xấu.
Đến ngày 14/12, thời tiết Hà Nội vẫn âm u, mờ sương, không khí đặc quánh mà theo mô tô của nhiều người là gây cảm giác khó chịu, ngột ngạt, bức bối.
Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí thời gian này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, có ba nguyên nhân chính gây ra những ngày mà tình trạng chất lượng không khí xấu đi nghiêm trọng.
Theo đó, nguyên nhân thứ nhất là nguồn thải từ hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, sản xuất công nghiệp, khói thải từ các điểm đốt rác tự phát tràn lan.
Nguyên nhân thứ hai là nguồn ô nhiễm di chuyển tác động qua lại từ các vùng lân cận, từ bên ngoài và từ các tỉnh, địa phương xung quanh vào Hà Nội.
Nguyên nhân thứ ba, theo Sở Tài nguyên và Môi trường là do sự thay đổi của thời tiết. Theo đó, các nguồn ô nhiễm không được khuếch tán, ngưng tụ khiến mức độ ô nhiễm gia tăng, chất lượng không khí xấu đi thấy rõ.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh.
Vào buổi tối nhiệt độ không khí giảm mạnh, lặng gió khiến bụi mịn PM2.5 từ sát mặt đất không thể phát tán lên cao và đi xa.
Trước những diễn biến bất thường, báo động nhiều ngày không khí ô nhiễm như hiện nay, Sở này nhận định ngay những người bình thường cũng bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, còn nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo mọi người nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà.
Đồng thời, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, những người mắc bệnh về hô hấp, suy giảm sức đề kháng nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh, nếu cần thiết phải ra ngoài, phải đeo khẩu trang đạt chuẩn.
Ô nhiễm không khí nặng nhất khi nào?
Báo cáo do Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cho thấy, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 thường cao nhất vào buổi đêm và sáng sớm.
Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân được lý giải do quy luật diễn biến chất lượng không khí hàng năm, tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa đông khi không khí lạnh tràn về.
Cùng với đó, kết quả phân tích của một số nghiên cứu giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
“Ô nhiễm không khí cao nhất thường vào buổi đêm và sáng sớm. Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường tại www.vea.gov.vn hoặc qua ứng dụng VNAir trên điện thoại di động để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động như: hạn chế ra ngoài vào buổi sáng sớm và buổi đêm, đóng các cửa chính, cửa sổ vào những thời điểm ô nhiễm tăng cao và đeo khẩu trang chống bụi đảm bảo tiêu chuẩn khi ra đường”, báo cáo nêu rõ.
Làm gì để giảm ô nhiễm không khí?
Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng cho biết, ở các đô thị lớn, nguồn phát sinh bụi mịn PM2.5 chủ yếu là do hoạt động như xe cộ đi lại nhiều, đốt rơm, rác, sử dụng bếp than tổ ong.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh, nguồn gây bụi mịn từ những hoạt động sinh hoạt thường nhật này “xảy ra quanh năm” và vẫn chưa thể kiểm soát.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Đình Tùng cũng khuyến cáo, đối với những đợt ô nhiễm không khí có tác động của khí hậu, thời tiết, xảy ra các hiện tượng nghịch nhiệt, khiến các nguồn gây ô nhiễm không khuếch tán được, ngưng tụ ở tầng thấp, rất cần phải nghiên cứu về tính mùa vụ của những đợt ô nhiễm này để chủ động giải pháp khuyến cáo, cảnh báo sớm cho người dân chủ động phòng tránh.
Kiến nghị giải pháp tránh phát sinh bụi mịn PM2.5 từ tháng 9/2020, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho hay đã trình thành phố kế hoạch phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam nghiên cứu thí điểm đo khí thải nhưng hiện vẫn chưa được triển khai.
Ông Định nêu rõ, để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí, Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội cho thí điểm chương trình đo kiểm khí thải thông qua việc lựa chọn và lắp đặt thiết bị cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng để đo khí thải xe máy ở 6 quận.
Trong khi đó, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng quản lý dự án và truyền thông, Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, trả lời báo Tuổi Trẻ cho thấy, hiện nay, thành phố Hà Nội vẫn “đang xem xét” kế hoạch triển khai thí điểm kiểm định khí thải xe máy, khi được phê duyệt chính thức thì chi cục mới triển khai.
Bụi mịn là “sát thủ thầm lặng”
Theo BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM chia sẻ, ô nhiễm không khí có tác động trực tiếp lên cơ quan hô hấp của con người.
Vị chuyên gia cho biết, hiện nay đã có nhiều nghiên cứu kết luận không khí ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người mắc bệnh mãn tính.
Đáng lo nhất, theo BS. Tuấn, là nhóm các đối tượng “mẫn cảm” như đối với phụ nữ mang thai, nếu tiếp xúc nhiều với các chất ô nhiễm thì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Theo Trưởng Khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, một trong những thành phần gây ô nhiễm không khí đáng lo ngại nhất là bụi mịn PM2.5 (với kích thước bằng 1/30 sợi tóc).
“Đây là ‘sát thủ’ thầm lặng, nguy hiểm, chúng len lỏi sâu vào các cơ quan cơ thể, gây nên nhiều căn bệnh chết người về hô hấp, ung thư, tim mạch”, BS. Tuấn nhận định.
BS. Trần Anh Tuấn cho biết, hiện đã có gần 200 trẻ mắc bệnh hô hấp đang nằm điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1.
“Dự báo trong những ngày sắp tới khi thời tiết chuyển sang lạnh hơn sẽ có nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp hơn, thường tăng 10-20% số bệnh nhân nhập viện”, ông Tuấn nói.
Ô nhiễm không khí, bụi mịn ở Việt Nam vượt ngưỡng của WHO 3-4 lần
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng công bố, mỗi năm tại Việt Nam có 34.000 ca tử vong, trong khi trên toàn thế giới có hơn 7 triệu người chết vì liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí, các bệnh do chất lượng nguồn không khí kém gây ra.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn chỉ ra một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là tỷ lệ bụi mịn tăng cao, là “sát thủ” dẫn đến tình trạng tử vong sớm ở nhiều trường hợp đó chính là quá trình đô thị hóa nhanh.
Trong một Hội thảo tham vấn quản lý chất lượng không khí và hướng dẫn kỹ thuật lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh do Tổng cục Môi trường và Tổ chức GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức, ông Patric Shilager, Quản lý dự án của GIZ nhận định rằng, ô nhiễm không khí, trong đó, ô nhiễm bụi mịn ở Việt Nam đã vượt mức hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới tới 3 -4 lần.
Tại Hội nghị, Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường cũng có báo cáo cho thấy, giai đoạn 2016-2020, ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng đến từ ĐH Bách khoa Hà Nội kiến nghị, để quản lý chất lượng không khí thành công cần có sự tham gia của Chính phủ, thị trường và cộng đồng.
Theo vị chuyên gia, để khắc phục tình trạng ô nhiễm, các địa phương cần xác định nguồn gây ô nhiễm chính và tìm cách chữa căn nguyên trước hết. Các công cụ như thể chế, kỹ thuật, kinh tế cũng phải được sử dụng một cách hài hòa, trong đó, ưu tiên sử dụng công cụ kinh tế, giảm thiểu phát thải tại nguồn thông qua dây chuyền và công nghệ sản xuất sạch hơn.
Đặc biệt, PGS.TS Dũng còn đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu dán nhãn xanh cho các sản phẩm thân thiện môi trường, thậm chí cân nhắc dán nhãn vàng hoặc đỏ cho các sản phẩm kém thân thiện môi trường, tùy theo mức độ.
Cùng với đó là xây dựng lực lượng nhân lực phục vụ quá trình quan trắc, giải pháp ứng phó với tình huống cấp bách khi bị ô nhiễm không khí nặng do tác động của điều kiện khí tượng cực đoan hay do sự cố môi trường, có hàng rào kỹ thuật về thắt chặt tiêu chuẩn thải để giảm dần lượng xe máy, quy định về chất lượng bê-tông, mặt đường, lắp thiết bị xử lý khí thải đối với ô tô mới, thay đổi hành vi lái xe của người dân.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia của GIZ kiến nghị bên cạnh chính sách, phải chú ý đến cả các biện pháp mang tính pháp lý, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân. Chuyên gia của GIZ đề xuất, ngành Giao thông Vận tải treo biển cảnh báo chống chạy xe không tải và có hình thức phạt nghiêm nếu lái xe không tuân thủ quy định. Tất cả phải cùng chung tay vì một bầu không khí “chung” và “sạch hơn” để thở.